Cây ổi

Tổng quan

1. Cây ổi: 

Ổi (Psidium guajava) là loại cây tán nhỏ thuộc họ Sim (Myrtaceae). Nó có nguồn gốc trong một khu vực rộng lớn bao gồm Mexico hoặc Trung Mỹ và vùng Caribê. Nó cũng được coi như một cây trồng phổ biến ở các vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới của châu Á, nhiệt đới châu Phi.1 

Những người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đã mang ổi từ châu Mỹ về trồng ở vùng Tây Ấn. Người Ai Cập đã trồng và mở rộng diện tích ổi trong một thời gian dài và đã di thực nó tới Palestine.2

Ổi cũng được trồng trên một phần nhỏ diện tích phía nam của Tây Âu, đặc biệt là ở Málaga (Tây Ban Nha), nơi nó được trồng kể từ giữa thế kỷ 20.1

Ở nhiều nơi trên thế giới, ổi được coi như một cây hoang dại. Chim, động vật móng guốc (dê, cừu, bò,...) phát tán hạt qua đường tiêu hóa phần nào trợ giúp cho quá trình xâm thực mạnh mẽ và biến ổi thành một loại cây dại cần loại bỏ ở Hawaii, Malaysia, New Caledonia, Fiji, quần đảo Virgin thuộc Mỹ, Puerto Rico, Cuba và miền nam Florida. Ở một số nơi, hình thành bụi cây dày đặc với hơn 100 cây mỗi ha và nó làm cho đồng cỏ bị hoang hóa, đất suy thoái (CABI, 2013; Orwa và cộng sự, 2009). Tuy nhiên, ổi hoang dã đã chiếm phần lớn nguồn hàng cho hoạt động buôn bán. Năm 1972, Hawaii đã sử dụng trong nước và xuất khẩu hơn 2.500 tấn ổi (90% là từ ổi hoang dã). Trong 10.000 tấn ổi hoang dã ở Cuba đã có hơn 6.500 tấn được xuất khẩu vào giai đoạn có nhu cầu cao ở Thế chiến II.2

Thông thường ở nhiều nước, ổi được ăn tươi như một món ăn vặt hoặc tráng miệng sau bữa ăn. Nhưng cũng có nhiều nước ổi được sử dụng làm nguyên liệu để làm bánh kẹo, mứt, thạch (như goiabada ở Brazil, bocadillo ở Colombia và Venezuela). Nó cũng thể chế biến thành nước ép. Tại Mexico, nước giải khát từ ổi agua fresca rất phổ biến. 

Với hàm lượng acid trong quả nhỏ hơn cà chua nên ổi đỏ có thể được sử dụng như một loại nước xốt trong chế biến món ăn. 

Thành phần dinh dưỡng có trong 100g ổi như sau: Năng lượng 285 kJ (68 kcal); Carbohydrates 14.32g; Đường 8.92g; Chất xơ tiêu hóa 5.4g; Chất béo 0.95g; Protein 2.55g; Thiamine (B1) 0.067mg; Riboflavin (B2) 0.04mg; Niacin (B3) 1.084mg; Pantothenic acid (B5) 0.451mg; Vitamin B6 0.11mg; Folate (B9) 49μg; Vitamin C 228.3mg; Vitamin K 2.2μg; Vitamin A (tương đương) 31μg; beta-carotene 374μg; Calcium 18mg; Sắt 0.26mg; Magie 22mg; Mangan 0.15mg; Phospho 40mg; Kali 417mg; Kẽm 0.23mg; Natri 2mg; Lycopene 5204µg (Nguồn: USDA Nutrient Database).

Ngoài tác dụng như một loại quả, các bộ phân khác của cây ổi (lá, vỏ cây, rễ) được sử dụng như một nguyên liệu cho thuộc da ở Trung Mỹ, nhuộm vải và thảm ở một số nước Đông Nam Á. Với hàm lượng pectin cao chúng còn được sử dụng để ngăn chặn viêm dạ dày, tiêu chảy và kiết lỵ ở vùng nhiệt đới. Lá nghiền được áp dụng trên các vết thương. Nước sắc lá được thực hiện như là một phương thuốc chữa ho, viêm họng, súc miệng để làm giảm viêm loét miệng và nướu, chữa trị các bệnh ngoài da. Nước sắc lá và vỏ cây được sử dụng cho sản phụ sau sinh.2 

Ở Ấn Độ, gỗ ổi được đánh giá cao trong điêu khắc, chạm trổ. Guatemala sử dụng gỗ ổi để làm ngọn quay, còn ở El Salvador nó được chế tác thành những chiếc lược chải tóc với khả năng chống chịu ẩm ướt cao. Ổi còn là nguồn củi và than củi tương đối tốt (một mét khối gỗ ổi nặng 650 – 750kg).

Tại Philippines, bột lá 5% và 10% (chỉ từ những lá khô và lá rụng trên mặt đất) được bổ sung vào chế độ ăn cho lợn con làm giảm xảy ra tiêu chảy (Canlas, 2013).

Tại Ấn Độ, các sản phẩm phụ sau khi chế biến của ổi có hàm lượng lên đến 30% đã được dùng làm thức ăn cho lợn tăng trọng (30 – 60kg) mà không ảnh hưởng đáng kể hiệu suất tăng trưởng, tỷ lệ chuyển đổi thức ăn hoặc đặc điểm thịt (Madhava Rao và cộng sự, 2004).

Tại Indonesia, một khảo sát cho thấy một phần ba nông dân nuôi thỏ dùng lá ổi để điều trị bệnh tiêu chảy theo những kinh nghiệm cổ truyền, trong khi hai phần ba sử dụng một sản phẩm thương mại cũng dựa trên chiết xuất lá ổi (Yurmiaty, 2011; Sukardi và cộng sự, 2007). Chiết xuất lá ổi được coi là có hiệu lực kháng khuẩn đường ruột của thỏ đặc biệt là đối với E. coli (Licois, 1992; Dhiman và cộng sự, 2011; Suresh và cộng sự, 2008; Vieira và cộng sự, 2001) .

Chiết xuất lá ổi cũng được ghi nhận là một chất khử trùng tiềm năng cho các ao nuôi tôm. Ở Trung Quốc, nó đã được sử dụng như một chất phụ gia thức ăn ở mức 0,025% – 0,4% đối với tôm (Penaeus monodon), dẫn đến tốc độ tăng trưởng cao hơn và khả năng miễn dịch được tăng cường (Yin Xiaoli và cộng sự, 2014).

Diện tích, năng suất, sản lượng ổi trên thế giới chưa có một thống kê đầy đủ.  Ở Ấn Độ trong năm 2012 – 2013 có sản lượng trên 3 triệu tấn. Các quốc gia có sản lượng lớn là Trung Quốc, Kenya, Thái Lan và Indonesia (Tiwari, 2013).3

2. Đặc tính thực vật: 

Thân

Ổi là một loại cây bụi, thân gỗ, lá xanh quanh năm. Thân nhỏ, đường kính có thể đạt tới 20 – 30cm. Cành phân nhánh từ gốc. Thân cây có lớp vỏ mỏng màu nâu đỏ thường bị bong ra lộ phần thân trơn, nhẵn và có màu xanh (ở các cành nhánh non). Cành non ban đầu có 4 cạnh, khi già mới tròn dần. Chiều cao thân có thể đạt 3 – 10m. Nó có một hệ thống rễ nông. Chồi cây có thể mọc từ rễ. 

Lá 

Lá màu xanh xẫm, lá mọc cách, thường kép một lần lông chim, cuống lá ngắn. Hình elip thuôn dài hay hình bầu dục. Kích thước 5 – 15 cm dài, 3 – 5cm rộng. Các hàng gân lá song song nhưng ở mặt trên nhẵn hơn so mặt dưới. Có lông tơ dễ nhận thấy ở mặt dưới. Lá có mùi thơm nhẹ khi bị vò nát. 

Hoa 

Hoa màu trắng 4 – 5 cánh thường rụng sớm. Hoa lưỡng tính, bầu hạ. Hoa tự thụ phấn. Mỗi một hoa là một chùm với nhiều nhị vàng (khoảng 250 nhị) với bao phấn màu vàng nhạt. Các nhị thường đứng thẳng trong khi đó các cánh hoa lại xòe ngang nên tạo điều kiện thuận lợi cho côn trùng thụ phấn nhân tạo. Ong mật (Apis mellifera) có thể thụ phấn khoảng 25.7 – 41.3% số hoa.2 Bộ nhụy thường gồm 3 lá noãn hợp quả tụ (hợp nguyên lá noãn), đôi khi lá noãn 1 hoặc 4 – 6 rời nhau.

Hoa hiếm khi ở đầu cành mà thường mọc từng chùm 2, 3 chiếc ở nách lá. Có mùi thơm nhẹ. 

Quả

Là loại quả mọng nhiều hạt, hình dáng và màu sắc khác nhau.

Khi chưa trưởng thành và cho đến một thời gian rất ngắn trước khi chín, quả có màu xanh lá cây, cứng với 4 hoặc 5 tàn dư đài hoa tại đỉnh. Trong quả nhớt và có vị chát.

Từ khi thụ phấn đến khi quả chín khoảng 100 ngày. Lúc này quả có vị chua hay ngọt. Nói chung, hương vị, màu sắc vỏ và thịt quả cũng đa dạng như hình dạng và kích thước của nó. Chúng tùy thuộc vào giống. 

Khi chín vỏ quả trở nên mềm mại, có mùi thơm. Màu sắc chuyển sang vàng và xanh nhạt. Thịt quả mềm có màu trắng, hồng – đỏ (ổi đào), vàng (ổi nghệ). Trong phần thịt quả có nhiều hạt cứng (đếm thực tế số hạt giao động từ 112 – 535 hạt). Rất hiếm có loại ổi có hạt mềm và không hạt. Hạt ổi chứa 14% một loại dầu thơm, 15% protein và 13% tinh bột.2

 

Ổi là một loại cây rất dễ thích ứng. Nó có thể mọc trên đất có độ cao ngang với mực nước biển hoặc độ cao 1500 – 2000m ở vùng nhiệt đới nhưng phát triển tốt hơn < 800 – 1.000m. 

Ổi phát triển mạnh ở những nơi nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 23 – 28°C nhưng có thể phát triển trong biên độ 15 – 45°C. Nó cũng có thể sống ở những nơi nhiệt độ ban đêm giảm xuống còn 10°C vào mùa đông và có thể tồn tại ở nhiệt độ thấp (- 4°C) trong một thời gian ngắn. 

Ổi mọc ở những nơi lượng mưa hàng năm khoảng 1.000 – 2.000mm. Lượng mưa nếu được phân bố đều trong năm sẽ tạo điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, lượng mưa cao trong quá trình chín làm cho quả mất hương vị và dễ bị nứt. Ổi là một trong hầu hết các loại cây trồng nhiệt đới chịu hạn hán tốt nhưng cũng chịu ngập tốt hơn các loại cây trồng khác. 

Nó phát triển trên nhiều loại đất và chịu đựng một khoảng pH 4.5 – 9.4 với điều kiện là thoát nước tốt. Ổi có thể phát triển trong bóng râm (Ecocrop, 2015; CABI, 2013; Orwa và cộng sự, 2009).2,3 Chính vì thế có thể trồng xen canh với nhiều cây ăn quả khác.

Ổi được nhân giống bởi hạt hay các biện pháp chiết, ghép. Nhưng năng suất và thời gian cho thu hoạch khác nhau. Cây ổi nhân giống bằng các biện pháp vô tính có thể cho quả sau 2 – 3 năm, nhưng cây phát triển từ hạt giống phải sau 8 – 9 năm. Năng suất cũng có thể khác nhau từ 40 – 50 tấn/ ha (vô tính) so với 12 – 15 tấn/ ha (hạt). Tại Ấn Độ, cây gieo từ hạt ở độ tuổi 8 – 10 năm chỉ có thể sản xuất 400 – 500 quả mỗi năm trong khi cây ghép ở cùng độ tuổi có thể sản xuất 1000 – 2000 quả (Ecocrop, 2015). 

Ổi có thể thu hoạch quanh năm và là loại quả chỉ thu hoạch bằng tay. 

3. Kỹ thuật canh tác: 

Chọn đất, chuẩn bị đất

Các loại đất như sét nặng, macnơ (đất gồm có đất sét và vôi), cát nhẹ, đất pha sỏi gần suối, hoặc trên đá vôi,... Nhưng tốt đất phù sa nhẹ. Đất phải làm sạch cỏ dại và cây bụi để hạn chế sự canh tranh dinh dưỡng và độ ẩm với cây ổi. Tùy theo địa hình mà có thể làm luống hay không nhưng bảo đảm phải thoát nước tốt.

Các hốc trồng cần chuẩn bị trước khi trồng 1 – 2 tháng có kích thước (cao, ngang, rộng) là 40 – 50cm. Mỗi hốc bón lót 10 – 15kg phân hữu cơ, 0.1kg ure, 0.5 – 1kg super lân, 0.1kg kali.

Mật độ, thời vụ trồng:

Bảo đảm mật độ khoảng 1.400 – 1.500 cây/ ha là thích hợp. Tuy nhiên, mật độ cây có thể tăng hoặc giảm tùy theo các điều kiện của người làm vườn. 

Ở miền Bắc thường trồng vào tháng 2 – 3 hoặc tháng 8 – 9. Các địa phương khác (nơi có nhiệt độ cao hơn) có thể trồng quanh năm.

Bầu trồng nên đặt cao miệng hố 2 – 3cm. Sau khi đặt bầu lấp đất chèn chặt, cắm cọc giữ cây. Tưới nước sau khi trồng. Có thể phủ rác, bổi để giữ ẩm.

Chăm sóc

Giai đoạn kiến thiết cơ bản: Sau khi cây mới trồng mọc lá mới thì bắt đầu tạo tán. Thường xuyên cắt tỉa bỏ mầm dại từ gốc ghép. Mỗi cây chỉ để 2 – 3 cành cấp một trong cả vườn có cùng một hướng và 5 – 7 cành cấp hai. Nói chung, mỗi cây để 8 – 10 cành các loại ra đều các phía.

Ở những vườn mới trồng (giai đoạn kiến thiết cơ bản) một hay hai năm đầu, tùy theo điều kiện cụ thể từng nơi mà có chế độ bón phân khác nhau. Còn trong giai đoạn thu hoạch phân NPK có thể bón theo rãnh xung quanh tán hoặc hòa nưới tưới. Lượng phân bón tùy theo sản lượng quả. Bón phân trong thời kỳ này được chia làm 3 lần chính: 

+ Bón theo rãnh sau thu hoạch quả (NPK cùng khoảng 50kg phân hữu cơ/ cây); 

+ Lần thứ hai bón rãnh hoặc tưới trước khi ra hoa (đón lộc xuân). Trong đợt bón này thường nặng về đạm để hoa ra nhiều; 

+ Lần bón thứ 3 có thể được chia thành 2 – 4 lần nhỏ, tùy điều kiện từng nơi và dừng bón trước thu quả 1 – 2 tháng. Chú ý tăng cường kali trong các đợt bón này để nâng cao sản lượng và chất lượng quả.

Trong thời gian hoa nở để tăng số hoa đậu quả có kinh nghiệm phun 5% urê trộn với một phụ gia (chất giảm sức căng bề mặt) làm cho nó có hiệu quả hơn trong việc thâm nhập.

Một số kết quả nghiên cứu cho thấy rằng lượng chất dinh dưỡng cây trồng cây ổi cần là K>N>P>S>Mg = Ca và các vi lượng khác Mn>Fe>Zn>Cu>B. 

Các triệu chứng thiếu dinh dưỡng biểu hiện trên lá quả: 

 Từ trái qua phải: Cây ổi thiếu đạm – thiếu lân – thiếu kali. 

Ảnh lấy từ nguồn: Giáo trình trồng và chăm sóc ổi – Bộ NN&PT NT    

Từ trái qua phải: Cây ổi thiếu canxi – thiếu sắt – thiếu bo (lõi quả bị đen). 

Ảnh lấy từ nguồn: Giáo trình trồng và chăm sóc ổi – Bộ NN&PT NT

Cây ổi thiếu sắt thường xảy trong đất kiềm (có pH cao). Để khắc phục bón 1 –  2 lần với sắt sulfat mỗi năm.

Tiến hành cắt tỉa 3 lần trong năm vào các đợt sau:

+ Đợt 1: Cắt tỉa sau thu quả. Cắt bỏ tất cả những cành trong tán, cành nhỏ, cành yếu, cành sâu bệnh, một số cành vượt, cành mọc đan xen nhau. Cắt tỉa kết hợp với vệ sinh đồng ruộng, đốt bỏ hết tàn dư sâu bệnh.

+ Đợt 2: Cắt vào vụ xuân, thời điểm cây ra hoa đậu quả loại bỏ những cành yếu, cành có chùm hoa nhỏ, cành sâu bệnh, cành mọc trong tán.

+ Đợt 3: Cắt tỉa vào vụ hè, giai đoạn quả lớn loại bỏ những cành sâu bệnh, tỉa bỏ quả nhỏ, dị hình.

Để ngăn chặn việc chuyển bệnh từ các công cụ cắt tỉa, cần luôn luôn khử trùng các dụng cụ trước và sau khi sử dụng.

Giữ độ ẩm cho cây thường xuyên, nhất là các đợt cây ra lộc, sau khi hoa hình thành (tránh tưới phun) và hình thành quả. Để giúp duy trì độ ẩm và giữ nước tại chỗ có thể vun đất nhẹ tạo thành gờ nhỏ xung quanh tán cây.

Làm cỏ thường xuyên.

Khi hoa nở rộ tránh sử dụng các hóa chất để không xua đuổi các loại ong và côn trùng khác thụ phấn cho hoa.

Tiến hành bao quả để tránh chúng bị hại bởi ruồi đục quả, nấm bệnh và chim, dơi,... gây hại.

Thu hoạch

Trước thu 10 – 15 ngày không sử dụng hóa chất phun lên cây.

Thu vào sáng sớm hoặc chiều mát. Dụng cụ thu hái cần được vệ sinh cẩn thận. Vì quả chín không đều cần tiến hành thu hái 2 – 3 ngày lần.

Nếu bảo quản ở nhiệt độ 5 – 15oC, độ ẩm không khí 85 – 90% có thể bảo quản được 3 – 4 tuần lễ.

4. Dịch hại chính: 

Sâu hại ổi thường gặp các loại sau: Rầy mềm (Gossypii glover); Ruồi vàng đục quả (Bactrocera sp.); Rệp sáp (Pseudococcus spp.); Sâu đục quả (Conogethes punctiferalis); Rầy phấn trắng (Aleurodicus sp.); Bọ xít muỗi (Helopeltis sp.); Bọ trĩ (Selenothrips rubrocinctus),...

Bệnh phổ biến trên ổi là các loại: Thán thư (Gloeosporium psidii); Đốm mắt cua (Cercospora psidii); Ghẻ ổi (Pestalotia psidii Pat.); Sương mai (Phytophthora parasitica); Bệnh do tảo Cephaleuros virescens; Muội đen (Capnodium sp),...

D.A.M