Cây khoai lang

Tổng quan

1. Cây khoai lang:

Khoai lang (Ipomoea batatas) là một loại cây hai lá mầm thuộc họ bìm bìm (Convolvulaceae). Cho đến bây giờ, nó được trồng nhiều hơn bất kỳ một loại cây trồng có củ nào khác ở các nước đang phát triển .

Giống như ngô, người ta không tìm thấy dạng khoai lang hoang dã, nhưng trong thực tế nó đã được trồng bởi các chủng tộc Anh Điêng có lẽ hàng ngàn năm trước công nguyên. Những hình vẽ trên gốm cổ đã minh chứng cho điều này. Nguồn gốc và quá trình thuần hóa của khoai lang được cho là xảy ra ở Trung Mỹ hay Nam Mỹ.1,2 Ở Trung Mỹ, khoai lang đã được thuần hóa ít nhất 5.000 năm trước công nguyên. Ở Nam Mỹ, những di tích được khai quật ở Peru đã khẳng định rằng khoai lang có từ 8.000 năm trước công nguyên.

Sau chuyến đi đầu tiên của mình đến châu Mỹ năm 1492, Christopher Columbus  đã mang khoai lang trở về châu Âu. Khoai lang được trồng và phát triển một cách nhanh chóng tại Tây Ban Nha và từ đó đến Ý rồi lan sang Áo, Đức, Bỉ và Anh. Có một chuyện phải kể là phải mất 200 năm người Anh mới chấp nhận khoai tây như là một loại cây trồng thích hợp cho con người (vì lo ngại đến tính độc của một số cây họ bạch anh – Solanaceae –  mà khoai tây là một cây thuộc họ này. Xem bài về cây khoai tây), nhưng đối với khoai lang thì lại khác, nó ngay lập tức đã trở thành một món ăn quý hiếm và đắt tiền.3 

Các nhà thám hiểm Tây Ban Nha đã mang khoai lang đến Philippines vào thế kỷ 16. Khoai lang cũng đã được đưa đến châu Phi, Ấn Độ, Indonesia và miền nam châu Á bởi các nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha.4

Khoai lang đã được trồng ở Phúc Kiến của Trung Quốc vào khoảng 1594 bởi những hom giống mang về từ Luzon (Philippine). Lúc đó việc trồng khoai lang đã được khuyến khích bởi Tổng đốc Chin Hsueh-Tseng (Jin Xuezeng). Ở Nhật Bản khoai lang được coi như một loại cây lương thực vào năm 1735 . Nó cũng đã được quảng bá ở Hàn Quốc vào 1764.1 Sau đó  lan ra khắp châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh trong thế kỷ 17 và 18.2

Trong cùng thời điểm trên, khoai lang bắt đầu được trồng ở miền Nam nước Mỹ, nơi mà nó sau này được coi là thực phẩm chủ yếu. Có một điều thú vị là trước khi George Washington trở thành một vị tướng và Tổng thống Mỹ đầu tiên, ông là một nông dân trồng khoai lang trong các đồn điền của mình.5

Trung tâm khoai tây quốc tế (CIP -  International Potato Center) ở Peru giữ quỹ gen khoai lang lớn nhất thế giới với hơn 6.500 loài gồm các loài hoang dã, bản địa và giống chọn lọc. Theo số liệu công bố bởi CIP thì có hơn 135 triệu tấn khoai lang được trồng trên toàn thế giới. Trung Quốc chiếm 87% sản lượng đó (với gần một nửa trong số đó là làm thức ăn gia súc). Phần còn lại của châu Á chiếm 6%, Châu Phi 5%, Mỹ Latinh 1.5% và Hoa Kỳ 0.45%.6  Ngày nay, ngoài Trung Quốc thì Indonesia, Việt Nam, Nhật Bản, Ấn Độ và Uganda là những quốc gia trồng khoai lang chính trên thế giới.1 

Năm 2010, năng suất bình quân hàng năm trên thế giới cho khoai lang là 13.2 tấn/ha. Quốc gia có năng suất bình quân trên phạm vi cả nước 33,3 tấn/ha là  Senegal. Sản lượng cao đến 80 tấn/ha đã được báo cáo từ các trang trại của Israel.1

Thành phần dinh dưỡng 100g khoai lang (đã luộc hoặc nướng): Năng lượng 378 kj (90kcal); Tinh bột 7.05g; Đường 6.5g; Chất béo 0.15g;  Chất xơ 3.4g; Protein 2.0g; Vitamin A 961µg; B1 0.11mg; B2 0.11mg; B3 1.5mg; B6 0.29mg; B9 6µg; Vitamin C 19.6mg; Vitamin E 0.71mg. Canxi 38mg; Sắt 0.69mg; Magie 27mg; Phospho 54mg; Kali 475mg; Natrri 36mg; Kẽm 0.32mg. (Nguồn: USDA Nutrient Database)

Con người đã sử dụng ngọn, lá khoai lang làm thực phẩm bằng cách luộc, xào. Củ cũng được luộc hay nướng hay chế biến thành các món ăn khác nhau,...Các sản phẩm từ khoai lang có thể tạo ra bánh, rượu,... Chúng cũng có thể được sử dụng trong công nghiệp để sản xuất tinh bột và cồn công nghiệp, xăng sinh học.

 

Tất cả các bộ phận của cây được sử dụng làm thức ăn gia súc.

Ở các nước vùng Caribe, nước luộc củ khoai lang đỏ được kết hợp với nước chanh để tạo ra một loại thuốc nhuộm cho vải. Bằng cách thay đổi tỷ lệ của nước ép chanh mà người ta có thể tạo ra các màu từ hồng sang màu tím hay màu đen (Verrill 1937).

Không chỉ là một loại lương thực mà khoai lang có rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe của con người. Nó có thể giúp duy trì huyết áp ở mức bình thường. Với hàm lượng chất xơ cao trong thành phần, khoai lang giúp ngăn ngừa táo bón và thúc đẩy quá trình tiêu hóa lành mạnh. Khoai lang giàu beta-carotene (tiền vitamin A) có ảnh hưởng rất lớn đến thị lực.7,8 Có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng việc tăng tiêu thụ các thức ăn thực vật, giống như khoai lang, giảm nguy cơ béo phì, tiểu đường, bệnh tim. Theo một nghiên cứu được tiến hành bởi Bộ môn Dinh dưỡng Y tế công cộng (Harvard), trong số những người đàn ông trẻ tuổi, chế độ ăn giàu beta-carotene có thể giúp bảo vệ chống lại ung thư tuyến tiền liệt. Beta-carotene cũng có thể bảo vệ chống lại ung thư ruột kết, theo một nghiên cứu của Nhật Bản.7

Khoai lang giống Kumara được bày bán ở Thames, The North Island, New Zealand

Trong bốn thập niên cuối cùng của thế kỷ XX ngoài việc là tự cung tự cấp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, xóa đói nghèo thì cây khoai lang đã ngày càng thể hiện rõ tác dụng của nó trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Hy vọng là từ hàng triệu ha đất trồng khoai lang, sản phẩm của nó có thể được sử dụng như một loại lương thực cũng như nguyên liệu cho công nghiệp, cho chế biến, sản xuất thực phẩm nhằm nâng cao thu nhập cho người dân cũng như nền kinh tế của đất nước.

*

***

Khoai lang là cây nhiệt đới nhưng những giống sớm cũng có thể được trồng vào mùa hè ở các vùng ôn đới miễn là nơi đó có ít hơn 5 tháng có nhiệt độ thấp (sương giá) và các tháng còn lại có nhiệt độ không khí ngày và đêm cao. Khoai lang không chịu được sương giá. Cây có thể bị chết nếu nhiệt độ dưới 10ºC.  Nó chỉ phát triển tốt nhất ở nhiệt độ trung bình 24°C, ánh nắng mặt trời dồi dào và nhiệt độ ban đêm cao.

Nước có vai trò đặc biệt quan trọng để cho cây khoai lang phát triển. Cây nhạy cảm với hạn hán tại thời điểm bắt đầu hình thành củ (50 – 60 ngày sau khi trồng) và nó cũng không chịu được ngập úng ở giai đoạn này vì tình trạng thừa nước có thể gây thối củ và giảm sự tăng trưởng của rễ cái (rễ hình thành củ) nếu khả năng thoát khí kém. Lượng mưa hàng năm 750 – 1.000 mm được coi là phù hợp nhất. Trong giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng, lương mưa tối thiểu phải đạt 500 mm. 

Khoai lang phát triển tốt nhất trong tất cả các loại đất miễn là chúng màu mỡ, ẩm, chất dinh dưỡng phong phú và thoát nước tốt để cho phép củ dể phát triển và tránh thối rữa trong thời điểm mưa lớn. Chúng cũng có thể được trồng ở đất nghèo với phân bón ít. Tuy nhiên, khoai lang rất nhạy cảm với độ độc của nhôm và sẽ chết khoảng sáu tuần sau khi trồng nếu vôi không được áp dụng tại thời điểm trồng.

Bản đồ phân bố các nước trồng khoai lang

2. Đặc tính thực vật:

Thân

Khoai lang là cây thân thảo hàng năm. Thân non tiết ra nhựa trắng, thường mọc bò trên mặt đất hay mọc thắng đứng. Mặc dù là thân quấn nhưng hiếm khi thấy hiện tượng này. Thân màu xanh lá cây hay tím. Phân thành nhiều nhánh. Tại các điểm phân nhánh thường hình thành rễ củ. Phần thân sát gốc thường hóa gỗ. Thân chính của khoai lang được hình thành từ đỉnh sinh trưởng ngọn phát triển dài ra. Các mầm nách trên thân phát triển tạo thành các thân phụ (cành cấp 1) và cành cấp 2. 

Hình dạng, màu sắc khác nhau. Lá khoai lang có thể xẻ 3 – 7 thùy, hình tròn, hình tam giác hoặc hình trái tim. Một số giống có hình dạng lá khác nhau trên cùng gốc. Lá có thể màu  màu xanh nhạt, vàng, xám, màu nâu sẫm hoặc màu tím màu. Cuống lá dài, ngắn khác nhau. Không có lông trên bề mặt.

 

Hoa     

Hoa có cánh tràng dính liền (hợp). Hoa mọc đơn hoặc thành chùm 3 – 7 hoa từ nách lá. Hoa kiểu cụm hoa xim (cụm hoa có hạn) hai ngả. Đài hoa màu xanh, các lá đài thuôn dài, không đồng đều. Tràng hoa tím hồng. Nhị và nhụy hoa không vươn khỏi tràng hoa.

Quả hình cầu, trong chứa hạt màu nâu đen, phủ lông măng với hai mặt phẳng và một mặt lồi ra.

Khoai lang hiếm khi ra hoa khi ánh sáng ban ngày dài hơn 11 giờ và khi cường độ ánh sáng yếu (cường độ ánh sáng bằng 26.4% cường độ ánh sáng trung bình).

Rễ Củ

Rễ có thể hình thành từ thân và cành được gọi là rễ bất định thường làm nhiệm vụ cố định cho thân phát triển trên mặt đất. Các rễ phát triển từ rễ chính gọi là rễ sợi làm nhiệm vụ hấp thu, vận chuyển dinh dưỡng và nước cho cây. Trong những rễ cái phình to lên thành củ được gọi là rễ củ.

Trong điều kiện trồng bằng hạt, gặp điều kiện thuận lợi hạt sẽ nảy mầm, sau khi gieo 3 – 5 ngày ra rễ chính, 5 – 7 ngày trên rễ chính bắt đầu ra rễ con. Sau 20 – 25 ngày lá đầu tiên xuất hiện là thời điểm rễ con ra nhiều.

Trong điều kiện trồng bằng hom (sinh sản vô tính) kể từ khi đặt dây đến khi ra rễ mất khoảng 5 – 7 ngày. Rễ được hình thành ở các mắt đốt thân từ trên xuống dưới. Mỗi một mắt đốt thân có thể ra được 10 – 15 rễ, nhưng trong thực tế thường chỉ có 5 – 7 rễ, trong đó có khoảng 2 – 3 rễ có khả năng phân hóa thành rễ củ.

Thường có 4 – 10 rễ cái hình thành củ trên mỗi thân chính. Củ của hầu hết các giống khoai lang có màu trắng hoặc gần như trắng. Tuy nhiên, cũng có thể màu vàng, nghệ hoặc tím.

3. Kỹ thuật canh tác:

Các tỉnh phía Bắc một năm có thể trồng khoai lang trong vụ Đông, vụ Xuân Hè và vụ Hè Thu. Các tỉnh miền Nam, khoai lang có thể trồng quanh năm nếu đủ nước. Tuy nhiên, nếu trồng chính vụ vẫn cho năng suất cao hơn.

Chọn đất, chuẩn bị đất

Khoai lang ưa đất thịt nhẹ, xốp, thoát nước tốt, có độ từ pH 5,5 6,5. Các loại đất thịt nặng và pha sét nặng cho năng suất thấp. Đất phải được cày sâu: 20 40 cm tùy theo thành phần cấu tạo của đất (đất nhẹ cày nông, đất thịt pha sét cày sâu hơn). Đất được lên luống. Chiều cao và bề rộng tùy theo giống, đất đai và điều kiện canh tác. Luống rộng 70 100cm, rãnh rộng 30 40 cm, cao 30 50 cm (tùy theo mùa mưa – khô). Luống theo hướng đông tây là thích hợp nhất.

Bón lót (trước khi trồng từ 7 – 10 ngày) cho 1 ha 10 – 15 tấn phân chuồng + 60 N + 30 P2O5 + 90 K2O. Nếu trên chân đất chua thì bón 800 – 900 kg vôi/ha.

Trồng, mật độ:

Khoai lang có thể mọc bằng hạt. Tuy nhiên, trong thực tế người ta chỉ sử dụng gieo  hạt trong chọn tạo giống bằng phương pháp lai hữu tính.

Thông thường người ta sử dụng thân là hom giống. Có thể cắt hom (như hình dưới) từ cây vụ trước để làm giống.

Tùy theo tập quán sản xuất của từng vùng mà hom giống thường chọn như sau: chọn dây có phần ngọn mập, không sâu bệnh, dài khoảng 30 – 50cm, có 6 – 8 mắt. Hom cắt về đem rải chỗ thoáng mát 1 – 2 ngay để kích thích hom nhanh ra rễ, nẩy chồi khi trồng. Có thể trồng áp má (đặt hom theo rãnh và sau đó lấp đất nén chặt) hay trồng từng dây (đặt dây giữa rãnh dùng tay lấy đất lấp dây và nén chặt). Mật độ khoảng 25.000 – 40.000 hom/ha tùy điều kiện.

Về cách trồng, ông Lê Văn Bình, một nông dân trồng khoai lang giống Nhật Bản giỏi trong nhiều năm liền ở thôn 8, xã Đắc Bup So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông  chia sẻ kinh nghiệm: “... chỉ cần đặt giống sai là mất toi tiền triệu, do đó trước hết là biết cách đặt giống. Bao giờ cũng lấp đất phủ hết, chỉ để ngọn nhô lên 3 – 5cm. Nếu để ngọn nhô quá cao, ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào thân hom làm cây dễ bị táp nắng, dễ bị sâu đục thân, dẫn đến “suy dinh dưỡng” nên chỉ có 1 – 2 củ tròn, bán giá chợ. Trồng kín dây, cây khoai không bị táp nắng, phát triển tốt, ra nhiều củ, củ dài 18  – 20cm, mỗi dây có thể cho sản lượng 3 – 4 kg”.

Chăm sóc

Sau khi trồng hom giống nảy nhánh mới thì làm cỏ. Tiến hành bón thúc lần 1 vào khoảng 25 – 25 ngày (tùy giống) sau trồng.

Tiến hành dặm lại hom chết.

Thực hiện bấm ngọn vào khoảng 30 – 35 ngày sau trồng (giống ngắn ngày) và 40 – 45 ngày (giống dài ngày) để tăng cường sinh trưởng, phát triển thân lá, tăng cường tích lũy chất hữu cơ. Kết hợp xới xáo, làm cỏ và bón thúc lần 1: 50% phân đạm + 30% phân kali còn lại.

Trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây người ta có thể tiến hành nhấc dây 2 – 3 lần. Mục đích của nhấc dây hợp lý để hạn chế không cho rễ phụ trên thân phát triển, nhằm dồn các chất dinh dưỡng ở trên thân tập trung cho phát triển củ. Chú ý tránh lật ngược dây. Nếu gặp trời nắng hạn nên hạn chế việc nhấc dây. Kết hợp nhấc dây với xới xáo, tiến hành bón thúc lần 2 với lượng kali còn lại.

Sau khi dặm thì tưới nước ngay bằng cách dẫn nước ngập 1/3 – 1/2 chiều cao luống. Việc tưới còn thực hiện hai lần nữa vào khoảng 35 – 40 và 80 – 90 ngày sau trồng.

Thăm đồng thường xuyên để kiểm tra tình hình sinh trưởng của cây trồng và mức độ phát sinh, phát triển của dịch hại.

Thu hoạch

Khoai lang có thể thu hoạch được khi:

        - Thân bắt đầu chậm phát triển, lá vàng và rụng nhiều.

        - Nhựa củ đặc, đen và mau khô khi cắt ngang thân.

        - Vỏ củ láng và mang rất ít rễ phụ.

Khi thu hoạch cần thận tránh làm tổn thương. Củ nhổ xong không nên rửa sạch, chỉ nên hong khô, loại riêng những củ bệnh, xấu.

4. Dịch hại chính:

Dịch hại chính trên cây khoai lang bao gồm: Bọ hà (Cylas formicarius), Bọ cánh cứng (Phyllophaga spp), sâu vòi voi [Naupactus (=Graphognathus) spp.],  sâu đục dây (Omphisa anastomasalis), sâu sa  (Agrius convolvuli), sâu khoang (Spodoptera litura), bọ phấn trắng (Bemisia tabaci), rầy mềm (Aphis gossypii), ....hoặc các  loại bệnh như bệnh héo vàng do nấm (Fusarium oxysporum f.sp.batatas), bệnh héo rũ do vi khuẩn (Pseudomonas solanacearum), bệnh thối đen (Ceratosmella fimbriata),...

D.A.M

Ảnh trong bài thu thập từ Internet.