Cây chanh dây

Tổng quan

1. Cây Chanh Dây:

Chanh dây thuộc họ Lạc tiên (Passifloraceae) được trồng rộng khắp ở vùng nhiệt đới và bán nhiệt đới. Ở nước ta, chanh dây còn được gọi là dây mát, mắc mát, mát mát, chùm bao trứngchanh leo. Trong số khoảng 500 loài của Chi Lạc tiên (Passiflora) người ta thường trồng ba loại chính: quả màu tím (Passiflora edulis Sims.), màu vàng (Passiflora edulis f.flavicarpa Deg.) và giant granadilla (Dưa gang tây – Passiflora quadrangularis L.).

Quả tím; quả vàng và giant granadilla (từ trái qua phải)

Các giống quả màu vàng có độ acid cao hơn rất thích hợp với chế biến nước ép và có khả năng chống bệnh tốt hơn. Các giống quả màu tím nhỏ và nhẹ hơn, nhưng hương vị hấp dẫn và phù hợp với khí hậu cận nhiệt đới tương đối mát.

Chanh dây màu tím có nguồn gốc từ miền Nam Brazil qua Paraguay đến Bắc Argentina.1 Chanh dây màu vàng không rõ về nguồn gốc hoặc có lẽ từ vùng Amazon của Brazil hoặc là một lai giữa P. edulis và P. ligularis.3,4 Tuy nhiên, các nghiên cứu về tế bào đã thấy rằng lý thuyết lai là không thể xảy ra.

Từ Brazil, chanh dây tím đã được đưa vào Jamaica năm 1913, Puerto Rico năm 1925 và Venezuela vào năm 1954 (Morton, 1987; Bộ sưu tập Quốc gia Mỹ), chanh dây vàng được đưa vào trồng ở Colombia và Venezuela vào giữa những năm 1950 và ở Surinam vào năm 1975.2,3

Ở Anh các loại chanh dây quả tím được mô tả năm 1818 từ bộ sưu tập thực vật kỳ lạ (trồng ở Bayswater, Luân Đôn).2 

Dường như P. edulis ban đầu được đưa vào Úc vào đầu những năm 1800 và trồng phổ biến ở các khu vực ven biển Queensland trước năm 1900. Ở New Zealand, chanh dây được trồng trong những năm 1930 (Morton, 1987).2

Ở Hawaii, hạt của chanh dây tím mang đến từ Úc, được trồng lần đầu tiên vào năm 1880. Chanh dây tím đã được bắt đầu trồng ở Kenya vào năm 1933 và được mở rộng vào năm 1960. Cây trồng này cũng được vào trồng thương mại ở Uganda vào thời gian đó. Nam Phi vào năm 1947 sản xuất 2.000 tấn chanh dây tím phục vụ tiêu dùng trong nước. Các giống chanh dây vàng đã được giới thiệu vào Fiji từ Hawaii vào năm 1950. Các giống chanh dây tím đã được giới thiệu vào Israel từ Úc vào đầu thế kỷ 20.3      

Ngày nay, chanh dây được trồng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới: các nước vùng Caribe, Colombia, Ecuador, Peru, Haiti, Mexico, Mỹ (California, Florida, Hawai), Australia, New Zealand, các nước Đông Phi, Nam Phi, Israel, Ấn Độ, Sri Lanka, Philippines, Indonesia, Đài Loan, Việt Nam,...

Giá trị dinh dưỡng cho mỗi 100g của chanh dây như sau: Năng lượng 97Kcal; Carbonhydrat 23.38g; Đường 11.20g; Chất xơ 10.40g; Lipid béo 0.70g; Protein 2.20g; Riboflavin (B2) 0.130mg; Niacin (B3) 1.500mg; Folate (B9) 14µg; Vitamin C 30.0mg; Canxi 12mg; Sắt 1.60mg; Magie 29mg; Phốtpho 68mg; Kali 348mg; Kẽm 0.10mg. (Nguồn: USDA Nutrient Database).1

Nước ép từ quả chanh dây có hương vị độc đáo. Với vị ngọt và chua của nó có thể tạo ra thứ đồ uống thích thú. Hơn nữa nó có thể kết hợp với các loại nước ép của các loại quả khác tạo ra đồ uống có hương thơm khác lạ. Người ta sử dụng nước ép  để sản xuất kem, bánh, kẹo mứt, thạch, các loại cocktail có cồn, rượu vang,...Ở một số quốc gia chanh dây được sử dụng chế biến thành một số món salad hoa quả.

 

Các sản phẩm thu được qua chế biến chanh dây vàng bao gồm 36% nước, 51% vỏ và 11% hạt. Trong vỏ chứa khoảng 5 – 6% protein và có thể được sử dụng như một chất độn trong thức ăn gia cầm và gia súc. Ở Hawaii, vỏ quả được cắt nhỏ, sấy khô và kết hợp với mật đường làm thức ăn cho lợn, gia súc hoặc cũng có thể ủ chua. Trong hạt chứa 23% dầu tương tự như dầu hướng dương và dầu đậu nành. Do đó cũng có thể chế biến thành dầu ăn hoặc sử dụng trong công nghiệp. Người ta có thể thu được 3.400 gallon (13.000 lít) dầu mỗi năm qua các sản phẩm phụ ở Fiji.3  

Nhiều nước sử dụng các glycoside, passiflorine từ P. incarnata L., như một loại thuốc an thần thảo mộc, chống co thắt, giảm đau. Các nhà hóa học người Ý đã chiết xuất passiflorine (Một alkaloid indol ba vòng, C₁₂H₁₀N. Có tác dụng giảm căng thẳng thần kinh và các biểu hiện stress, giúp ngủ ngon) từ những chiếc lá khô của P. edulis.3

Ở Madeira (là một quần đảo của Bồ Đào Nha tọa lạc tại Bắc Đại Tây Dương, phía miền tây nam của Bồ Đào Nha) nước trái cây của chanh dây được coi như một chất kích thích tiêu hóa và điều trị ung thư dạ dày.3

Với màu sắc sặc sỡ của hoa, chanh dây còn được trồng như một loại cây cảnh trong vườn nhà, hàng rào ở vùng cận nhiệt đới.

Ở Paraguay hoa của chanh dây đã được coi là quốc hoa.2

Trong dịch ép của chanh dây có glycoside cyanogenic (có thể gây độc) ở tất cả các giai đoạn phát triển. Tuy nhiên, có điều may mắn là hàm lượng cao nhất chỉ ở giai đoạn quả non, chưa chín. Còn trong giai đoạn chín thì hàm lượng chất gây độc này là quá thấp đến nỗi không có ý nghĩa về độc tính.3

Ban đầu với những đặc tính của nó, mà chanh dây được trồng với mong muốn như là một loại cây ăn quả và cây cảnh. Nhưng việc chúng có thể nhanh chóng phát triển từ hạt (do động vật mang đi) hoặc thân (tại chỗ) cùng với các tay bám chặt vào cây thân gỗ, cây bụi (Cervi, 1997) và hơn thế nữa, trong quá trình sinh trưởng của mình chanh dây đã tạo ra chất allelopathic có khả năng ức chế sự tăng trưởng của cây trồng khác lân cận (Khánh et al., 2006). Chính vì thế trong tự nhiên hoang dã đôi khi nó được coi là một loài cỏ dại (giống như rau muống dại Ipomea spp.) và trở thành một loại cây xâm thực nguy hiểm. Quá trình này đã xảy ra ở New Zealand, Australia (Người ta thấy những cây chanh dây mọc cách nơi trồng gần nhất hàng trăm cây số – có lẽ hạt phát tán bởi các loài chim), Nam Phi, Puerto Rico và Florida (Henderson, 2001; Batianoff và Butler, 2002; Harris et al, 2007; Wunderlin và Hansen, 2012) cũng như trên nhiều đảo trên Thái Bình Dương (PIER, 2014). Hơn 10.000 cây chanh dây dại phải nhổ bỏ trên Raoul Island (một đảo trong quần đảo Kermadec) bằng cách kết hợp làm cỏ tay và thuốc trừ cỏ (West, 2002).

***

Tùy theo loại, mà chanh dây được trồng ở các vùng có nhiệt độ khác nhau. 

Các giống quả tím thích ứng với khí hậu cận nhiệt đới có thể sương giá (10 – 13OC) nhẹ và ngắn. Thậm chí ở phía Tây Florida, tại vĩ độ 28ON và có độ cao hơi trên mực nước biển, cây chanh dây 3 tuổi đã sống sót trong nhiệt độ đóng băng với lớp băng tuyết phủ quanh gốc. Mặc dù các phần trên bị tổn thương vì lạnh, nhưng khi cắt các phần đó đi, thực hiện tăng cường bón phân thì cây phục hồi nhanh chóng và cho năng suất cao vào mùa hè thứ hai sau đó.3 Nói chung cây sinh trưởng trong khoảng nhiệt độ 15 – 32OC, thích hợp 20 – 26OC. Ở 18OC rất thích hợp cho tăng trưởng và ra hoa. Trong khi nhiệt độ cao hơn 30 – 32OC thì quá trình sinh trưởng xảy ra mạnh mẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình ra hoa và đậu quả.  Hầu như không có hoa ở độ cao < 500 – 600m so với mực nước biển nên thường được trồng ở độ cao 1.200 – 2.000m.2,10

Các giống quả vàng phù hợp với khí hậu nhiệt đới có nền nhiệt độ cao hơn. Ở Tây Samoa, nó được trồng từ độ cao gần mực nước biển lên đến độ cao 600m.3

Cả hai loại cây mọc trên một loạt các loại đất. Đối với đất sét nặng phải thoát nước tốt, còn đất cát cần bón nhiều phân hữu cơ để tăng cường khả năng giữ ẩm trong thời kỳ khô hạn. pH 6.5 – 7.0 được ưa thích nhất. Nếu đất quá chua hay quá kiềm cần phải thoát nước tốt để giảm thiểu tỷ lệ nhiễm bệnh lở cổ rễ.3,5,7

Tại Đông Nam Á, nó được trồng ở vùng có lượng mưa hàng năm 2.000 – 3.000mm. Nhưng ở châu Phi và Australia đặc biệt phát triển tốt nếu lượng mưa ít nhất là 900mm với điều kiện lượng mưa được phân phối đều. Nhiều diện tích trồng chanh dây thường không tưới nhân tạo. Tuy nhiên, muốn chanh dây đạt được năng suất tối đa, thì đòi hỏi mức đất ẩm tương đối cao trong suốt thời gian hình thành và phát triển quả. Trong trường hợp lượng mưa tự nhiên không đủ để đáp ứng nhu cầu này, tưới tiêu có thể là một đầu tư khôn ngoan.

Cả hai loại quả cần trồng trồng nơi có gió mạnh.3,4 

2. Đặc tính thực vật:

Thân: Là loại thân dây leo, sống lâu năm. Thân màu xanh, có thể trơn nhẵn hoặc có lông tơ, các tia mạch dẫn lớn có thể nhìn thấy. Trên thân có nhiều tay cuốn từ nách cuống lá. Chanh dây là một trong số các loài có thân cứng nhất trong chi Lạc tiên (Passiflora). Đường kính gốc cây khoảng 3cm. Thân có thể phát triển 5 – 6m.

Lá: Lá màu xanh, hình chân vịt với 3 thùy mọc so le (mọc cách), kích thước 6 – 15cm. Chúng có 2 tuyến đặc trưng ở gốc của phiến lá trên cuống lá. Cuống lá dài 3 – 5cm. Lá có mặt trên xanh bóng, mặt dưới nhạt và nhẵn hơn, nhìn rõ các gân lá. Lá không có răng cưa.

Hoa: Hoa mọc đơn từ các nách lá, được bao bọc bởi 3 lá bắc (không tạo thành bao chung), màu xanh, dài khoảng 2cm. Nụ hoa xuất hiện tuần tự trên chồi mới. Hoa cần 40 – 46 ngày để nở.2  

Đài hoa 5 cánh, màu xanh – trắng, thuôn dài khoảng 15mm. Cánh hoa 5 cánh, màu trắng, dài khoảng 25mm. 5 nhị hoa cùng với các bao phấn lớn, kích thước khoảng 10x5mm. Các chỉ nhị màu trắng có chân màu tím tạo thành một vành chỉ nhị ở phía dưới, dài 7mm. Đầu nhụy chia thành 3 nhánh nổi bật phía trên nhờ cuống nhụy dài khác thường.

Hoa của quả vàng có màu sắc sặc sỡ, dữ dội hơn.

Hoa chanh dây có đặc tính bao phấn tung phấn trước khi nhụy có khả năng tiếp nhận. Quá trình giao phấn chỉ xảy ra sau khi hoa nở 1 – 2 giờ.

Hoa chanh dây là hoa lưỡng tính. Tuy nhiên, chỉ có hoa quả tím thì mới tụ thụ phấn được còn hoa quả vàng thì không. Hoa quả vàng có thể thụ phấn cho hoa quả tím, nhưng quá trình ngược lại sẽ không xảy ra. Những bông hoa quả tím thường nở vào buổi sáng sớm (khoảng bình minh) và gần trước buổi trưa. Còn hoa của quả vàng nở muộn hơn (khoảng 9 – 10 giờ đến giữa trưa).3

Trong tự nhiên, gió hầu như ít tác dụng thụ phấn cho hoa chanh dây vì phấn hoa nặng và dính chặt với bao phấn. Các loại ong mới là nguồn “nhân công” tốt nhất. Ong bầu (Carpenter bees – Xylocopa mega xylocopa frontalis và X. neoxylocopa) có hiệu quả nhất vì nó có thể làm tổ để trú ngụ ngay trên thân cây chanh dây. Ong mật (Honey bees – Apis mellifera adansonii) ít hiệu quả hơn. Ong bầu sẽ không hoạt động nếu tuyến mật của hoa là ẩm ướt. Nếu mưa xảy ra trong 1giờ 30′ sau khi thụ phấn thì không đậu quả. Nhưng nếu quá trình thụ phấn diễn ra > 2 giờ trước khi trời mưa thì sẽ không có ảnh hưởng bất lợi.3 

Quả: Quả mọng, hình trứng hay hình cầu. Quả tím có kích thước cỡ quả trứng gà. Màu sắc bên ngoài từ màu tím – đen sang màu đen với đốm trắng mịn. Quả vàng có màu vàng chanh, kích thước nhỉnh hơn.

Cắt ngang quả có một lớp vỏ dày, màu trắng. Trong khoang chứa phần thịt quả màu cam bao bọc toàn bộ hạt. Có mùi thơm dễ chịu. Hàm lượng nước trong hai loại quả là tương đương: quả tím 35 – 38% và quả vàng 36%. 

Hạt: Trong mỗi quả có khoảng > 200 hạt nhỏ cứng, hình elip, màu đen, có những hốc nhỏ trên bề mặt, dài khoảng 2.4mm. Trong tự nhiên khả năng nảy mầm sẽ mất trong khoảng 2 – 4 tuần nếu không tự nảy mầm. 

Các thành phần của hạt khô gồm (%): độ ẩm 5.4; chất béo 23.8; chất xơ thô 53.7; protein 11.1; N-tự do chiết xuất 5.1; tổng tro 1.84; tro không tan trong HC1 0.35; canxi 80mg; sắt 18mg; phospho 640mg mỗi 100g. Dầu hạt chứa 8.99% acid béo bão hòa và 84.99% acid béo không bão hòa. Các acid béo bao gồm (%): palmitic 6.78; stearic 1.76; arachidic 0.34; oleic 19.0; linoleic 59.9; lenolenic 5.4.3

3. Kỹ thuật canh tác:

Chọn đất, chuẩn bị đất

Chanh dây trồng được trên mọi địa hình. Các loại đất xốp, giàu chất hữu cơ, thịt nhẹ, đất đỏ Bazan,... là thích hợp. Đối với đất sét nặng cần tăng cường phân hữu cơ. Đất chua tăng lượng vôi lót. pH 5.5 – 6.0

Chanh dây cần nhiều nước vì rễ ăn nông, nhưng phải bảo đảm thoát nước tốt để tránh các bệnh hại (nhất là với giống quả tím).

Diện tích trồng cần được làm cỏ trước 12 tháng để đảm bảo rằng cỏ dại lâu năm được loại bỏ. Chọn những nơi có nhiều ánh sáng, ít bị tác động của gió.

Đào hố kích thước 60 x 60 x 60cm, bỏ lớp đất mặt 1 bên. Bón vôi 0,5 kg/hố sau đó tiến hành bón lót phân chuồng 10 – 15kg + 0,5 kg lân/hố. Đất cần được chuẩn bị và làm giàu hữu cơ một tháng trước trồng.

Gieo hạt, mật độ:

Chanh dây có thể trồng bằng hạt, sử dụng cây ghép hoặc dâm cành.

Qua chín sau khi thu hái thì lấy ngay hạt giống tiến hành xử lý để gieo ngay. Lưu ý hạt giống gieo ngay sau khi lấy ra khỏi quả sẽ nảy mầm trong vòng 10 đến 20 ngày. Những hạt làm sạch và bảo quản có tỷ lệ nảy mầm thấp hơn và chậm hơn.

Để giảm thiệt hại do những bệnh ở đất, tuyến trùng gây ra người ta thường dùng giống quả vàng làm gốc ghép cho giống quả tím.

Có nước người ta dùng biện pháp giâm cành có 3 – 4 mắt. Để kích thích ra rễ người ta sử dụng các chất kích thích sinh trưởng.3

Tùy theo điều kiện mà sử dụng mật độ thích hợp: 4x4m (khoảng 600 cây/ha); 5x4m (khoảng 500 cây/ha) hoặc 5x5m (khoảng 400 cây/ha).

Cây con được trồng trong những ngày mát mẻ. Cây trồng xong nên tưới đẫm. Ở những nơi khô, nóng sử dụng chất độn phủ gốc giữ ẩm.

Chanh dây sinh trưởng mạnh nên khi trồng cần làm giàn để cây có thể phát triển tốt. Có thể làm giàn theo kiểu cắm cọc (giống hồ tiêu) chăng dây hoặc giàn mắt cáo 30x30cm. Độ cao khoảng 2m.

Chăm sóc

Tưới:                                      

Hệ thống rễ của chanh dây là rất nông nhưng rộng. Duy trì độ ẩm của đất đầy đủ trong suốt mùa sinh trưởng sẽ giúp giảm thiểu stress cho cây và tối đa hóa sản lượng. Bảo đảm tưới thường xuyên trong suốt khoảng thời gian có hoa, đậu quả và cao nhất vào giai đoạn quả phát triển mạnh. Nếu để đất khô, trái cây có thể teo lại và rụng sớm. 

Tưới nhỏ giọt là phù hợp với chanh dây bởi vì nó cung cấp nước trực tiếp cho rễ và tránh cho lá, quả bị ướt dễ nhiễm bệnh. Đảm bảo cây nhận đúng số lượng nước cần thiết để giảm thiểu nguy cơ các bệnh ở rễ, gốc phát triển vì quá ẩm. Có thể tưới phun nhưng cần lưu ý các thời điểm hoa nở rộ vào buổi sáng và giảm thời gian nước đọng trên lá quá lâu.

Cắt, tỉa:     

Sau khi trồng 2 năm bắt đầu cắt, tỉa mỗi năm một lần nhằm tăng cường ra nhánh để có số hoa, quả nhiều hơn. Nếu cắt, tỉa đúng thì có cây khỏe và kéo dài thời gian thu hoach. Tuổi thọ trung bình của một đồn điền ở Fiji chỉ có 3 năm. Cắt, tỉa đúng kỹ thuật cùng với kiểm soát dịch bệnh thì kéo dài tuổi thọ trồng đến 5 hoặc 6 năm. Ở Nam Phi, ở độ cao 1.200 – 1.460m, thời gian thu hoạch có thể kéo dài đến 8 năm.3

Nguyên tắc chung loại bỏ tất cả nhánh sinh trưởng yếu, vô hiệu, bị sâu bệnh và cắt tối thiểu 1/3 các nhánh sinh trưởng mạnh. Ở những vùng có khí hậu khô, nóng cho phép một tán tán lá dày phát triển xung quanh quả để ngăn ngừa cháy nắng. Tùy theo điều kiện thời tiết mà thực hiện sau thu hoạch hoặc đầu mùa xuân sang năm.

Bón phân:

Lượng phân bón thúc tùy theo điều kiện cụ thể từng nơi, tuổi cây và tình trạng sinh trưởng mà xác định lượng phân khác nhau. Phân NPK thường được sử dụng với tỷ lệ 10–5–20.

Có thể bón thúc 3 – 4 lần trong năm. Người ta cho rằng 900 – 1.000g đạm có thể tạo ra 30 kg quả, nhưng lượng đạm cao quá mức sẽ gây ra rụng quả non. Chanh dây có nhu cầu cao với  kali và canxi, sau đó là magiê.

Trong những năm gặp rét đậm, hại thì lượng phân bón thúc cần cao hơn thông lệ để giúp cây chóng hồi phục.

Làm cỏ:

Tiến hành làm cỏ thường xuyên.

Có thể làm cỏ bằng tay, cơ giới hoặc sử dụng thuốc trừ cỏ. Nhưng cần chú ý bảo vệ bộ rễ ăn nông và tránh để thuốc dính vào gốc, thân cây.

Thụ phấn

Khả năng thụ phấn của hoa chanh dây có nhiều khó khăn do đặc điểm thực vật (trọng lượng phấn hoa và độ bám dính của nó, thời gian tung phấn và thời gian nhụy “chín” không trùng nhau, hoa chanh dây vàng không thể tự thụ phấn, khả năng thụ phấn phụ thuộc vào ong,...) cho nên việc thụ phấn bằng tay cũng là cần thiết nhất là đối với giống chanh quả vàng. Trong sự vắng mặt của ong, ở Fiji, nông dân thụ phấn bằng tay có thể đạt 600 hoa một giờ với kết quả 70% đậu quả và 60% quả phát triển tốt.3

Thu hoạch

Thời gian chín của chanh dây thường vào khoảng 70 – 80 ngày sau khi thụ phấn. Quả sẽ nhanh chóng chuyển từ xanh sang tím đậm (hoặc màu vàng) khi chín. Trái cây có thể thu hoạch khi nó đã chuyển từ màu xanh sang màu tím hoặc màu vàng hoặc được phép rụng nhưng với điều kiện thu nhặt hàng ngày vì quả nhanh chóng mất nước làm cho vỏ quả nhăn nheo và để tránh bị hỏng từ sinh vật đất. Lưu ý rằng những quả bị rụng có hàm đường, acid ascobic, các chất rắn hòa tan,... suy giảm. Cho nên tùy theo sản lượng và mức độ chín mà thu hái trên cây là tốt nhất.

Quả chanh dây là một loại quả chín sau thu hoạch (climacteric fruit). Do đó, khi quả hoàn toàn trưởng thành (10 – 11 tuần tuổi) có thể thu hoạch và bảo quản cho đến khi quả chín hoàn toàn.

Mặc dù có một lớp vỏ bên ngoài cứng rắn, chanh dây vẫn cần xử lý một cách cẩn thận để giảm thiểu nhược điểm khó coi trên vỏ quả. Cần rửa để loại bỏ bụi và dư lượng các chất trước khi làm khô, phân loại và đóng gói cho phù hợp với yêu cầu thị trường. Quả được bảo quản trong túi polyethylene không đục lỗ ở nhiệt độ 23.1OC có thể giữ trong 2 tuần. Nếu được bao bởi lớp với parafin và bảo quản ở 5OC – 7OC và độ ẩm tương đối  85 – 90% thì có thể bảo quản trong 30 ngày.3

4. Dịch hại chính:

Chanh dây thường bị các loại sâu hại như: Bọ trĩ (Thysanoptera sp.); Ruồi giấm đục quả (Anastrepha suspensa, Ceratitis capitata, Bactrocera cucurbitae); Nhện đỏ (Brevipalus phoenicis); Bọ phấn (Bemisia tabaci) gây hại.

Theo TS Nguyễn Văn Hòa và cộng sự (Viện Cây ăn quả miền Nam) thì bệnh hại bao gồm: Bệnh cứng trái – hóa bần vỏ trái (do virus Passion fruit woodiness – PWV); Bệnh quăn lá (do PLCV virus –  Papaya leaf curl virus); Bệnh quăn lá (Euphorbia Leaf Curl virus); Bệnh đốm dầu do vi khuẩn (Pseudomonas passiflorae); Bệnh héo rũ vi khuẩn (Pseudomnas syringae); Bệnh đốm nâu (Alternaria passiflorae); Bệnh đốm xám: (Septoria passiflorae); Bệnh thối hạch: (Sclerotinia sclerotiorum); Bệnh héo rũ (Fusarium avenaceum, Giberella baccata, Gibberella saubinetii); Bệnh thối rễ (Phytophthora cinnamomi, Phytophthora megasperma, Fusarium).

Một lưu ý là chanh dây quả vàng thường kháng được với các bệnh do nấm đất, tuyến trùng gây ra nên thường được dùng làm gốc ghép cho các giống quả tím thường bị hại bởi các bệnh này.

Các loại cỏ dại cũng thường xuyên cạnh tranh dinh dưỡng và độ ẩm đất với chanh dây nên cũng cần được diệt trừ thường xuyên.

D.A.M

Ảnh trong bài thu thập từ Internet.

Tài liệu tham khảo

1. Passiflora edulis - Wikipedia https://en.wikipedia.org/wiki/Passiflora_edulis

2. Passiflora edulis (passionfruit) - CABI https://www.cabi.org/isc/datasheet/38799

3. Passionfruit https://www.hort.purdue.edu/newcrop/morton/passionfruit.html

4. PASSION FRUIT Fruit Facts - California Rare Fruit Growers, Inc. https://www.crfg.org//ff/ passionfruit.html

5. Passion Fruit - University of California Cooperative Extension Ventura ceventura.ucanr.edu/ Com_Ag/Subtropical/Minor.../Passion_Fruit

6. Passion Fruit: Nutrition, Benefits and How to Eat - Healthline https://www.healthline.com/nutrition/passion-fruit

7. Passionfruit - Tharfield Nursery www.tharfield.co.nz/crop.php?fruitid=63_Passionfruit

8. 8 Common Problems with Growing Passion Fruits | Hort Zone https://www.hortzone.com/ blog/.../problems-growing-passion-fruits/

9. Insect Pests of Passion Fruit (Passiflora edulis) and...-ResearchGate https://www.researchgate .net/... Pests_of_Passion_Fruit.../57ac198508ae...

10. Passion fruit cultivation in India, Kundan Kishore, Central Horticultural Experiment Station, (ICAR- IIHR), Aiginia, Bhubaneswar – 751019, Odisha.