Đừng “giết” nông sản bằng tin đồn!

Anh Thơ  Thứ Hai, ngày 13/08/2018 06:10 AM (GMT+7)

(Dân Việt) Nhãn Hưng Yên, Sơn La đang vào vụ, được mùa lớn, sản lượng tăng đột biến, việc tiêu thụ được địa phương và người dân đặc biệt quan tâm. Vậy nên, việc xuất hiện thông tin thất thiệt “nhãn nhúng lưu huỳnh” trên một số trang tin điện tử khiến nhiều người bức xúc, bởi đằng sau con chữ vô tình, có thể là ảnh hưởng xấu đến những khu vườn sum suê trái ngọt đang chờ người thu hái.

·Cần phải luật hóa trách nhiệm thông tin, dự báo thị trường nông sản

·Nông dân điêu đứng với tin đồn thất thiệt về giá nông sản

Tin “bẩn” đầu vụ

Ngay trước thời điểm Hưng Yên và nhiều tỉnh phía Bắc chuẩn bị bước vào thu hoạch nhãn thì một số trang tin điện tử giật lên trang nhất những bài báo, với lời lẽ có thể khiến người tiêu dùng có thể quay lưng với loại đặc sản có một không hai của Phố Hiến, kiểu như: Hoang mang “nhãn nhúng lưu huỳnh”…

Rất tiếc, đây là những thông tin được “xào” lại từ một bài báo cũ, từ mùa nhãn… năm 2016 và người tổng hợp lại chắc không biết thông tin, sau khi tìm hiểu kỹ thông tin, phóng viên viết bài đó đã phải xin lỗi doanh nghiệp vì những thiệt hại mà những thông tin thất thiệt đã gây ra cho họ.

Khi nhắc lại sự cố “không đáng có” chỉ vì sự vô tình của ngòi bút, ông Vũ Tiến Nam - Giám đốc Công ty TNHH Organic (Hưng Yên) cho biết, thông tin “nhãn nhúng lưu huỳnh” vào mùa nhãn năm 2016 đã khiến doanh nghiệp của ông “sống dở chết dở”.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và ông Nguyễn Văn Phóng - Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên (phải) cùng trao đổi về kế hoạch tiêu thụ nhãn. Ảnh: Anh Thơ

“Chỉ có 2 từ trong một bài báo không được cắt nghĩa rõ ràng đã khiến những người sản xuất, kinh doanh nhãn Hưng Yên năm đó lao đao. Công nghệ bảo quản nhãn tôi mua của một chuyên gia uy tín, có tích hợp cả công nghệ của Úc. Áp dụng công nghệ này, tôi đã đưa 2 công nhãn vào TP.HCM, xuất khẩu sang Mỹ rất thuận lợi. Sau đó, có một bài báo nói tôi dùng lưu huỳnh để xông và hun bảo quản nhãn. Thực tế, xông hay hun là cách làm thủ công, giờ không ai áp dụng, còn công nghệ của tôi là sử dụng lưu huỳnh để bảo quản sinh tiết khô, công nghệ này đã được giám định đảm bảo chất lượng và an toàn với người tiêu dùng”, ông Nam cho biết.

Tất nhiên, năm đó hoạt động kinh doanh, xuất khẩu nhãn của ông Nam và nhiều đơn vị khác ở Hưng Yên bị thiệt hại đáng kể, mọi giao dịch bị chững lại, khiến những nông dân tham gia chuỗi liên kết cũng lao đao.

Chính vì vậy, ngay khi thông tin “nhãn nhúng lưu huỳnh” xuất hiện trở lại trên mạng vào đầu vụ nhãn 2018, nhiều người đã vô cùng “nóng mặt”. Bởi vào thời điểm nhạy cảm này, khi mà nhãn được mùa lớn, sức ép tiêu thụ gia tăng, chỉ cần một thông tin thất thiệt cũng có thể khiến thành quả của nông dân trôi sông đổ biển. Rất may, trước sức ép của cộng đồng báo chí và dư luận, những bài báo đó đã biến mất.

Thời điểm này, dù sản lượng nhãn tương đối lớn nhưng việc tiêu thụ vẫn diễn ra tương đối thuận lợi nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền, ngành chức năng, doanh nghiệp và người dân. Nhãn ngon mua tại vườn giá vẫn đạt 30.000 đồng/kg.

Dùng công nghệ Nano cho nhãn

Ông Vũ Tiến Nam khẳng định, ngay cả thị trường Mỹ cũng chấp nhận việc sử dụng lưu huỳnh để xông chống nấm mốc nếu nằm dưới ngưỡng cho phép. Thực tế, doanh nghiệp của ông cũng đã áp dụng kỹ thuật này và xuất khẩu nhãn thành công.

Đồng quan điểm, ông Đặng Văn Xây - Giám đốc Hợp tác xã Nhãn lồng Hồng Nam, xã Hồng Nam (TP.Hưng Yên,

tỉnh Hưng Yên) cho biết, thị trường Mỹ vẫn chấp nhận nếu nằm dưới ngưỡng cho phép thì không thể gọi là độc hại.

“Nhiều vùng nhãn ở Hưng Yên được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP nên màu sắc đã đạt yêu cầu, rất sáng và tự nhiên, chúng tôi không cần dùng đến phương pháp này, nhưng nếu thị trường Mỹ chấp nhận thì rõ ràng nó phải là một kỹ thuật đã được nghiên cứu”- ông Xây nói.

Ông Nguyễn Văn Doanh - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hưng Yên cho biết, trên thực tế, loại nhãn IDO khi xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ, người ta có sử dụng lưu huỳnh để xông chống nấm mốc và cơ quan kiểm dịch của châu Âu, Mỹ vẫn có thể chấp nhận nếu nằm dưới ngưỡng cho phép là 0,02%.

“Dù việc xông khói lưu huỳnh để chống nấm mốc là một kỹ thuật được phép sử dụng nếu dưới ngưỡng cho phép, nhưng ở Hưng Yên không có chuyện nông dân và doanh nghiệp nhúng trái nhãn vào lưu huỳnh để bảo quản, cho mã đẹp.

Trong canh tác nhãn, nông dân trong tỉnh đã áp dụng công nghệ Nano. Cụ thể, bà con sử dụng phân bón Nano bạc, các chế phẩm sinh học được đánh giá an toàn cho người sử dụng, không gây ô nhiêm môi trường, không tiêu diệt các thiên địch có ích, nông sản đạt các tiêu chí cơ bản như: Sạch, không có tồn dư kim loại nặng và vi sinh, mã quả sáng bóng, đẹp”- ông Doanh khẳng định.

Cũng theo ông Doanh, phân bón Nano bạc giúp tiêu diệt các loại vi khuẩn, virus, nấm gây bệnh trên cây nhãn nhờ lớp màng mỏng được tạo nên trên bề mặt sản phẩm, giúp cách ly, ngăn cản vi khuẩn tấn công, giúp giữ gìn chất lượng và kéo dài thời hạn sử dụng trong điều kiện tự nhiên mà hoàn toàn không có tác động xấu của hóa chất độc hại.

“Đây được coi là giải pháp hướng đến nông nghiệp sạch, thay thế hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần hình thành một nền sản xuất nông nghiệp bền vững”- ông Doanh nói. 

Dù việc xông khói lưu huỳnh để chống nấm mốc là một kỹ thuật được phép sử dụng nếu dưới ngưỡng cho phép, nhưng ở Hưng Yên không có chuyện nông dân và doanh nghiệp nhúng trái nhãn vào lưu huỳnh để bảo quản, cho mã đẹp. Trong canh tác nhãn, nông dân trong tỉnh đã áp dụng công nghệ Nano, được đánh giá an toàn cho người sử dụng, không gây ô nhiêm môi trường...”.
Ông Nguyễn Văn Doanh

***