Khấm khá nhờ trồng cây mã đề

Thâm canh cây dược liệu mã đề đã nhàn hạ, hiệu quả sản xuất cao gấp 4 lần trồng lúa. Đây là cây giảm nghèo bền vững cho hàng trăm nông dân Hưng Yên.

Bà con phơi hạt bông mã đề.

Bà con phơi hạt bông mã đề.

- Cô Nga ơi, hôm nay bán Mã đề được bao tiền một ký?

- Em cân khô 80.000 đồng 1 kg hạt, 30.000 đồng 1 kg cuộng bông (đã tách hạt), 20.000 đồng 1 kg lá. Mỗi ngày lên một giá chị ạ.

- Vào “cầu” quá còn gì!

- Vâng, từ ngoài tết đến giờ, 5 sào mã đề của em hái được hai tạ tư vừa cuộng vừa hạt, họ trả ngót 11 triệu đồng. Nhà này có hơn sào cũng bỏ túi được trên 2 triệu đồng rồi.

Chẳng bù cho năm ngoái, các “mẹ” ấy nâng lên đặt xuống, chê ỏng chê eo, dè bửu đủ thứ. Năm nay thì có bao nhiêu cũng mua tất, không kén cá chọn canh gì sất. Nhiều nhà còn được đặt tiền giữ mối gom hàng trước, kẻo người khác “hốt” mất.

Trên đây là đoạn thoại giữa các nhà nông tại cánh đồng trồng cây mã đề của thôn 11, xã Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên, mà chúng tôi mới ghi nhận được.

Trở lại làng nghề trồng và chế biến dược liệu Nghĩa Trai, Tân Quang, Văn Lâm (Hưng Yên), tôi cũng thấy ông Lê Văn Thành thẫn thờ tiếc nuối: “Nhà này mà duy trì trồng 3 sào mã đề như những năm trước thì ăn to. Giá bán lại được cao hơn nhiều so với khu vực khác, vì xuất trực tiếp được cho các cơ sở bao tiêu, chế biến tại làng”.

Vẫn ông Thành cho biết: Cây mã đề còn gọi mã tiền á hay xa tiền thảo là cây trồng truyền thống của làng. Có thể gieo hạt hoặc trồng nhánh tách ra từ gốc mẹ.

Là cây ưa ẩm, thích hợp với các chân ruộng đất thịt nhẹ pha cát. Cơ bản trồng được quanh năm, nhưng thời vụ chính nên bắt đầu từ tháng 7-12 âm lịch hàng năm.

Sau gieo hạt khoảng 1,5 tháng sẽ ra hoa và cho thu hoạch. Bộ phận thu hái chính là bông/cành hoa đã chín, sau phơi khô tách hạt và cành để bán riêng từng loại. Bình thường thì các lá trên cây sẽ bỏ lại trên ruộng. Gặp những năm đắt như năm nay, lá mã đề thương lái cũng thu mua.

Bà Lê Thị Hoa ở xã Trưng Trắc, Văn Lâm bật mí: Như mọi năm, bình quân 1 sào mã đề từ trồng đến kết thúc thu hoạch (gần 1 năm) được gần 8 triệu đồng. Năm nay giá mã đề cao thế này, chắc sẽ được gấp đôi (hơn 15 triệu đồng).

Làm cỏ cho ruộng mã đề.

Làm cỏ cho ruộng mã đề.

Chị Đào Thị Xinh cùng xã Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên cũng vồn vã cho hay: Năm nào chị cũng trồng 2 sào mã đề. Định kỳ 7-10 ngày thu hái 1 lứa, tùy thời vụ. Sau mỗi lứa rắc cho 2-3 kg NPK/sào. Tưới nước giữ ẩm thường xuyên. Chờ cây vươn hoa, già hạt lại thu hái tiếp.

Chị Xinh còn cho biết thêm: Nhìn chung trồng và chăm sóc cây mã đề không khó. Vì được coi là một loại cỏ. Nên bông hoa mã đề cũng phát triển nhanh như cỏ. Dịch hại cần chú ý sương mai, phấn trắng, rệp muội và sâu ăn lá, các đối tượng này không xuất hiện thường xuyên, chỉ phát sinh rải rác theo lứa, theo mùa, phun phòng một lần là có thể yên tâm suốt vụ. Cơ bản chỉ tốn công thu hái. Nhưng được cái có tiền quanh năm. Tiêu pha không phải “nghĩ”.

Chủ cơ sở mua gom và chế biến dược liệu ở làng nghề Nghĩa Trai - Đỗ Thị Hoa tiết lộ: Riêng hạt mã đề mỗi năm cơ sở của em có thể bao tiêu được 5 tấn.

Đây là cây Nam dược của Việt Nam. Trung Quốc không có cây này. Có thể bên đó họ chưa hoặc không trồng. Vì vậy giá nông mã đề tương đối ổn định. Tuy nhiên khi mở rộng diện tích gieo trồng, vẫn phải dự báo cung, cầu. Tránh phát triển quá nóng, để khỏi phải bán rẻ như cho.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên – Nguyễn Văn Kiên: Diện tích trồng mã đề toàn tỉnh gần 20ha, tập trung chủ yếu ở làng nghề trồng và chế biến dược liệu Nghĩa Trai và khu vực phụ cận. Sản lượng thu hoạch hàng năm ước đạt 120 tấn bông hoa khô chưa tách hạt. Giá trị hơn 5 tỷ đồng.

“Bông mã đề có tác dụng phát tán phong nhiệt, giải uất. Công dụng chủ trị ngoại cảm phong nhiệt phát sốt, hơi rét, nhức đầu, tức ngực, khó chịu. Cây bông mã đề còn chữa được nhiều bệnh về thận nói riêng, đường tiết liệu nói chung”, theo cuốn Y học Cổ truyền Việt Nam.

Hải Tiến