Lo lắng sức khỏe ngành điều, Thứ trưởng bộ NNPTNT ra 'tối hậu thư'

"Sau mùa vụ thiệt hại nặng nề do thời tiết cực đoan và sâu bệnh, nếu ngành điều không gấp rút tổ chức lại sản xuất sẽ tiếp tục mất trắng ở mùa vụ tiếp theo" - Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cảnh báo như thế tại hội nghị thúc đẩy thâm canh điều bền vững tổ chức tại TP.HCM ngày 28.10.

Thứ trưởng Doanh cho rằng không có ngành nào mỗi năm xuất khẩu hàng tỷ đô mà lại phải nhập tới 2/3 nguyên liệu để sản xuất như ngành điều, chỉ bởi vùng nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng được bao nhiêu. Dư địa phát triển diện tích trồng điều trong nước mặc dù còn rất lớn, nhưng biến đổi khí hậu ngày càng thất thường và các vùng nguyên liệu nước ngoài đang nỗ lực trỗi dậy khi tăng cường cho công nghệ chế biến, là một thách thức cho ngành điều trong nước.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh ra “tối hậu thư” gấp rút tổ chức lại ngành điều. Ảnh: Nguyên Vỹ.

Theo Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), ngành điều trong nước chưa từng chứng kiến tình trạng khó khăn như mùa vụ 2017 khi năng suất, sản lượng đều giảm kỷ lục, dù các số liệu thống kê chưa thật sự chuẩn xác.

Nhiều địa phương dù đã chủ động giảm thiểu rủi ro do mưa trái mùa và sâu bệnh, nhưng diện tích phục hồi chưa hoàn toàn; vùng diện tích hư hại nặng lại tập trung nhiều ở các địa bàn hẻo lánh, nơi đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên việc khắc phục những diện tích trồng điều này rất hạn chế...

Sau khi chia sẻ khó khăn của bà con nông dân sau vụ mùa thất bát, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã đặt ra hàng loạt mốc hạn định, đề nghị các ban, ngành từ trung ương đến địa phương khẩn trương hoàn thành, nhất là khi mùa vụ mới sắp bắt đầu.

Giải pháp nào để mùa vụ 2018 không lặp lại tình cảnh tương tự được nêu ra? Đích thân Thứ trưởng Doanh cũng sốt ruột đề ra một loạt đề nghị cần làm gấp.

Cụ thể, với các địa phương cần có biện pháp chỉ đạo cụ thể, sâu sát hơn nữa, thậm chí "cầm tay chỉ việc" cho nông dân kỹ thuật trồng và chăm sóc điều. Địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ kịp thời và phù hợp cho nông dân bị thiệt hại nặng; tập trung cho các địa bàn vùng sâu, xa; các nơi đất đai cằn cỗi, đồi dốc và bà con dân tộc thiểu số còn nghèo khó.

Với Cục trồng trọt, Thứ trưởng chỉ đạo phải phối hợp với Vinacas, Cục bảo vệ thực vật, Viện Khoa học kỹ thuật miền Nam sớm tổ chức đoàn đi khảo sát thực tế, đánh giá cụ thể, toàn diện thiệt hại, những diện tích chưa phục hồi hoàn toàn để có biện pháp khắc phục và báo cáo trước ngày 10.11.

Cây điều trong nước bước qua một mùa vụ thiệt hại nặng nề chưa từng thấy năm 2017. Ảnh: Nguyên Vỹ.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT  yêu cầu Cục Trồng trọt phải chủ trì hoàn thiện quy trình chăm sóc vườn điều trước ngày 5.11; sau đó chuyển giao cho Trung tâm Khuyến nông Quốc gia in ấn tài liệu phát thẳng xuống địa phương cho nông dân.

Bộ phận nghiên cứu cũng cần tham khảo, kết hợp những kinh nghiệm quý giá từ chính nông dân trong thực tiễn. Các ý kiến đóng góp như tăng cường bón phân kali để cứng lá vì đang mưa nhiều; hay không đốt bỏ lá khô mà ủ men vi sinh làm phân bón hữu cơ… là hết sức đáng quý.

Việc tuyên truyền, tập huấn cho nông dân ngay tại vườn điều phải làm nhiều ngày, nhiều lần để nông dân nắm bắt vì thực tế, kỹ thuật chăm sóc, tạo tán của nông dân chưa đúng, làm ảnh hưởng tới sức khỏe vườn điều.

Cục trồng trọt gấp rút công nhận giống tốt, giống mới để báo cáo Bộ NNPTNT trước ngày 31.12 vì công tác này diễn tiến quá lâu.

Kỹ thuật ghép cải tạo hay tái canh mới cũng cần nhanh chóng được đánh giá tổng kết vì hiện còn nhiều ý kiến khác nhau về hiệu quả của việc trồng điều. Từ đó chỉ ra cụ thể vùng nào, vườn nào thích hợp với từng kỹ thuật riêng. Trước đó, tình trạng giao đất thì nhiều nhưng việc triển khai còn chậm.

Nhờ áp dụng kỹ thuật và chăm sóc tốt, nhiều nông dân thu hoạch điều năng suất cao ngay trong đợt thời tiết cực đoan vừa qua được Bộ NNPTNT tuyên dương trong hội nghị. Ảnh: Nguyên Vỹ

Cục Bảo vệ thực vật cho tới các chi cục, trạm ở từng địa phương cũng phải nhanh chóng bổ sung công cụ, quy trình, hành lang pháp lý để hỗ trợ cho nông dân trồng điều và không chủ quan trước mọi tình huống. Năng lực, số lượng cán bộ ở một số địa phương còn hạn chế, Cục Bảo vệ thực vật cần chủ động phối hợp các hiệp hội, doanh nghiệp hỗ trợ cho các địa bàn khó khăn.

Với Vinacas, Thứ trưởng đề nghị hiệp hội và doanh nghiệp có thêm nhiều biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho các vùng nguyên liệu. Phải tổng hợp sức mạnh chung nhiều bộ phận, thống nhất với Bộ NNPTNT kế hoạch triển khai quyết liệt mới giải quyết được vấn đề. Các doanh nghiệp cần liên kết nhiều hơn nữa với nông dân để xây dựng, củng cố vùng nguyên liệu.

Các Viện nghiên cứu tiếp tục chủ động với các địa phương để đưa các đề tài, đề án xuống tận tay nông dân. Hiệu qủa nghiên cứu phải được tính bằng năng suất thực tế chứ không phải dừng lại ở mức hoàn thành mô hình theo dự toán ngân sách.

Bản thân bộ NNPTNT cũng đang cân đối ngân sách và tích cực vận động các nguồn vốn ODA từ Ngân hàng Thế giới cho ngành điều trong nước.

Triển vọng của ngành điều rất tốt. Trong khi các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu từ các nước xa xôi thì trong nước, sức khỏe cây điều suy giảm là điều rất đáng lo ngại. Chia sẻ khó khăn với bà con nông dân sau thiệt hại vừa qua, Thứ trưởng khẳng định: “Không làm ngay từ bây giờ thì sẽ mất luôn mùa vụ tới. Trên cơ sở đó tiến tới thực hiện từng bước tái canh, thâm canh để nâng cao năng suất”.

Cũng tại hội nghị, Bộ NNPTNT đã trao băng khen tuyên dương 8 nông dân và Vinacas trao bằng khen thưởng 89nông dân sản xuất điều giỏi.

Nguyên Vỹ (Dân Việt)