Sương mai

Giới thiệu chung

Bệnh giả sương mai hại trên cây họ bầu bí còn có nhiều tên gọi khác nhau theo vùng miền như: Bệnh đốm phấn, Bệnh phấn vàng, sương mai…  Các cây trồng như: dưa chuột (dưa leo), dưa hấu, dưa lê, bầu, bí, mướp, mướp đắng (khổ qua),…thường bị hại nặng nhất là khi điều kiện thời tiết thuận lợi. Bệnh gây hại chủ yếu trên lá và ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng quả.

1.1 Triệu chứng 

Bệnh phát sinh gây hại trên tất cả các bộ phận của cây, nhưng phổ biến nhất là trên lá. Vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ mầu vàng sáng hoặc màu xanh nhạt sau đó chuyển sang màu xanh vàng đến nâu nhạt. Vết bệnh thường có hình đa giác được giới hạn bởi các gân lá. Vết bệnh có thể xuất hiện riêng rẽ hoặc liên kết với nhau. Nhìn mặt trên của lá và ngược với ánh sáng mặt trời vết vệnh có mầu vàng sáng và loang lổ.

Mặt dưới của lá bệnh có một lớp nấm mọc thưa, màu trắng xám. Điều kiện thời tiết thuận lợi như: mưa phùn, ẩm độ không khí cao và cây leo đã phủ giàn thì bệnh phát triển nhanh làm cho lá biến dạng rồi héo khô và chết. Cây phát triển kém.

Mặt trên của lá dưa chuột bị bệnh giả sương mai Mặt dưới của lá dưa chuột bị bệnh giả sương mai Mặt dưới của lá bí đỏ bị bệnh giả sương mai

 

Mặt trên của lá bí đỏ bị bệnh giả sương mai Lá dưa chuột bị cả bệnh giả sương mai và bệnh phấn trắng

Trên cây họ bầu bí bị bệnh giả sương mai người ta cũng quan sát thấy đồng thời có cả bệnh phấn trắng. (xem bệnh phấn trắng trên cây bầu bí)

1.2 Nguyên nhân

Bệnh do nấm Pseudoperonospora cubensis (Berkeley & Curtis) Rostowzew. Nấm gây bệnh sương mai thường biết đến với tên gọi Peronospora và khi có thêm chữ đầu là Pseudo có nghĩa là “giả” thì loài nấm gây bệnh có tên Pseudoperonospora được dịch ra tiếng việt là bệnh “giả sương mai” . Nấm Pseudoperonospora cubensis thuộc họ nấm sương mai (Peronosporaceae); lớp nấm noãn (Oomycetes). Nấm giả sương mai trên cây họ bầu bí thuộc nhóm ký sinh bắt buộc, chỉ sống và tồn tại trên mô cây bệnh sống và không nuôi cấy được trên môi trường nhân tạo.

Sợi nấm phát triển đan xen giữa các vách tế bào ở mô lá bị bệnh. Sợi nấm có vách ngăn, đường kính 5,4 – 7,2µm. Cành bào tử bọc (sporangiophores) phân nhánh chạc đôi 3 – 5 lần, kích thước 140 – 450 x 5 – 6 µm. Ở đầu mỗi nhánh đính bào tử bọc. Bào tử bọc (hay còn gọi là bào tử đính) có hình quả chanh (có một đầu nhỏ nhô ra dạng núm), kích thước 22 – 30 x 16 – 20 µm. Cành bào tử bọc và bào tử bọc thường quan sát thấy trên bề mặt vết bệnh ở mặt dưới của lá bị bệnh. Trong điều kiện ẩm ướt và có nước tự do, bào tử bọc sản sinh  ra  từ 5 – 15  du động bào tử (zoospores). Các du động bào tử có hai lông mao ở đầu.

Cành bào tử và bào tử bọc nấm giả sương mai bầu bí- Pseudoperonospora của tác giả .G. J. Holmes

1.3 Phát sinh gây hại 

Bào tử bọc của nấm lây lan từ vùng cây bị bệnh sang vùng khác nhờ gió. Nhiệt độ thích hợp để sản sinh bào tử bọc là 15oC – 24oC. Nhiệt độ nóng > 35oC nấm ít gây hại cho các loại cây thuộc họ bầu bí. 

Du động bào tử có thể được phóng thích từ bọc bào tử ở nhiệt độ 5 – 28oC, tối ưu là 20 – 25oC và có nước tự do trên mặt lá hay các bộ phận khác của cây.

Bệnh phát sinh sớm từ khi cây có 3 lá thật và càng cuối vụ càng nặng.

Cây họ bầu bí ở vụ xuân hè ở các tỉnh phía Bắc thường bị nặng vì điều kiện thời tiết thích hợp (sương mù, mưa phùn,...) cho bệnh phát triển. 

Ở các tỉnh phía Nam, bệnh gây hại nặng trong điều kiện mùa mưa. Vùng có nhiệt độ ngày và đêm chệnh lệch cao thuận lợi cho bệnh phát triển.

Cây họ bầu bí trong nhà kính, nhà màng thường bị bệnh giả sương mai nặng hơn so với trồng trên đồng ruộng.

Bón phân không cân đối, bón nhiều phân đạm bệnh thường gây hại nặng hơn.

Biện pháp canh tác

Mật độ trồng thưa hợp lý không quá dày để giảm bớt ẩm độ không khí khi cây giao tán. 

Bón phân cân đối N–P–K. Ngừng bón đạm khi bệnh chớm xuất hiện.

Bệnh phát triển nhanh khi có nước tự do trên lá nên biện pháp tưới phun cần hạn chế, nhất là vào buổi chiều.

Dọn sạch cỏ dại trong ruộng. Tỉa bỏ bớt các chồi, nhánh phía trên giàn để tạo thông thoáng.

Cắt tỉa lá già, lá bị bệnh và tiêu hủy.

Thăm đồng thường xuyên để phát hiện bệnh sớm. 

Biện pháp thuốc BVTV

Khi bệnh chớm phát sinh và gây hại có thể sử dụng thuốc gốc đồng, thuốc chứa hoạt chất Fosetyl Aluminium, Metalaxyl. Phun theo hướng dẫn trên bao bì và phun vào mặt dưới của lá.

Đảm bảo thời gian cách ly để sản phẩm an toàn với người tiêu dùng.

(Liên hệ với chúng tôi)