Câu cấu

Giới thiệu chung

Cùng với sâu đục trái, sâu đục thân, đục cành, rầy bông xoài, bù lạch, nhện đỏ…thì câu cấu xanh (Hypomeces squamosus Fabricius), họ vòi voi (Curculionidae), bộ cánh cứng (Coleoptera) cũng là một loài côn trùng gây hại khá nhiều và đôi khi rất trầm trọng trên cây xoài ở nước ta hiện nay, nhất là ở các tỉnh phía Nam.  

 Đây là một loại côn trùng đa thực, ngoài cây xoài chúng còn gây hại trên nhiều loại cây ăn trái như cam, quýt, bưởi, ổi, gioi và nhiều loại cây ăn trái khác, ngoài ra chúng còn gây hại trên nhiều loại cây lương thực, rau mầu và cây công nghiệp như lúa rẫy, ngô, mía, thuốc lá, bông vải… nên việc phòng trừ chúng đôi khi cũng gặp không ít khó khăn do chúng thường xuyên có mặt trên đồng ruộng, vườn cây, thức ăn phù hợp cho chúng lại khá phong phú và con trưởng thành có khả năng di chuyển tương đối xa.

Ngoài Việt Nam cấu cấu xanh còn có mặt ở nhiều nước gần chúng ta như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thailand, Pakistan, Nhật Bản, Ấn Độ, Myanmar, Brunei, Hồng Kông…

1.1 Triệu chứng, mức độ gây hại

 Con trưởng thành sống trên cây, chúng có thể ăn đọt, lá non, lá bánh tẻ và cả lá già, hoa và trái non… Chúng có thể ăn trụi cả lá non, lá bánh tẻ, phần thịt của những lá già chỉ còn trơ lại gân lá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng quang hợp của cây, khiến cây xơ xác, còi cọc, phát triển kém và có thể bị chết nếu cây đang ở vườn ươm hoặc đang ở giai đoạn kiến thiết cơ bản.

apc

Con ấu trùng sinh sống trong đất xung quanh vùng rễ cây, chúng có hàm răng chắc khỏe, ăn chất hữu cơ mục nát và cắn phá rễ cây, làm bộ rễ bị tổn thương giảm khả năng hút dinh dưỡng và nước nuôi cây. Nếu nặng sẽ làm cây còi cọc, vàng úa, chậm lớn, những cây còn nhỏ ở vườn ươm hoặc mới được trồng ra vườn sản xuất có thể bị chết.

1.2 Nhận dạng

Trưởng thành của câu cấu là một loại bọ cánh cứng, cơ thể hình bầu dục, dài khoảng 14-16mm, trên mình được phủ đầy những vẩy màu vàng óng ánh kim loại (khi mới vũ hóa), sau chuyển dần sang màu xanh lá cây óng ánh rất đẹp hoặc mầu xám trắng. Mắt lồi, miệng với một cái vòi nhai phát triển (xem ảnh), thường sinh sống trên tán lá, lùm cây.

Trứng hình bầu dục, dài khoảng 1mm, màu trắng ngà, được đẻ rải rác trên mặt đất quanh gốc cây.

Ấu trùng thuộc dạng sùng, màu hơi vàng (trắng ngà), đầu mầu nâu rất phát triển, mình hơi cong, không có chân ngực và chân bụng, phần bụng hơi thon về cuối bụng, đẫy sức dài khoảng 18-20mm, thường sinh sống trong đất tại vùng rễ của cây.

Nhộng trần, màu trắng ngà, có mầm vòi rõ rệt.

apc

1.3 Sinh vật học

Con trưởng thành thường hoạt động và gây hại mạnh vào sáng sớm và chiều tối, ban ngày ẩn nấp dưới tán cây xoài hay trong các lùm cây xung quanh vườn, trời nắng to có thể bắt gặp chúng ẩn nấp cả ở dưới những kẽ nẻ đất, vì thế vào những lúc nắng to khi ra vườn nếu không quan sát kỹ sẽ không thấy câu cấu mà chỉ thấy triệu chứng cây bị hại của chúng. Lúc này chúng ít bay, bò chậm chạp, khi thấy động thường lẩn trốn rất nhanh trong các kẽ lá hoặc giả chết buông mình rơi xuống đất chạy trốn, con trưởng thành có thể sống và phá hại hàng tháng

Giai đoạn trứng khoảng 11-12 ngày.

Ấu trùng sống trong đất ăn chất hữu cơ mục nát hoặc rễ cây, giai đoạn ấu trùng có thể kéo dài trong nhiều tháng. Đẫy sức ấu trùng làm nhộng trong đất. Giai đoạn nhộng khoảng 15 ngày.

1.4 Sự phát sinh phát triển

Do ấu trùng sống trong đất nên câu cấu thường gây hại nhiều ở những vùng đất cao hoặc những vùng đất thường bị khô hạn, vì thế xoài ở miền Đông Nam bộ, ở những vùng đồi đất cao ở miền Trung, Tây Nguyên thường bị chúng gây hại nhiều hơn những vùng đất thấp, vùng đồng bằng có mực thủy cấp cao.

Ở các tỉnh Phía Nam có thể bắt gặp câu cấu quanh năm trên vườn xoài, ở các tháng mùa mưa mật số thường không cao, nhưng do khả năng ăn phá mạnh nên vẫn có thể gây hại đáng kể cho cây. Mật số cao và gây hại nhiều nhất vẫn là các tháng mùa khô, đặc biệt là vào giai đoạn lá non, lá bánh tẻ, ra hoa kết trái vì đây là thức ăn phù hợp đối với chúng.

Thực tế vườn cây cho thấy câu cấu thường thích sinh sống và gây hại ở những vườn xoài tốt sum suê rậm rạp hơn những vườn đã già cỗi, còi cọc.

Để hạn chế tác hại của câu cấu xanh, phải áp dụng kết hợp một cách đồng bộ và hợp lý những biện pháp trong quy trình quản lý dịch hại tổng hợp, sau đây là một số biện pháp chính:

Biện pháp canh tác

Không nên trồng xoài quá dầy, thường xuyên tỉa bỏ những cành nhánh bị sâu bệnh, cành già, cành tăm, cành không có khả năng cho trái nằm khuất trong tán lá… để vườn xoài luôn thông thoáng, hạn chế nơi trú ngụ của câu cấu.

Chăm sóc cho cây xoài sinh trưởng khỏe, áp dụng những biện pháp kỹ thuật để điều khiển cho cây xoài ra đọt lá tập trung, hạn chế nguồn thức ăn phù hợp cho câu cấu liên tục có mặt trên vườn cây. Biện pháp này cần vận động nhiều chủ vườn xung quanh cùng tiến hành đồng loạt thì mới mang lại hiệu quả cao. 

Dùng vợt bắt con trưởng thành trên cây vào sáng sớm hoặc chiều tối.

Do con trưởng thành có đặc tính giả chết buông mình rơi xuống đất khi bị khua động, có thể rải vải bạt xung quang gốc, rung cây cho câu cấu rớt xuống rồi thu gom tiêu diệt.

Vào mùa khô nên tưới nước giữ ẩm vườn thường xuyên, tránh để vườn bị khô hạn trong thời gian dài để hạn chế nơi sinh sống của ấu trùng.

Kết hợp với việc làm cỏ xới gốc, nên rải thuốc trừ sâu dạng hột để diệt ấu trùng trong đất.

Biện pháp lợi dụng thiên địch

(Đang cập nhật)

Biện pháp thuốc BVTV

Vào những đợt cây xoài ra đọt lá non, phải kiểm tra vườn cây thường xuyên, để phát hiện sớm và phun thuốc diệt trừ câu cấu kịp thời.

Liên hệ với chúng tôi

Nguyễn Danh Vàn