Mốc sương

Giới thiệu chung

Phytophthora infestans (Mont.) de Bary

Bệnh mốc sương cà chua (còn gọi là sương mai, dịch muộn) là một bệnh hại nguy hiểm do nấm Phytophthora infestans gây ra. 

Nấm bệnh có nguồn gốc trên khoai tây (Solanum tuberosum) ở Cộng đồng các Quốc gia Andean (bao gồm các nước Bolovia, Colombia, Ecuador, Peru) từ xa xưa. Tuy nhiên, bệnh được ghi nhận lần đầu tiên lại từ những cánh đồng khoai tây ở Philadelphia và New York City (Mỹ) năm 1843 bởi Heinrich Anton deBary (hình 1). Người được coi là “cha đẻ của môn bệnh cây” khi bằng những nghiên cứu của mình đã thuyết phục được cộng đồng khoa học rằng sự hình thành bào tử màu trắng của P. infestans trên cây khoai tây bị nhiễm bệnh là tác nhân gây bệnh chứ không phải là kết quả của tự phát từ các thảm thực vật mục nát. 

 

Hình 1: Heinrich Anton deBary (26 /1/1831 – 19/1/1888)

Sau đó bệnh lan rộng ra các bang từ Illinois đến Nova Scotia và từ Virginia tới Ontario (Mỹ) năm 1845. Trong những năm tiếp theo, khi cây khoai tây trở thành một cây lương thực có nhiều tiềm năng thì nó được du nhập vào châu Âu. Từ đó các lô hàng khoai tây giống bị nhiễm bệnh mốc sương đã lan tràn khắp “lục địa già”. Tai họa khủng khiếp nhất do bệnh này gây ra đã hủy diệt hầu hết các cánh đồng khoai tây tại Ireland trong những năm 1846 – 1849 (khi mà cây khoai tây trở thành nguồn lương thực chính của đất nước này) làm hơn một triệu người chết và cũng chừng đó người phải di cư sang châu Mỹ. Hậu quả là dân số của Ireland giảm dần từ mức khoảng 8,5 triệu đến hơn một nửa vào cuối thế kỷ XIX.1,2,4,5,6,8 Mức độ tàn phá của P. infestans đúng với tên gọi của nó là “hủy diệt cây trồng” (Theo tiếng Hy Lạp cổ thì Phyto nghĩa là thực vật, còn phthora là hủy diệt).

Từ đó, bệnh lây lan đến hầu hết các phần còn lại của thế giới trong những thập kỷ tiếp theo và cho đến đầu thế kỷ XX đã phân bố trên toàn thế giới ở những nơi có trồng khoai tây. Hình 2.

 

Hình 2: Phân bố của P. infestans trên thế giới.

Ở nhiều nước, cà chua đại diện cho một loại cây rau quan trọng, không chỉ vì giá cao, mà còn vì nó cung cấp một nguồn vitamin khi tươi và cải thiện hương vị của bữa ăn khi nấu chín. Trong năm 2014, cà chua chiếm gần một phần ba trong tổng số 36 triệu tấn rau tươi bán ở các nước Tây Âu. 

Tuy nhiên trong sản xuất, cà chua cũng bị P. infestans gây hại. Ở các vùng khí hậu nhiệt đới khoai tây và cà chua có cùng một thời vụ gieo trồng vào thời kỳ mưa nhiều, mát lạnh nên mầm bệnh từ khoai tây cũng có thể là một yếu tố quan trọng hạn chế năng suất từ cây cà chua. 

Bệnh mốc sương cà chua là một căn bệnh tàn phá với những hậu quả kinh tế mạnh mẽ và nguy hiểm. Khi điều kiện thuận lợi cho phát triển mầm bệnh thì không có một biện pháp hữu hiệu nào đủ để ngăn chặn căn bệnh này. Bệnh mốc sương hoàn toàn có thể phá hủy các bộ phận trên mặt đất của cây (thân, lá, quả cà chua) mà ảnh hưởng đến năng suất. Thiệt hại kinh tế do P. infestans trên cà chua có thể theo hình thức giảm năng suất, chất lượng thấp của trái cây (như trọng lượng riêng thấp), khả năng bảo quản giảm và các chi phí liên quan tới việc ứng dụng thuốc trừ nấm tăng lên.

Bệnh mốc sương xảy ra ở bắc Mỹ nhiều thập kỷ. Trong hai năm 2009 và 2010 bệnh gây thành dịch ở Mỹ và một phần Canađa trên cà chua trong nhà kính và trên đồng ruộng.10 Trong năm 2009, tại Mỹ tổng sản lượng giảm trong cà chua tươi là 46 triệu đô la và chế biến đạt 66 triệu đô la. Trong số này, có đến một nửa có thể do tổn thất do bệnh mốc sương gây ra. Cà chua được trồng ở Ba Lan đã phải chịu đựng những thiệt hại đáng kể từ sự bùng phát tràn lan của bệnh mốc sương, thường gây thiệt hại năng suất lên đến 100%.1 

Cà chua là một cây trồng đòi hỏi mức thâm canh cao chính vì vậy đây là một nhân tố tạo điều kiện cho bệnh mốc sương phát sinh, phát triển. Thông thường tỷ lệ quả bị bệnh có thể nằm trong khoảng 41 – 100% trên những cánh đồng không sử dụng thuốc trừ nấm và 12 – 65% ở những cánh đồng được bảo vệ bằng các loại thuốc này.1 Dự đoán rằng các các loại thuốc diệt nấm cần thiết để ngăn chặn bệnh mốc sương trong 2040 – 2065 sẽ tăng 20 đến 25%, so với yêu cầu trong các năm 1977 – 2008.1  Như vậy, để kiểm soát bệnh mốc sương nhu cầu sử dụng thuốc sẽ tiếp tục làm tăng thêm chi phí và nảy sinh những vấn đề liên quan đến môi trường.    

Trong khi đó, cho đến này rất ít giống kháng bệnh được gieo trồng trong sản xuất. Điều này đồng nghĩa là với điều kiện thời tiết thuận lợi rất khó để quản lý bệnh ngay cả với thuốc diệt nấm. Thứ hai, không giống như khoai tây, các phần ăn được của cà chua được tiếp xúc trực tiếp với các loại thuốc trừ nấm. Vì thế nó làm phức tạp hoạt động sử dụng thuốc ở thời điểm gần thu hoạch. Cuối cùng, các quần thể tác nhân gây bệnh từ cà chua và khoai tây có những đặc điểm xuất hiện riêng biệt và chỉ thích ứng với một cây chủ nhất định (Oyarzun và cộng sự,1998). Điều này cũng có nghĩa rằng người trồng cà chua không thể dễ dàng áp dụng các thông tin thu thập được trên những hiểu biết về bệnh từ khoai tây.8

Ngoài cà chua và khoai tây, P. infestans còn gây hại trên những cây thuộc họ Cà (Solanaceae) như: cà tím, ớt, thuốc lá hoặc những cây dại khác thuộc họ này.

Tại miền trung Mexico P. infestans gây bệnh trên nhiều loài Solarium hoang dã khác nhau. Ở Canada và Mỹ, nó đã được báo cáo trên Solanum sarachioides, S. dulcamara và Petunia (dã yên thảo),...  Trong một số nước ở Nam Mỹ nó đã được báo cáo như là một tác nhân gây bệnh quan trọng cho một loại dưa – pear melon (S. muricatum) trong dãy núi Andes. Erwin và Ribeiro (1996) đã nêu một danh sách 89 loài ký chủ bị P. infestans gây bệnh. Tuy nhiên, hơn 25% trong số này được lây bệnh nhân tạo dẫn đến tổn thương.4,8

 

1.1. Triệu chứng    

P. infestans lây nhiễm tất cả các bộ phận trên mặt đất của cây cà chua và với bất kỳ giai đoạn phát triển nào của nó.

Trên lá:

Trên lá đầu tiên xuất hiện những vết mọng nước (giọt dầu) không có hình dạng và kích thước nhất định. Hình 3. Vết bệnh này xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào của mặt trên lá bánh tẻ (không nhất thiết phải ở đầu mút hay mép lá) nơi tồn tại những giọt nước (mưa, sương hay nước tưới) có thể đọng lại. Chính vì thế mà người ta gọi P. infestans là “nấm nước” (water molds). Khi có các giọt nước thì các động bào tử được hình thành tạo nên một kiểu xâm nhập thứ hai cùng với sự xâm nhập bằng sự nảy mầm của các bào tử thường. Cũng vì sự xâm nhiễm đa dạng như vậy mà nấm P. infestans phát sinh, lây lan trên đồng ruộng với tốc độ rất nhanh. Trong điều kiện khô, nóng các vết bệnh ban đầu này có thể nhanh chóng biến mất.

Hình 3: Những vết bệnh ban đầu của P. infestans.

Vết bệnh phát triển có màu xanh đậm. Giữa vết bệnh và những mô khỏe xung quanh thường được phân định bởi quầng màu vàng sáng. Vết bệnh không bị giới hạn bởi gân lá.9,10 Hình 4. Đây là đặc điểm khác biệt với bệnh “dịch sớm” – Alternaria solani. 

 

Hình 4: Lớp bào tử màu trắng xuất hiện trên vết bệnh (a) và quầng màu vàng xung quanh vết bệnh (a,b). Ảnh Dr. Ron Howard

Gặp điều kiện thời tiết thuận lợi vết bệnh có thể lan khắp bề mắt lá làm cho lá chuyển sang màu nâu hoặc màu đen, khô và toàn bộ cây có thể chết trong 5 – 10 ngày. Hình 5 a,b,c.

(a) (b) (c)

Hình 5 a,b,c: Các vết bệnh trên lá do P. infestans.

Trong điều kiện độ ẩm không khí cao (80 – 100%), nhiệt độ không khí thấp (khoảng 15 – 20°C) mặt dưới của vết bệnh hình thành lớp mốc trắng (do hình thành túi bào tử) trông như lớp sương mai phủ kín vùng mô bệnh. Tại thời điểm này, các triệu chứng trên lá có thể giống với những thiệt hại do sương giá. 3,6,7,8,9 Hình 6. Nếu lớp mốc trắng là không rõ ràng, có thể cắt những lá bệnh đặt nó trong hộp petri trong 24 giờ. Nếu lớp mốc trắng không xuất hiện, thì P. infestans không phải là nguyên nhân gây ra các đốm lá ta đã nhìn thấy.

(a) (b)

Hình 6 a,b: Lớp mốc trắng hình thành mặt dưới lá bệnh.

Bệnh mốc sương cà chua dễ bị nhầm lẫn với một số nấm bệnh khác cũng hại trên cà chua.

Dưới những điều kiện đặc biệt là ẩm ướt, mốc xám (Botrytis cinerea) có những lá bệnh bên dưới có vết bệnh giống mốc sương. Tuy nhiên, sự hình thành bào tử từ B. cinerea đáng chú ý là màu xám chứ không phải màu trắng như P. infestans. Hình 7.

Hình 7: Bệnh mốc xám (B. cinerea) trên cà chua. Chú ý lớp mốc xám trên lá, thân và quả.

Khi điều kiện trở nên khá khô và ở cuối quá trình phát triển, bệnh mốc xám do B. cinerea gây ra cũng có thể bị nhầm lẫn với lá bị bệnh mốc sương. Hình 8.

Hình 8: Lá bị bệnh mốc sương (bên trái) và lá bị bệnh mốc xám (bên phải).

Đôi khi những vết bệnh gây ra bởi Alternaria solani (dịch sớm) cũng có nhưng triệu chứng dễ lầm với bệnh mốc sương. Tuy nhiên, những vết bệnh của mốc sương thường có đường viền sáng màu xung quanh vết bệnh (hình 4). Trong khi vết bệnh do A. solani thường không có một đường viền bên ngoài xác định. Trên vết bệnh do A. solani thường xuất hiện những vòng tròn đồng tâm. Hình 9 a,b.

(a) (b)

Hình 9 a,b: Các triệu chứng đầu tiên do A. solani xuất hiện trên lá già gần gốc cây. Lưu ý sự xuất hiện của vòng tròn đồng tâm.

Ngoài ra, bệnh đốm lá (Septoria lycopersici) cũng có những vết bệnh tương tự như bệnh mốc sương. Tuy nhiên, bệnh do S. lycopersici thường xuất hiện vào thời kỳ quả cà chua bắt đầu chín. Hình 10 a,b. 

Hình 10 a,b: Đốm lá (Septoria lycopersici).

Cành và cuống lá: 

Trên cành và cuống lá xuất hiện những vết mọng nước, màu nâu bao quanh vị trí lây nhiễm. Tỷ lệ cành và cuống lá bị bệnh không thấp hơn so với vết bệnh trên lá.8 Hình 11 a,b,c.

(a) (b) (c)

Hình 11 a,b,c: Triệu chứng trên cành và cuống lá.

Vết bệnh phát triển theo chiều dài. Kết quả là cành và lá bị chết khô. Hình 12 a,b.

(a) (b)

Hình 12 a,b: Triệu chứng cuối cùng trên cành và cuống lá.

Bệnh có thể xuất hiện trên cành và cuống lá ngay từ khi cây cà chua còn nhỏ. Hình 13.

 Hình 13: Một cây giống cà chua trẻ với lá, cuống lá và thân cây có triệu chứng của bệnh mốc sương. 

Trên thân:

Triệu chứng đầu tiên trên thân cũng là những vết mọng nước màu xanh đen. Hình 14.

 

Hình 14: Vết bệnh mọng nước (mũi tên).

Vết bệnh nhanh chóng phát triển quanh thân trở thành màu nâu đậm. Trong điều kiện lạnh, ẩm ướt hình thành lớp mốc trắng trên vết bệnh. Hình 15 a,b,c.

(a) (b) (c)

Hình 15 a,b,c: Lớp mốc trắng trên thân cà chua.

Bệnh phát triển kéo dài trên thân về hai phía. Cây có thể gãy gục tại vị trí bị bệnh, dẫn đến héo khô tất cả các bộ phận khác của cây sau 5 – 10 ngày. Hình 16 a,b,c.

(a) (b) (c)

Hình 16 a,b,c: Những triệu chứng cuối cùng trên thân cây.

Trên quả:

Thông thường, các cuống của quả bị ảnh hưởng đầu tiên (hình 17 a,b) vì bào tử có xu hướng tồn tại trên núm quả và các vết nứt nhỏ có lợi cho quá trình xâm nhiễm bởi tác nhân gây bệnh. 

(a) (b)

Hình 17 a,b: Vết bệnh ban đầu trên quả. Ảnh E.Bush  

Những vết bệnh màu nâu bóng, đậm màu xuất hiện trên cả quả chín lẫn xanh. Hình 18 a,b 

(a) (b)

Hình 18 a,b: P. infestans hình thành trên cả quả chín và quả xanh.

Vùng quả bị bệnh thường trũng xuống sau khi bệnh xuất hiện vài ngày do các mô quả bên trong bị phá hủy (hình 19 a,b). Vùng quả bị tổn thương có thể lan truyền trên bề mặt của cà chua với hình thù không xác định. Kèm theo đó là quá trình phân hủy các mô quả bởi các vi sinh vật thứ cấp hoại sinh. 

(a) (b)

Hình 19 a,b: Vệt bệnh trũng xuống.

Trong điều kiện thuận lợi, khi P. infestans hình thành bào tử thì trên bề mặt vết bệnh cũng xuất hiện lớp mốc trắng. Hình 20 a.b.c.

(a) (b) (c)

Hình 20 a,b,c: Lớp mốc trắng hình thành trên vùng quả bị nấm xâm nhiễm.

 

Hình 21: Vùng bệnh xuất hiện trên quả cà chua chín đẹp. 

Khi bệnh xâm nhiểm từ sớm (trên các quả còn bé) thì quả có thể teo lại và rụng xuống hoặc không bao giờ chín. Hình 22.

 

Hình 22

***

1.2. Nguyên nhân

Bệnh mốc sương trên cà chua do nấm Phythopthora infestans (Mont.) de Bary gây ra. Đây là một loài nấm Oomycetes (nấm noãn). Các sợi nấm của P. infestans là trong suốt và có tế bào chung đa nhân. Các nhân là dạng lưỡng bội. 

P. infestans sản xuất túi bào tử trên cành túi bào tử (sporangiophores) trong suốt và có hình dạng phân nhánh như một thân (hoặc cành) cây. Với cấu trúc như vậy, có thể trợ giúp phát tán túi bào tử trong không khí. Trên cành hình thành những nốt sưng. Đây là điểm đính các túi bào tử. Hình 23 a,b. 

(a) (b)

Hình 23 a,b: Cành đính bào tử của P. infestans với các vết sưng (mũi tên đen, 23a) mà từ đó hình thành các túi bào tử (23 b). Photo by E. Bush.

Túi bào tử có hình quả chanh với một cuống nhỏ (nơi đính vào cành túi bào tử, kích thước < 3 µm), Kích thước trung bình của túi bào tử nằm trong khoảng từ 36 x 22 µm (Tucker 1931) đến 29 x 19 µm (Waterhouse 1963). Hình 24. 

 

Hình 24. Một túi bào tử (có chứa cấu trúc động bào tử) của nấm P. infestans trên cành túi bào tử và hai túi bào tử đã được bật ra. Ảnh E. Bush

Các túi bào tử liên tục hình thành và phát triển khi cành này còn tồn tại trên vết bệnh. Các túi bào tử có thể dễ dàng bị rời ra khỏi cành túi bào tử bởi dòng không khí, lực cơ học hoặc nước ( mưa, tưới) bắn vào.2,6,7 P. infestans là một trong số ít các loài trong chi Phytophthora thích nghi với sự phát tán qua không khí. Khoảng cách để phát tán hàng trăm mét hoặc km là có thể (Van der Zaag, 1956).  Ở Canađa túi bào tử cũng có thể di chuyển quãng đường dài, có thể lên đến 100km bởi gió mạnh hoặc bão.9 Nhưng thường không tồn tại lâu dài nếu chúng phải “di chuyển” với khoảng cách xa và tiếp xúc lâu với bức xạ mặt trời.

Túi bào tử có khả năng cảm nhận được môi trường và điều tiết nảy mầm. Nảy mầm xảy ra hoặc thông qua việc hình thành trực tiếp của ống mầm hoặc bởi động bào tử.1

Ở nhiệt độ trên 15°C túi bào tử nảy mầm trực tiếp để tạo thành một ống mầm và nhanh chóng phát triển tăng trưởng sợi nấm và các túi bào tử tiếp theo trên lá, thân, và mô trái cây. Hình 25.

 

Hình 25: Túi bào tử P. infestans nẩy mầm xâm nhập qua lỗ khí khổng. Ảnh của Phòng thí nghiệm Dr. Sophien Kamoun.

Ở nhiệt độ thấp hơn (< 15°C) và có sự hiện diện của giọt nước trên bề mặt lá, các túi bào tử từ bỏ tăng trưởng sợi nấm bằng cách trực tiếp mà phóng thích các du động bào tử (bào tử vô tính). Hình 26, 27. Động bào tử có thể “bơi” trong vài phút, sau thời gian đó chúng hình thành u nang và nảy mầm. Quá trình xâm nhập vào các mô thông qua một móc (peg).2,3 . Quá trình xâm nhiểu kiểu này diễn ra rất nhanh. Tùy thuộc vào điều kiện môi trường, thời gian tái sinh có thể ngắn và toàn bộ chu kỳ lặp đi lặp lại trong 5 – 7 ngày.1 

  

Hình 26: Động bào tử được phóng thích từ túi bào tử (mũi tên).

 

 

Hình 27: Hai trong số các túi bào tử trong bức ảnh hoàn toàn trống rỗng, sau khi phóng thích hết các động bào tử. Ảnh: B. Bushe

Động bào tử (khoảng 7 – 12 động bào tử trong mỗi túi bào tử) có hai roi, một  hướng về phía trước và một có hướng ngược lại. Trong điều kiện ẩm ướt và nhiệt độ thấp, động bào tử sẽ hình thành và xuất hiện từ các túi bào tử sau khoảng hai giờ. Hình 27. 

 

Hình 27: Động bào tử có 2 roi.

1.3. Phát sinh gây hại

Trong quá trình sinh trưởng và phát triển của mình, P. infestans có hai hình thức sinh sản: Vô tính và hữu tính. Tuy nhiên, trong tự nhiên sinh sản hữu tính là hiếm gặp; thường chỉ xảy ra sinh sản vô tính. Với hình thức sinh sản vô tính, P. infestans có thể hình thành 100.000 đến 300.000 túi bào tử mỗi ngày trên các vết bệnh.1,4,7  Đó là nguồn mầm bệnh vô hạn định hoặc tái nhiễm tại chỗ hoặc được phát tán bởi không khí, gió, mưa đến các vị trí khác. Túi bào tử được sinh ra trên cành túi bào tử trong vòng 8 – 12 giờ và có thể nảy mầm, xâm nhiễm tròng vòng 2 giờ trong điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, nảy mầm và xâm nhập đòi hỏi nhiều hơn 2 giờ. 

Nói chung, khoảng thời gian cần thiết để hình thành túi bào tử trên mô cây chủ là phụ thuộc vào nhiệt độ, ẩm độ và mức kháng của cây chủ. Trên giống kháng, quá trình hình thành túi bào tử có thể không xuất hiện cho đến vài giờ sau khi nó xuất hiện trên mô của cây chủ. Nhưng trên giống nhiễm cũng khoảng thời gian đó quá trình xâm nhiễm đã có thể hoàn tất. 

Quá trình xâm nhiễm của P. infestans vào các mô của cà chua (nảy mầm trực tiếp và gián tiếp qua hình thành động bào tử hoặc cả hai) cũng phụ thuộc rất nhiều vào nhiệt độ và độ ẩm. 

Túi bào tử xuất hiện trên lá và bắt đầu xâm nhiễm khi độ ẩm tương đối là < 90% nhưng rất thích hợp là 91 – 100%. Hình thành túi bào tử có thể xảy ra ở nhiệt độ 3 – 26°C, nhưng phạm vi tối ưu là 18 – 22°C. Túi bào tử nảy mầm trực tiếp thông qua một ống mầm ở 21 – 26°C và thâm nhập vào các máy chủ trong 4 – 48 giờ.2,8 Túi bào tử hình thành trong 8 giờ và có thể hình thành với số lượng cực lớn (hàng trăm ngàn) trong 14 giờ với các điều kiện tối ưu ở trên. Ở nhiệt độ trên 20°C, túi bào tử bị mất khả năng sống rất nhanh chóng (1– 3 giờ) trong không khí khô (độ ẩm tương đối 20 – 40%) và khá nhanh chóng (5 – 18 giờ) trong không khí ẩm (độ ẩm tương đối 50 – 80%).8 Trong điều kiện môi trường thuận lợi, các túi bào tử có thể duy trì khả năng tồn tại cho tới chừng một tuần.1 

Tại nhiệt độ 3 – 21°C (tối ưu 12°C trong 2 – 3 giờ) bọc bào tử có thể giải phóng nhiều động bào tử mà nảy mầm (tối ưu 12 – 15°C) và thâm nhập vào cây chủ (tối ưu 21°C trong 2 – 8 giờ).8 

Sau khi nẩy mầm và xâm nhập vào các mô cây chủ các triệu chứng ban đầu có thể quan sát được trong vòng vài ngày (thời gian chính xác là phụ thuộc vào nhiệt độ và khả năng kháng, nhiễm của giống). Trong điều kiện tối ưu (18 – 22°C), điều kiện rất ẩm ướt (lá ướt hoặc đô ẩm không khí 100% là bắt buộc) triệu chứng có thể được nhìn thấy trong ít hơn 3 ngày.4,7,8

Có thể tóm tắt như sau: Trong điều kiện tối ưu mỗi túi bào tử là có khả năng tạo một vết bệnh mới trong vòng 3 – 4 ngày và hình thành các túi bào tử trong vòng một hoặc hai ngày (có thể ngắn hơn); Trên mỗi vết bệnh có thể hình thành hàng trăn ngàn túi bào tử; Các túi bào tử có thể phát tán đi xa nhờ gió,... Tất cả điều này nói lên mức độ nguy hiểm của bệnh mốc sương như thế nào trong điều kiện ngoại cảnh thích hợp.

Không giống như nhiều tác nhân gây bệnh, P. infestans không thể qua mùa đông trên mô thực vật đã chết, giàn hoặc trong đất.

Không truyền bệnh qua hạt giống. (Mặc dù các nghiên cứu mô học về hạt tươi thu hoạch cho thấy mầm bệnh đã có mặt trong gel xung quanh các hạt, trong vỏ hạt, giữa nội nhũ và lớp màng hạt giống (Vartanian và Endo, 1985a). Họ quan sát thấy có đến 93% hạt giống bị mắc bệnh khi gieo chúng trên môi trường có chọn lọc sau khi thu hoạch từ những cây bị bệnh. Tuy nhiên, tỷ lệ này giảm xuống 0% khi các hạt giống được xử lý bằng không khí khô trong 72 giờ ở 22°C).7  

Tuy nhiên, nguồn bệnh của P. infestans tồn tại trong củ khoai tây bị nhiễm bệnh (những củ  thối bị bỏ lại cánh đồng) và cây ký chủ phụ họ cà (cà tím, ớt, thuốc lá và cây dại thuộc họ cà) cũng có thể phát tán gây hại cho cà chua. 

Chu trình phát sinh và gây hại của P. infestans được trình bày ở bên dưới.

 

Để quản lý dịch hại cần áp dụng các biện pháp:

Biện pháp canh tác

Trong trường hợp không sinh sản hữu tính P. infestans đòi hỏi phải có một ký chủ sống để tồn tại giữa các mùa. Vì vậy, vệ sinh đồng ruộng là tối quan trọng trong chiến lược quản lý bệnh một cách tổng thể. Lý tưởng nhất, không có khoai tây bị nhiễm bệnh  có mặt trong vùng lân cận của những cách đồng cà chua. Các cây dại họ cà cần phải tiêu hủy trước khi trồng cà chua. Nhưng trong thực tế đây là điều không tưởng. Vì thời vụ trồng cà chua lại là thời vụ trồng khoai tây, cà tím, ớt, thuốc lá ở nhiều nơi. Do đó nguồn bệnh là luôn luôn hiện hữu trên đồng ruộng. Điều này gây khó cho việc quản lý bệnh.

Để phòng chống bệnh mốc sương cần thực hiện những giải pháp sau trong các biện pháp canh tác:

Hạt giống cần mua ở những cơ sở có uy tín để bảo đảm hạt giống được xử lý tốt. Bảo đảm cây sinh trưởng và phát triển tốt ngay từ đầu.

Bố trí thời điểm trồng tránh được những cao điểm thời tiết thuận lợi cho nấm bệnh phát triển gây hại (nhiệt độ thấp, độ ẩm cao). Tùy theo điều kiện cụ thể của từng nơi mà lựa chọn các giống ngắn ngày (chín sớm) để “lách” qua các cao điểm này.

Không trồng với mật độ quá dầy. Mật độ thích hợp 18.000 – 20.000 ngàn cây/ ha. Cây cách cây 0.4 – 0.5m. Luống rộng 0.9 – 1.0m, chiều cao luống tùy vào địa thế ruộng trên đồng. Bố trí hàng cây theo hướng đông – tây nhằm giảm độ ẩm không khí và đất trong ruộng.

Thực hiện bắc giàn để bảo đảm độ thông thoáng trong ruộng.

Không tưới phun vào chiều tối. Điều này cho phép lá và đất khô trước khi buổi tối, làm giảm thời gian lá ướt và giảm độ ẩm không khí tương đối trong ruộng. Trong những ngày dễ hình thành sương có thể tưới vào buổi sáng sớm để phá giá. Ở những nơi có điều kiện dùng biện pháp tưới nhỏ giọt.

Bón phân cân đối N – P – K. Bổ sung phân có chứa silic vào giai đoạn cây non để tăng cường sức chống chịu của cây. 

Tránh di chuyển trên ruộng (chăm sóc, theo dõi sinh trưởng, theo dõi bệnh,...) khi lá cây còn ướt.

Kiểm tra đồng ruộng thường xuyên. Loại bỏ kịp thời cây bệnh, quả bệnh, các loại cỏ dại họ Cà là ký chủ phụ. Tất cả phải chôn sâu hoặc đốt bỏ. Không để lại trên ruộng.

Không thu hoạch vào thời điểm sau mưa hoặc sáng sớm khi lá còn ướt. Không để chung quả ở ruộng bệnh với quả ruộng không bị bệnh. Trong điều kiện bệnh phát triển mạnh có thể thu hoạch sớm hơn thông thường.

Tại Vương quốc Anh từ thập niên 70 của thế kỷ trước người ta thường ưa thích sử dụng phương pháp của Smith để xác lập thời điểm dễ phát sinh bệnh. Thời điểm này được coi là: tình trạng ẩm ướt mô của cây với độ ẩm không khí tương đối lớn hơn 90% kéo dài trong ít nhất hai ngày liên tiếp và trên mỗi ngày ít nhất có 11 giờ với nhiệt độ trung bình 10°C hoặc cao hơn. 

Ghi chú: Các ảnh trong bài thu thập từ nguồn internet.

Biện pháp thuốc BVTV

Sử dụng thuốc BVTV theo 4 đúng.

(Liên hệ với chúng tôi)

D.A.M

Tài liệu tham khảo