Kiên Giang: Xâm nhập mặn tăng cao, hơn 1.200ha lúa bị thiệt hại

Do tình hình lượng mưa năm nay ít cộng thêm nước mặn xâm nhập sớm nên diện tích lúa đông xuân ở 1 số địa bàn các huyện An Biên, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng tỉnh Kiên Giang bị ảnh hưởng nhiều.

Lúa đông xuân muộn của bà con trên 1 số địa bàn tỉnh Kiên Giang bị thiệt hại do hạn, mặn. Ảnh: PV

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, từ đầu tháng 3.2021, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tăng cao, đã có hơn 1.234ha lúa bị nhiễm mặn. Trong đó, thiệt hại trên 70% tập trung ở 1 số xã trên địa bàn huyện An Biên, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng.

Đặc biệt với địa bàn huyện U Minh Thượng, hiện lúa của bà con đang trong giai đoạn đòng trổ nhưng xảy ra hạn, mặn vì thế lúa không trổ được, xem như mất trắng.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp huyện U Minh Thượng có gần 900 ha lúa đông xuân muộn bị thiệt hại nghiêm trọng. Phần lớn diện tích thiệt hại này là của bà con nông dân sản xuất tự phát không nằm trong vùng quy hoạch cũng không gieo sạ đúng lịch thời vụ được ngành chuyên môn khuyến cáo.

Hiện nay lúa trong tình trạng chết dần chết mòn vì hạn, mặn. Chỉ 1 số diện tích gần đến ngày thu hoạch thì nông dân cố gắng vớt vát phần nào còn đối với những ruộng gieo sạ quá trễ đang giai đoạn đòng trổ thì không thể cứu vãn.

Theo nhiều nông dân cho biết vì ảnh hưởng mưa bão từ đợt trước nên đồng ruộng bị ngập kéo dài quá lâu dẫn đến việc sạ vụ 3 bị trễ.

Ông Nguyễn Văn Hòa, nông dân huyện U Minh Thượng cho biết: “Khi nước mặn xâm nhập nông dân không bơm tưới được nên lúa bị khô hạn. Cũng biết mấy năm rồi bị mặn nên các hộ đã gieo trồng những giống lúa chịu mặn được nhưng mà không ngờ độ mặn năm nay quá lớn nên lúa không chịu nổi”.

Lúa chết khô dần do thiếu nước và bị xâm nhập mặn. Ảnh: PV

Theo Phòng NN&PTNT huyện U Minh Thượng khu vực thiệt hại này đã liên tục bị nhiều năm vào thời điểm gần cuối vụ.

Ông Phạm Duy Tân, Phó trưởng Phòng nông nghiệp huyện chia sẻ: “Phòng nông nghiệp huyện cùng với các trạm đã khuyến cáo bà con không nên gieo sạ nhưng do bà con nông dân đã chủ quan với tình hình diễn biến thời tiết dẫn đến thiệt hại như hiện nay”.

Trước đó, Kiên Giang đã chủ động trong công tác phòng, chống hạn mặn, nên ngay từ đầu tháng 2.2021, Sở NN&PTNT Kiên Giang đã phối hợp với Ban quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 10 (Bộ NN&PTNT) vận hành tạm thời cống Cái Bé ngăn mặn, giữ ngọt, bảo vệ sản xuất và nước sinh hoạt trong khu vực.

Tình hình cấp nước trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, tuy nhiên 1 số địa phương vẫn không tránh khỏi tình trạng thiệt hại này do gieo sạ quá trễ.

Nguyên Anh (Báo Lao Động)