Cây chôm chôm

Tổng quan

1. Cây chôm chôm:

Chôm chôm (Nephelium lappaceum L.) là một loại cây ăn quả nhiệt đới trong chi Nephelium, phân họ Sapindoideae, họ Sapindaceae của Bộ bồ hòn.

Mặc dù phân bố tự nhiên chính xác của nó là không rõ, nhưng người ta cho rằng có nguồn gốc trên bán đảo Malay. Các ghi chép lịch sử sớm nhất về cây chôm chôm cho thấy rằng nó được trồng ở khu định cư của các bộ lạc sống trong rừng rậm nhiệt đới. Người ta cũng quan sát thấy sự đa dạng về giống, về mẫu cây hoang dã và cây trồng đã được tìm thấy ở Indonesia và Malaysia. Từ đó nó lan ra các nước khác trong khu vực châu Á, châu Phi, châu Đại Dương và Trung Mỹ.1,2

Khoảng thế kỷ 13 đến 15, thương nhân Ả Rập (người đóng vai trò quan trọng trong thương mại tại Ấn Độ Dương), đã giới thiệu chôm chôm tới Zanzibar và Pemba của Đông Phi. Ở Ấn Độ, chôm chôm được trồng ở số nơi. Trong thế kỷ 19, người Hà Lan giới thiệu chôm chôm từ thuộc địa của họ ở Đông Nam Á đến Suriname ở Nam Mỹ. Sau đó, cây ăn quả này lan sang các nước châu Mỹ nhiệt đới. Nó được được trồng ở những vùng đất thấp ven biển của Colombia, Ecuador, Honduras, Costa Rica, Trinidad và Cuba.1,3,4,5 Người ta cũng có nhiều nỗ lực để đưa chôm chôm vào đông nam nước Mỹ với hạt giống nhập khẩu từ Java vào năm 1906.1,6,7

Năm 1912, chôm chôm được du nhập vào Philippines từ Indonesia. Sau đó được quảng bá thêm vào những năm 1920 (từ Indonesia) và 1930 (từ Malaysia), nhưng cho đến những năm 1950 phân bố diện tích của nó là vẫn còn nhiều hạn chế. Tại Thái Lan, cây chôm chôm được trồng lần đầu tiên tại Surat Thani ở Ban Na San (một huyện của tỉnh Surat Thani Province) vào năm 1926 bởi một người Malaysia gốcTrung Quốc K.Vọng.6 

Ngày nay, chôm chôm được trồng rộng rãi ở Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, miền Nam Việt Nam, Campuchia và Lào, vùng nhiệt đới miền nam Trung Quốc (Vân Nam và Hải Nam), Sri Lanka.6 Việt Nam, cây ăn quả này được trồng chủ yếu ở các tỉnh thuộc lưu vực sông Đồng Nai, nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Chôm chôm đã được giới thiệu vào Úc trong năm 1930, nhưng sản xuất mang tính thương mại chỉ bắt đầu vào năm 1970 (Watson, 1988).

Bản đồ phân bố chôm chôm. Màu xanh dương là vùng phát sinh.

Chôm chôm cung cấp một loạt các chất dinh dưỡng cho cơ thể con người. Giá trị dinh dưỡng cho mỗi 100 g như sau: Năng lương 82 Kcal;  Cacbonhydrat 20.87; Chất xơ 0.9g; Chất béo 0.21g Đạm 0.65g; Thiamine (B1) 0.013mg; Riboflavin (B2) 0.022mg; Niacin (B3) 1.352mg; Vitamin B6 0.02mg; Folate (B9) 8µg; VitaminC 4.9mg; Canxi 22mg; Sắt 0.35mg; Magiê 7mg; Mangan 0.343mg; Photpho 9mg; Kali 42mg; Natri 11mg; Kẽm 0.08mg (Nguồn: USDA Nutrient Database)

Quả chôm chôm thường được sử dụng tươi như món tráng miệng. Thịt quả chôm chôm chứa đường (16%, chủ yếu là sucrose), vitamin C cao,... nên có thể chế biến để nâng cao giá trị gia tăng thành mứt hay thạch đóng hộp; kẹo; xi-rô (nhưng phải ngay lập tức sử dụng khi mở hộp). Năm 1886, rượu vang làm từ trái quả chôm chôm được đặt trong một cuộc triển lãm ở London. Tuy nhiên, do hương vị và khẩu vị không thích hợp nên việc sản xuất đã ngừng ngay sau đó. Với những giống có độ acid cao có thể sử dụng trong một số món ăn.

Vỏ quả hoặc trái cây, hạt có nhiều chất tanin và saponin thường được sử dụng trong y học. Lá được sử dụng trong thuốc đắp chữa sốt. Tại Malaysia, rễ được sử dụng để điều trị sốt và vỏ được áp dụng như một chất làm se lưỡi. Chồi non được sử dụng để nhuộm lụa vàng sang xanh lá cây. Một thuốc nhuộm gọi ayer banyar, làm từ lá chôm chôm và trái cây kết hợp với các thành phần khác, được sử dụng để nhuộm đỏ lụa đen.6,7,8 Người ta cũng sử dụng thân cây làm gỗ vì có độ bền cao. Hạt chứa nhiều dầu, chủ yếu là axit oleic (42%) và axit arachidic (34%), trước đây được sử dụng cho thắp sáng và làm xà phòng. Hoa cái có chứa mật nhiều hơn hoa đực 2 – 3 lần là một nguồn mật hoa quan trọng đối với ong tại Malaysia.7

Là cây có lá xanh quanh năm với trái cây có nhiều màu khác nhau (do giống) nên có khi được trồng thành cây cảnh ở các khu vực công cộng.

Một trang quảng cáo bán giống chôm chôm ở Malaysia.

Thái Lan là nhà sản xuất chôm chôm lớn nhất với 588.000 tấn (55.5% tổng sản lượng thế giới). Tiếp theo là Indonesia với 320.000 tấn (30.2%) và Malaysia với 126.300 tấn (11.9%) vào năm 2005.

Sản xuất chôm chôm đang gia tăng tại Úc. Nó được coi là một trong ba loại trái cây nhiệt đới hàng đầu tại Hawaii.1

***

Vị trí: Chôm chôm sinh trưởng tốt nhất ở vùng nhiệt đới ẩm ướt, ở độ cao dưới 600 mét, mặc dù nó cũng có thể được trồng phi thương mại ở độ cao đến 1.950 mét. Nó được trồng trong vòng khoảng 12 – 15° từ đường xích đạo.

Nhiệt độ: Cây thích nghi với khí hậu nhiệt đới ấm, với biên độ nhiệt độ giao động trong khoảng 22 – 30°C và thích hợp nhất trong khoảng 26 – 27°C. Cây rất nhạy cảm với nhiệt độ dưới 10°C nhất là trong giai đoạn vườn ươm và mới trồng. Ở nhiệt độ này cây bắt đầu rụng lá. Khi nhiệt độ này diễn ra trong vài ngày liên tiếp hoặc thấp hơn thì bị chết. 

Ẩm độ: Chôm chôm thích hợp với điều kiện mưa quanh năm nhưng có thể chịu đựng lên đến 2 – 3 tháng mùa khô. Độ ẩm tương đối khoảng 62 – 82%. Lượng mưa trung bình hàng năm trong khoảng 1.400 – 4.000mm. Tuy vậy, thích hợp 2.000 – 3.000mm với 150 ngày có mưa.

Đất: Cây phát triển tốt nhất trên đất có tầng đất dày, đất sét pha hoặc thịt pha cát  giàu chất hữu cơ, thoát nước tốt. Cây cũng phát triển mạnh trên địa hình đồi núi. Tuy nhiên, ở những chân đất khô cằn, có nhiều đá sỏi thì cây không thể phát triển được. Độ pH thích hợp 5 – 6.5, nhưng có thể chịu đựng được ở pH 4.5. Ở pH cao hơn sẽ gây ra hiện tượng thiếu hụt sắt và kẽm là nguyên nhân vàng lá sinh lý.

Các yếu tố khác: Chôm chôm ưa trồng ở những nơi có ánh sáng nhiều, mặc dù cây non cần bóng râm. Cây cũng đòi hỏi được che chắn bởi hướng gió khô nóng để tránh bị táp lá. Gió mạnh trong thời kỳ ra hoa và đậu quả sẽ gây thiệt hại to lớn. Tốc độ gió trên 10km/h sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng cây.

Chôm chôm có thể trồng bằng hạt giống hay cây ghép. Tuy nhiên cây trồng bằng hạt thường chua hơn và thường mất khoảng 6 – 8 năm mới cho thu, còn cây ghép chỉ mất 2 – 3 năm.

Cây có thể cho thu quả hai lần/năm với năng suất 1.000 – 1.500 quả/cây đối với những cây ở độ tuổi 5 – 7 năm và 5.000 – 6.000 quả/cây trên những cây lâu năm. Cây sinh trưởng tốt có thể thu 170 kg/cây và sản lượng mỗi ha có thể đạt 20 tấn.

2. Đặc tính thực vật:

Thân:

Ảnh cây mọc từ hạt (bên trái) và cây ghép (bên phải).

Chôm chôm là cây xanh quanh năm có chiều cao 15 – 10m (có thể đạt đến 30m). Đó là những cây hình thành từ những dòng vô tính có sẵn ở các vùng nhiệt đới. Còn với những giống mới tạo thành từ phương pháp chiết, ghép thường có độ cao 3 – 5m (thu hoạch dễ hơn). Nhánh cây hình thành ở vị trí thấp của thân và tạo nên tán xum xuê. Vỏ cây xám, nâu. Thân nhỏ bé với đương kính khoảng 60cm.

Lá:

Lá mọc xen kẽ kiểu lông chim. Số cặp lá biến đổi khác nhau. Hình thuôn dài. Đầu và cuống lá thon nhỏ. Mép lá trơn. Cuống lá màu đỏ. Lá non thường có lông tơ. Các gân lá nhìn rõ ở mặt dưới lá.

Hoa:

Hoa màu vàng nhạt, bé nhỏ hình thành trong một cụm hoa lớn, có chiều dài lớn hơn lá. Thường mọc từ nách lá hoặc ở đầu cành. Hoa không có cánh hoa, có mùi thơm nhẹ. Có hoặc không có lông. Cuống hoa ngắn.

Mỗi bông hoa có sáu đến tám nhị hoa, bầu nhụy to vượt trội của nó có 1 – 2 thùy với một vòi nhụy duy nhất. 

Hoa chôm chôm có thể là hoa đực (chỉ sản xuất nhị, không hình thành quả), hoa cái (hoa chỉ có nhụy hoa) hoặc lưỡng tính. Hoa lưỡng tính là hoa tự thụ phấn (có cả nhị lẫn nhụy trên cùng một hoa). Đa số các loài cây có hoa lưỡng tính là cây thuần chủng. Trên mỗi chùm hoa lưỡng tính có thể có đến 500 hoa nhưng tỷ lệ hoa đậu quả trung bình khoảng 3 – 4%.

Tùy thuộc vào điều kiện canh tác, hoa có thể hình thành trong một khoảng thời gian 23 – 38 ngày sau những ngày khô có mưa. Thời kỳ ra hoa khác nhau ở các địa phương khác nhau. Khả năng thụ phấn phụ thuộc vào côn trùng. Hoa có thể hình thành hai lần trong năm.

Do hoa chôm chôm thơm nên rất hấp dẫn đối với nhiều loài côn trùng. Đặc biệt là Ruồi (Diptera), Ong (Hymenoptera) và Kiến ​​(Solenopsis). Trong số những loài thụ phấn chính của loài Diptera, Lucilia spp. có mật độ cao cao nhất. Ngoài ra, ong khoái và A. cerana và ong Trigona là những côn trùng thường có mặt khi hoa nở. A. cerana sản xuất lượng lớn mật ong từ hoa chôm chôm. 

Quả:

Quả hạch, hình oval hay gần giống hình cầu. Vỏ quả có nhiều gai mềm với các màu sắc khác nhau: màu đỏ thẫm, tím, nâu, xanh, vàng hoặc vàng cam. Thịt quả màu trắng hay hồng nhạt với một hương vị tương tự như nho.

 

Thời gian cần thiết từ để khi đậu quả đến chín là khoảng 105 – 115 ngày. Quả chỉ chín trên cây, nghĩa là không hình thành hoóc môn thực vật (ethylene) sau thu hoạch. Quá trình chín của quả xảy ra ở giai đoạn 4 tuần trước khi thu hoạch (tuần thứ 12 sau khi đậu quả), thể hiện bằng sự chuyển màu sắc vỏ quả.

Quả có thể hình thành với số lượng lớn trong các chùm hoa (khoảng 40 – 60 quả/chùm hoa), nhưng thường chỉ còn 12 – 13 quả/chùm còn tồn tại khi chín.

Trong quả có một hạt giống màu nâu bóng, chứa nhiều chất béo bào hòa và không bão hòa.

Mùi thơm dễ chịu của quả xuất phát từ nhiều hợp chất hữu cơ dễ bay hơi. Bao gồm beta-damascenone, vanillin, acid phenylacetic và acid cinnamic. Do đó dễ hấp dẫn các loài chim và dơi, các loài gặm nhấm và khỉ ăn quả chín.

3. Kỹ thuật canh tác:

Chọn đất, chuẩn bị đất

Chọn những chân đất có tầng đất dày, sét pha hoặc thịt pha cát giàu chất hữu cơ, đất đồi núi hoặc đất bằng với yêu cầu yêu cầu thoát nước tốt. Đất đỏ Bazan không có tầng đá là thích hợp nhất. Không trồng trên đất mặn. Độ pH trong khoảng 5 – 6.5 (có thể 4.5 – 7.0). Tránh nơi có gió khô, nóng.

Chôm chôm thích hợp trong vùng vĩ tuyến 12Bắc trở vào phía Nam. Lượng mưa hàng năm khoảng 2.000 mm, phân bố đều trong năm và có 2 – 3 tháng khô hạn. Độ cao dưới 600 – 700m.

Vùng đất cao đào hố trồng có kích thước 60 x 60 x 60cm, bón lót phân hữu cơ trước trồng 1 tháng. Vùng đất bằng nên lên líp rộng từ 7 – 10m. Chiều cao mặt líp tùy thuộc vào độ cao của từng vùng. Đất trũng cần vun mô rộng 0.6 – 0.8m, cao 0.3 – 0.5m và cần được bồi đắp thường xuyên hàng năm.

Trồng, mật độ:

Khoảng cách thích hợp 7 x 10m hoặc 10 x 10m. Nói chung khoảng cách 10m giữa cây được khuyến khích. Nhưng khoảng cách trên có thể thay đổi tùy thuộc vào độ màu mỡ của đất và thói quen của từng vùng. Cây con trồng xong nên cắm cọc giằng tránh gió làm long gốc. Vào mùa khô dùng lá, cỏ hoặc các phế phẩm sau thu hoạch phủ gốc giữ ẩm cho cây. Tưới nước cho cây con ngay sau khi trồng. Che mát tạm thời cho cây trong những tháng đầu sau khi trồng

Cây có thể trồng bằng chiết cành hoặc bằng cây ghép.

Chăm sóc

Cần cắt cành tạo tán sớm để có tán cây rộng, thấp dễ dàng cho thu hoạch sau này.  Khi cây ghép đạt 70 – 100cm có thể bấm ngọn.  Sau đó tỉa cành giữ lại 3 – 5 cành khỏe, cách đều nhau và tạo thành góc lớn với thân (> 60o), cành thấp nhất phải cao hơn mặt đất ít nhất là 50 cm. Cắt, tỉa cành (sâu bệnh, vô hiệu,...) cũng được thực hiện sau mỗi vụ thu hoạch. Khi năng suất bắt đầu giảm, thường sau 20 năm tuổi, cắt ngang những cành chính, giảm chiều cao đến khoảng 1/3, hoặc cách mặt đất 50 cm. Khi những cành non phát triển từ dưới mặt cắt, tỉa giữ lại một số cành khỏe thích hợp. Sau 2 năm cây lại cho quả.

Bảo đảm nước cho cây trong suốt thời gian sinh trưởng. Tuy nhiên, trước thời gian ra hoa khoảng 1– 2 tháng (tùy theo điều kiện mực nước ở từng nơi) cần giữ đất khô để quá trình ra hoa thuận lợi. Có thể phủ nilon để tăng hiệu quả của biện pháp này. Cần cung cấp đầy đủ nước cho cây vào giai đoạn cây con cũng như sau khi bón phân hoặc cây ra hoa và mang trái. Cây chôm chôm rất mẫn cảm với ngập nước, do đó cần thoát nước kịp thời trong mùa mưa lũ.

Mầm hoa chôm chôm thường phân hóa trong điều kiện khô hạn. Vì vậy, cây bị thiếu nước một thời gian sẽ ra hoa. Do đó, 2 – 4 tuần trước khi trổ hoa không tưới nước cho cây giữ cây bị khô hạn sau đó mới tưới. Hạn chế độ ẩm trong đất cây sẽ trổ hoa sớm và đồng loạt hơn. (Xem thêm: MỘT SỐ ĐẶC TÍNH SINH HỌC CỦA SỰ RA HOA CÂY CHÔM CHÔM ...https://sj.ctu.edu.vn/ql/docgia/download/baibao-4935/bai07_cHau.pdf).

Làm cỏ thường xuyên bằng tay, bằng máy hoặc phun thuốc hóa học.

Giai đoạn cây mới trồng chưa giao tán nên trồng xen các cây họ đậu, cây phân xanh để cải tạo đất trên vùng đất nghèo chất hữu cơ hoặc trồng xen lấy ngắn nuôi dài, hạn chế cỏ dại, trồng các cây ăn quả như: chanh, chuối, đu đủ, dứa, ổi.., hay trồng các loại cây rau, hoa,... vừa tăng khả năng giữ ẩm vừa che nắng cho cây con.

Liều lượng, công thức các loại phân bón hàng năm thay đổi theo điều kiện đất đai, tình trạng sinh trưởng của cây, tuổi cây, thời kỳ bón, năng suất vụ trước,...

Thu hoạch

Quả chôm chôm cần khoảng trên 3 tháng để phát triển và chín. Khi thu cắt cả cành. Tránh làm dập nát. Quả được bảo quản nơi thông thoáng, tránh ánh sáng trực tiếp trước khi đóng gói.

4. Dịch hại chính:

Chôm chôm có các loài sâu hại chính: Sâu đục quả (Acrocercops cramerella, Conogethes punctiferalis, Phenacaspis spp); Ruồi đục quả (Bactrocera dorsalis); rệp sáp (Planacoccus citri); Sâu phá hoa (Thalasodes sp., Comibaena sp),...

Các bệnh hại bao gồm: Bệnh phấn trắng (Oidium sp.); Bệnh thán thư (Colletotrichum gloeosporioides); Bệnh cháy lá (do nhiều loại nấm Pestalotia, Phomopsis...); Bệnh thối trái (Phytophthora sp., Phomopsis sp., Dothiorella spp.); Bệnh đốm rong do tảo Cephaleuros virescens gây ra trên lá. Ngoài ra còn các bệnh vàng lá sinh lý do thiếu kali, sắt.

Khi quả chín thì ruồi giấm, chim và dơi quạ cũng là những tác nhân gây hại.

D.A.M

Ảnh trong bài thu thập từ Internet.

Tài liệu tham khảo

1. Rambutan - Wikipedia https://en.wikipedia.org/wiki/Rambutan

2. Rambutan - Nephelium lappaceum - Overview - Encyclopedia of Life eol.org/pages/595297/ overview

3. Nephelium lappaceum Sapindaceae L. - World Agroforestry Centre www.worldagroforestry .org/treedb/.../Nephelium_lappaceum.PDF

4. Nephelium lappaceum - Useful Tropical Plants tropical.theferns.info/viewtropical. php?id =nephelium+lappaceum

5. Rambutan https://www.hort.purdue.edu/newcrop/morton/rambutan.html

6. Nephelium lappaceum (Rambutan) - THE WORLDWIDE FRUITS www.worldwidefruits. com/nephelium -lappaceum-rambutan.html

7. Nephelium lappaceum (PROSEA) - PlantUse uses.plantnet-project.org/en/Nephelium_ lappaceum_(PROSEA)

8. Rambutan - Fruitipedia www.fruitipedia.com/Rambutan.htm

9. MỘT SỐ ĐẶC TÍNH SINH HỌC CỦA SỰ RA HOA CÂY CHÔM CHÔM ...https://sj.ctu. edu.vn/ql/docgia/download/baibao-4935/bai07_cHau.pdf