Lao đao cây điều ở Tri Tôn

Vùng biên giới huyện Tri Tôn (An Giang) có vùng trồng điều khá lớn. Tuy nhiên, hiện cây điều ở đây đang vô cùng khó khăn.

Về vùng điều Tri Tôn (An Giang), không còn bắt gặp những rừng điều trĩu quả, tỏa mùi thơm phức dọc theo các tuyến đường của vùng Thất Sơn – Bảy Núi (An Giang). Thay vào đó là những gốc điều xơ xác do thiếu chăm sóc và sự lo âu của nhiều nông dân bởi đang rơi vào tình cảnh “bỏ thì thương, vương thì khổ”.

Ông Chau Côn, ngụ xã Núi Tô, huyện Tri Tôn nói với vẻ tiếc nuối: “Tôi đã gắn bó với cây điều trên 40 năm qua, nhưng giờ đành phải đốn bỏ vườn điều bởi đâu có ai đến mua như trước. Tôi đang phân vân nên trồng cây gì cho ổn định lâu dài và có giá trị kinh tế cao, nhưng hiện chưa xác định được. Không chỉ có riêng tôi mà hàng trăm nông dân An Giang cũng rơi vào tình cảnh tương tự”.

cây điều nông dược việt nam

Người trồng điều ở Tri Tôn (An Giang) ngày càng khó khăn. Ảnh: AT.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, địa phương có diện tích trồng điều lớn tại huyện Tri Tôn là các xã như An Tức, Lương Phi, Núi Tô, Ô Lâm... Một số huyện khác của tỉnh An Giang cũng có trồng điều nhưng diện tích ít hơn như các huyện Thoại Sơn, Tịnh Biên...

Nhiều người còn trồng xen điều cùng với xoài cát núi để tăng thu nhập, một số người khác trồng xen cây cổ thụ để lấy gỗ nhưng nguồn kinh tế chủ lực vẫn là cây điều. Về nguồn gốc, đa phần điều tại đây có nguồn gốc từ Ấn Độ do Kiểm lâm An Giang cung cấp và giống của chủ rừng tự mua về trồng. Diện tích trồng ban đầu toàn huyện trên 1.000 ha nhưng nay chỉ còn trên 150 ha và con số này sẽ giảm dần bởi sự quay lưng của người trồng.

Điều là loại cây có khả năng thích nghi với đất đồi núi, khô hạn, lại tạo được thu nhập cho nông dân từ nguồn hạt điều được xuất khẩu. Vì vậy loại cây này được chọn để phát triển kinh tế và phủ xanh đồi trọc của tỉnh An Giang nói chung, huyện Tri Tôn nói riêng. Tuy nhiên bên cạnh việc tiêu thụ ngày càng khó khăn, tình hình hạn hán, cùng với vườn điều già cỗi khiến năng suất điều ngày càng thấp.

Ông Kim Sung, ngụ xã An Tức (huyện Tri Tôn) trồng 30 công điều (mỗi công là 1.000 m2) cho biết: Trước đây, mỗi năm gia đình ông thu hoạch từ 1 đến 2 tấn hạt điều, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Cứ đến mùa thu hoạch, thương lái tìm đến đặt hàng liên tục, có lúc ông phải đi gom hàng từ những nơi khác để đủ số lượng giao cho khách hàng. Tuy nhiên theo đánh giá của ông, hiện sản lượng điều tại địa phương đã giảm đến 60%, giá bán giảm khoảng 40% nhưng gần như vắng bóng thương lái tới thu mua.

cây điều nông dược việt nam

Điều là cây trồng từng một thời giúp người dân ở Tri Tôn (An Giang) làm giàu, nhưng nay đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: AT.

Cùng nỗi lo, ông Chau Dênh, ngụ xã Lương Phi (huyện Tri Tôn) kể: Mấy năm trước, giá hạt điều tươi giao động từ 22.000 đến 25.000 đồng/kg, giờ chỉ còn xấp xỉ 15.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thuê nhân công hái trái, bẻ hạt tăng từ 180.000 đồng/người/ngày lên 250.000 đồng/người/ngày nhưng không tìm được nhân công.

Gia đình ông phải nhờ cả người thân từ Vĩnh Long sang hái trái, nhưng càng hái càng lỗ, mà không hái cũng không xong. Cùng với đó giá phân bón, thuốc BVTV, vật tư nông nghiệp khác cũng gia tăng liên tục. Chưa bao giờ người trồng điều lại thua lỗ như hôm nay.

Khó khăn chồng chất khi 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã khiến việc xuất khẩu hạt điều gặp rất nhiều khó khăn, càng khiến tình hình tiêu thụ điều ở Tri Tôn thêm ảm đạm, nhiều nông dân thua lỗ. Hiện tại có rất nhiều người đã đốn bỏ cây điều để thay thế bằng những loại cây vừa phù hợp với thổ nhưỡng đồi núi, nắng gió miền biên giới, lại vừa có thu nhập ổn định, thời gian trồng tương đối ngắn hơn.

Cụ thể là cây tầm vông phục vụ cho các làng nghề nướng tre truyền thống của huyện Tri Tôn; trồng xoài cát Hòa Lộc, xoài cát núi; trúc, tre... cung ứng cho người làm sản phẩm thủ công; bưởi ghép với xoài cát, xoài thanh ca...

Dù các địa phương đang hết sức cố gắng hỗ trợ người trồng điều để vượt qua khó khăn trước mắt nhưng xem ra vẫn chưa có nhiều tín hiệu lạc quan. 

Phan Anh Thư