Cây cao su

Tổng quan

 

Cây cao su Hevea brasilliensis  là loại cây thân gỗ có thể cao trên 30 mét thuộc họ đại kích Euphorbiaceae có tầm quan trọng kinh tế lớn nhất trong chi Hevea. Cây đạt độ tuổi 5-6 năm thì bắt đầu cho thu hoạch mủ, cây cho năng suất mủ cao nhất vào 11-25 năm tuổi và sẽ ngừng sinh mủ khi đạt độ tuổi 26-32 năm. Mủ cao su là vật liệu Polyme có tính đàn hồi, chịu ma sát, chịu nén và lâu hỏng nên có nhiều ứng dụng như sản xuất xăm và lốp xe, các chi tiết trong xe hơi, dụng cụ y tế và đời sống. Ngoài ra, thân cây còn được dùng sản xuất đồ gỗ và được xem là loại gỗ thân thiện với môi trường vì người ta chỉ khai thác khi cây kết thúc chu kỳ sinh mủ.

1.1 Tình hình gieo trồng

Cây cao su ban đầu mọc tại khu vực rừng mưa Amazon, Brasil. Năm 1876 cây giống cao su đã được gửi tới các vườn thực vật của Singapore, sau đó cây cao su đã được nhân giống rộng khắp các thuộc địa của Anh, cây cao su đã có mặt tại vườn thực vật của Malaysia năm 1883. Ngày nay phần lớn các khu vực trồng cao su trên thế giới nằm tại Đông Nam Á và tại một số khu vực châu Phi nhiệt đới. Hiện nay, trên thế giới diện tích trồng cao su là hơn 12 triệu ha; Các nước trồng cao su nhiều là Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc, Liberia, Nigeria.

Ở Việt Nam cây cao su được người Pháp đưa vào đầu tiên tại vườn thực vật Sài Gòn năm 1878 nhưng không thành công. Năm 1892, cao su từ Indonesia được nhập vào Việt Nam trồng  thử tại Bến Cát, Bình Dương và Suối Dầu (cách Nha Trang, Khánh Hòa 20km). Năm 1897 đánh dấu sự hiện diện của cây cao su tại Việt Nam. Năm 1907, Công ty cao su đầu tiên được thành lập tại Dầu Giây, Long Khánh, Đồng Nai và tiếp theo sau đó là hàng loạt đồn điền và Công ty cao su ra đời. Cây cao su được trồng thử tại Tây Nguyên năm 1923, thời kỳ trước năm 1975 cây cao su được trồng ngoài vĩ tuyên 170 Bắc tại Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Thọ. Hiện nay, diện tích trồng cao su của Việt Nam khoảng 920,5 nghìn ha là nước sản xuất cao su thiên nhiên lớn thứ 3 thế giới sau Thái Lan và Indonesia và nước xuất khẩu lớn thứ 4 sau Thái Lan,Indonesia và Malaysia. Ở nước ta sản phẩm cao su được xếp thứ  9 trong 10 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam và là nông sản xuất khẩu lớn thứ 3 sau gạo và cà phê.

Ở Việt Nam cây cao su được trồng tại các vùng chính như sau:

- Vùng miền núi Tây Bắc có diện tích trồng chiếm 4,8% diện tích trồng cao su của cả nước (trồng nhiều tại các tỉnh Sơn La, Lai Châu …).

- Vùng Bắc Trung Bộ diện tích trồng chiếm 9,5% diện tích trồng cao su của cả nước (trồng nhiều tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An…).

- Vùng Tây Nguyên có diện tích trồng chiếm 33,3% diện tích trồng cao su của cả nước (trồng nhiều tại các tỉnh Gia Lai, Đắc Lắc, Kon Tum…).

- Vùng Đông Nam Bộ diện tích trồng chiếm 46,4% diện tích trồng cao su của cả nước (trồng nhiều tại các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh,  Đồng Nai …).

1.2 Kỹ thuật canh tác

Để cây cao su phát triển tốt và đạt hiệu quả kinh tế cao người trồng cao su cần áp dụng Quy trình kỹ thuật trồng cao su do cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp tại địa phương ban hành.

Đối với Quy trình kỹ thuật trồng cao su người trồng cần nắm vững và áp dụng một số kỹ thuật then chốt sau: Chuẩn bị đất; Thiết kế lô (yêu cầu lô chống được xói mòn và chống úng); Tiêu chuẩn cây giống; Trồng cao su (yêu cầu xác định mật độ, khoảng cách, thời vụ trồng, kỹ thuật trồng thích hợp); Trồng dặm; Tỉa cành tạo tán; Tủ gốc; Trồng xen trong vườn cao su; Làm cỏ; Bón phân; Bảo vệ thực vật; Quy trình khai thác mủ.

1.3 Dịch hại

Cây cao su cũng giống như nhiều loại cây trồng khác thường xuyên bị các dịch hại tấn công gây tổn thất về năng suất và chất lượng sản phẩm. Các sâu, bệnh hại  chính trên cây cao su gồm các đối tượng sau: (có ảnh và link)

- Về sâu hại: Mối hại gốc có 2 loài chính Globitermer sulphureus Haviland và Coptotermes curvignathus Holmgren; Câu cấu ăn lá Hypomeces squamosus; Sùng hại rễ cây có 7 loài chính sau: Psilopholis vestita Sharp, Leucopholis rorida Fab, Leucopholis nummicudens Newm, Leucopholis tristis Brisk, Lepidiota stigma F, Holotrichia bidentata Burm, Exopholis hypoleuca Wied; . Nhện đỏ và  nhện vàng hại lá Hemitarsonemus latus Banks; Rệp có 2 loài quan trọng trong tổng số 12 loài là Lepidosaphes cocculi và Pinaspis aspidistrae.

- Về bệnh hai: Bệnh phấn trắng Oidium heveae Steim (hại chồi non đối với cao su kiến thiết cơ bản, hại lá non vào mùa thay lá đối với cây trưởng thành);  Héo đen đầu lá Colletotrichum gloeosporioides (Penz) Sacc chỉ xuất hiện vào mùa mưa cho vườn ươm và kiến thiết cơ bản; Bệnh rụng lá mùa mưa, có 11 nòi song phổ biến nhất là Phytophthora botryosa Chee và Phytophthora palmivora Bult bệnh xuất hiện các tháng mưa dầm; Bệnh đốm mắt chim Drecchslera heveae Petch; Bệnh rụng lá Corynespora do nấm Corynespora cassiicola (Berk&Curt) Wei (đây là loại bênh mới và có tác hại lớn chưa từng có từ trước đến nay tại các nước trồng cao su tại Đông và Nam Á, tại Việt Nam bệnh xuất hiện năm 1999 và gây tác hại nặng cho dòng vô tính);  Bệnh nấm hồng Corticium salmonicolor Berk&Br; Bệnh nứt vỏ Botryodiploidia theobromae Pat.

Bảo vệ tổng hợp

Việc phòng trừ các loại dịch hại trên cây cao su có tác động rất lớn tới năng suất và chất lượng  sản phẩm. Việc áp dụng Quy trình phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cây cao su là cần thiết, biện pháp hóa học là một  trong nhiều biện pháp của Quy trình phòng trừ dịch hại tổng hợp. Trong trường hợp phòng trừ dịch hại bằng thuốc hóa học cần được hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật hoặc đại lý bán thuốc BVTV và tuân thủ thực hiện tốt nguyên tắc 4 đúng.