Chuẩn bị tiêu thụ vải thiều năm 2017: Nâng giá trị, bù sản lượng

Năm nay, thời tiết bất lợi nên vải thiều giảm sản lượng. Nhiều người trồng vải, doanh nghiệp, cơ quan liên quan đang nỗ lực nâng chất lượng và chủ động trong khâu tiêu thụ. Nhân vụ thu hoạch vải thiều, phóng viên Báo Bắc Giang phỏng vấn ông Nguyễn Khanh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang về những giải pháp mở rộng thị trường, nâng cao giá trị trái ngọt này.

Ông Nguyễn Khanh.

Chỉ còn ít ngày nữa, vải thiều bắt đầu cho thu hoạch. Có ý kiến cho rằng, năm nay sản lượng trái cây này giảm nên sức ép tiêu thụ không lớn. Xin cho biết quan điểm của ông?

Vải thiều mất mùa càng phải quan tâm chăm lo, làm tốt khâu tiêu thụ, nâng giá trị loại quả đặc sản này. Thường có câu “được mùa rớt giá, mất mùa được giá”, nhưng người làm công tác xúc tiến thương mại luôn mong muốn dù được hay mất mùa thì việc bán vải luôn diễn ra thuận lợi và giá cao. Dự báo năm nay, sản lượng vải thiều toàn tỉnh khoảng 100 nghìn tấn, giảm khoảng 40 nghìn tấn so với năm trước. Chúng tôi đề nghị các ngành, địa phương, doanh nghiệp cùng chung sức lo đầu ra cho vải thiều năm nay được giá hơn, bù lại sản lượng hụt để người dân vẫn có thu nhập cao từ cây vải.

Là đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức các hội nghị quảng bá, xúc tiến tiêu thụ vải thiều, năm nay Trung tâm có những cách làm sáng tạo như thế nào để hoạt động này mang lại hiệu quả cao, thưa ông?

Các hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều:

- Ngày 27-5, Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại TP Bắc Giang.

- Ngày 8-6, Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại Quảng Tây (Trung Quốc).

- Ngày 16-6, khai  mạc Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn tại Hà Nội.

- Chúng ta thường tổ chức các hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại “thủ phủ” trái cây Lục Ngạn, tại TP Hồ Chí Minh là đầu mối cung ứng cho miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ, ở Lạng Sơn và Lào Cai vì có các cửa khẩu xuất vải thiều sản lượng lớn. Năm trước, UBND tỉnh còn tổ chức “Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn tại Hà Nội” mang dấu ấn đậm nét, kích thích việc cung ứng và tiêu thụ vải thiều tại Thủ đô. 

Rút kinh nghiệm và phát huy kết quả đó, năm nay, chúng tôi tham mưu cho tỉnh sẽ tổ chức xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại TP Bắc Giang thay các hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều trong nước. Sau đó tổ chức một hội nghị tại thị xã Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) tiếp giáp Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn), đồng thời tiếp tục có tuần lễ vải thiều tại Hà Nội nhưng thời gian kéo dài, kết nối với các siêu thị chặt chẽ hơn. Việc thay đổi địa điểm tổ chức nhằm quảng bá, thông tin tới các doanh nghiệp của nước bạn quan tâm tới vải thiều Bắc Giang nhưng chưa có điều kiện tới Bắc Giang hoặc chưa tiếp xúc trực tiếp với đại diện các cơ quan chức năng của tỉnh, doanh nhân Bắc Giang để có thêm cơ hội giao thương.  

Ông dự báo nhu cầu tiêu thụ cũng như việc cung ứng vải thiều năm nay ra sao? 

- Nhu cầu sử dụng vải thiều ngày càng cao. Các thị trường xuất khẩu mà chúng ta đã cung ứng tiếp tục được duy trì. Nhu cầu tiêu dùng ở một số vùng, miền trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn còn rộng mở, còn có thể khai thác nhiều hơn. Vải thiều Trung Quốc chín muộn hơn ở Việt Nam khoảng một tháng nên không bị cạnh tranh lớn. Năm nay có thuận lợi là cửa khẩu Hà Khẩu cho phép các xe ô tô lớn chở vải có thể qua đây, không phải dỡ xuống xe đẩy, xe con mới được thông thương như trước, vì thế việc xuất khẩu nhanh hơn, đỡ tốn chi phí, giá trị quả vải thiều nâng lên. Chúng ta vẫn kỳ vọng nhiều vào tiêu thụ trong nước, giảm sức ép xuất khẩu qua đường tiểu ngạch.

Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn tại Hà Nội năm 2016 tạo dấu ấn đậm nét với doanh nghiệp, người tiêu dùng.

Nhiều năm tham gia tiêu thụ vải thiều, ông nhận thấy chúng ta có những hạn chế nào cần khắc phục?

- Trước tiên vẫn là chất lượng vải thiều! Muốn bán hàng tốt, được giá cao thì hàng đó phải bảo đảm chất lượng, mẫu mã, bao gói đẹp. Vì vậy, người trồng vải cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật để có vải thiều ngọt, trái đồng đều, màu sắc hấp dẫn mang đặc trưng sản phẩm của Bắc Giang, đủ các thủ tục chứng nhận hàng hóa tốt, truy xuất nguồn gốc. Khâu thu hoạch cũng như bao gói sản phẩm làm đúng theo hợp đồng với đối tác. 

Thực tế cho thấy, một số hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối thu mua vải thường để độ dài cuống chùm vải dài, thậm chí “đấu trộn” vải chất lượng kém hơn hoặc vải nơi khác với vải thiều Lục Ngạn để thu lợi nhưng cách này là vi phạm hợp đồng. Cũng có trường hợp chọn đối tác không cẩn trọng dẫn đến bị ép giá, thanh toán không sòng phẳng, mất “cả chì lẫn chài”. Cần chọn khách hàng tin tưởng, đối tác truyền thống đã làm ăn lâu dài mới bền, đủ độ tin cậy, tránh tình trạng đối tác trả giá cao thấy “hời” hai, ba chuyến, chuyển hẳn sang cung ứng cho họ nhưng chuyến sau mất cảnh giác liền bị “bùng”.

Chúng ta đã có kinh nghiệm tiêu thụ vải thiều nhiều năm với sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Mùa vải năm nay tuy không lợi về sản lượng nhưng hy vọng giá trị, doanh thu từ trái ngọt này mang lại không giảm, người trồng vải luôn mặn mà với cây “vàng” này! 

Cảm ơn ông!

Ông Cao Văn Hoàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn:

Do mùa đông ấm, vải thiều năm nay ít quả, ảnh hưởng tới thu nhập người trồng vải. Tuy nhiên sản lượng vải thiều Lục Ngạn dự kiến không dưới 50 nghìn tấn. Trong điều kiện khó khăn như vậy, chúng tôi tập trung chỉ đạo sản xuất bảo đảm nâng cao chất lượng quả, áp dụng rộng quy trình VietGAP, GlobalGAP để nâng giá trị cho trái ngọt này. Huyện sẽ xây dựng kế hoạch, phân công rõ nhiệm vụ của các ngành, đơn vị, xã, thị trấn để giúp bà con tiêu thụ vải thiều. Mong rằng, vải mất mùa nhưng giá cao, người trồng vải có thu nhập ổn định.   

Ông Lê Sĩ Hiển, Giám đốc Điều hành vùng miền Bắc Big C:

Năm ngoái, Big C đã phối hợp với Bắc Giang đưa vải thiều Lục Ngạn vào hệ thống siêu thị rất hiệu quả và mong tiếp tục cung cấp sản phẩm này. Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng, nhất là ở phía Nam biết đến vải thiều Bắc Giang nhiều hơn. Khi chúng ta xây dựng được hình ảnh, thương hiệu cho sản phẩm sẽ dễ chiếm cảm tình và giữ vị trí trong giỏ hàng người tiêu dùng. Cùng với nâng chất lượng quả vải, các thương nhân, DN cần tính việc vận chuyển tới các siêu thị nhanh nhất vì trái vải để lâu sẽ xuống mã. Bao bì bắt mắt, chất lượng tốt, hình thức đẹp chắc chắn tiêu thụ thuận lợi. 

Ông Nguyễn Văn Thiết, đại diện Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ vải thiều sớm Phúc Hòa (Tân Yên):

Để vải thiều sớm dễ bán, chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương quan tâm tu sửa đường giao thông, bảo đảm tránh ùn tắc, tăng cường an ninh trật tự trong vụ thu hoạch. Vải thiều sớm chín trong khoảng thời gian rất ngắn nên thông tin về giá cả, thị trường cũng phải nhanh chóng, chính xác. Năm trước, có thời điểm trên mạng xã hội thông tin phải giải cứu cho vải sớm Phúc Hòa, thực tế tiêu thụ thuận lợi, được giá. Vì thế các cơ quan nhà nước, báo chí chính thống cần thường xuyên đưa tin về giá vải thiều để người sản xuất, tiêu thụ không bị thiệt hại.  

Ông Đinh Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Hùng Thảo (Lục Ngạn):

Doanh nghiệp chúng tôi chuyên sản xuất, thu mua và cung cấp các loại nông sản của Lục Ngạn, trong đó có vải thiều. Năm nay, sản lượng giảm nên dự báo giá vải thiều sẽ không dưới 40 nghìn đồng/kg. Để tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, đề nghị chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ làm tốt khâu lưu thông, phân luồng xe vận chuyển tránh ùn tắc, kiểm soát chặt chẽ các điểm cân, thông tin cho người dân về những điểm thu mua vải uy tín, tránh lợi dụng lúc cao điểm trừ cân, ép cấp khiến người dân thiệt hại.    

Cao Minh Ngọc/ Báo Bắc Giang (thực hiện)

(Tùng Linh APC - sưu tầm)