Nâng cao hiệu quả quản lý giống cây trồng

Hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) giống cây trồng ở ĐBSCL đang phát triển sôi động, song tình trạng vi phạm bản quyền và Luật Sở hữu trí tuệ còn diễn ra khá phổ biến... 

Tham quan ruộng lúa giống tại Viện Lúa ĐBSCL.

Tại hội nghị “Thực trạng công tác quản lý giống cây trồng và đề xuất giải pháp trong thời gian tới tại các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL” do Cục Trồng trọt vừa tổ chức tại Sóc Trăng, đại diện Chi cục Trồng trọt-BVTV, thanh tra Sở NN-PTNT các tỉnh đã đề xuất các giải pháp để quản lý giống cây trồng hiệu quả.

Nhiều ý kiến cho rằng, hệ thống SXKD giống chưa đáp ứng được nhu cầu của nông dân cả về số lượng và chất lượng. Giống cây trồng ở ĐBSCL được SX, phân phối theo hai hệ thống chính, một là hệ thống giống chính quy (các viện, trường, trung tâm giống Trung ương và địa phương, DN). Giống được chế biến bằng máy móc, được đặt tên giống rõ ràng (qua khảo nghiệm, công nhận giống) và được bảo hành chất lượng. Hệ thống giống không chính quy là SX giống nông hộ.

Riêng SX lúa ở Nam bộ có đặc điểm khác biệt trong việc chọn tạo, SXKD và nông dân sử dụng giống lúa thuần. Từ những năm 2008 - 2010 ở vùng ĐBSCL hình thành hệ thống giống nông hộ gồm các HTX, tổ hợp tác, câu lạc bộ... SX rồi tự để giống, trao đổi, mua bán giống trong cộng đồng dân cư, hoặc ký kết hợp đồng liên kết SX giống cho các đơn vị thuộc hệ thống giống chính quy.

Năm 2018, 2019, tổng lượng giống lúa xác nhận 1 và giống tốt của hệ thống nông hộ đạt 330.000-350.000 tấn giống/năm và tỷ lệ sử dụng giống XN và giống tốt ở ĐBSCL ước đạt 60-65% trong tổng số hạt giống sử dụng khoảng 520.000 tấn giống/năm.

Dù vậy, với số lượng rất nhiều các đơn vị nhỏ lẻ, kinh doanh không chính quy, đã phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực. Điển hình một số vấn đề tồn tại trong SX và buôn bán giống như vi phạm bản quyền giống diễn ra khá phổ biến và khó kiểm soát, đặc biệt các giống chủ lực có bản quyền như Nàng Hoa 9, Đài Thơm 8, OM5451, ST24, RVT, OM18… Các DN SXKD đều thực hiện tự công bố hợp quy dẫn đến một số vấn đề tồn tại, có thể dẫn đến nguy cơ không sử dụng giống gốc (SNC và NC).

Theo Trung tâm Khảo nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Nam bộ, nhiều đơn vị chưa tuân thủ đúng quy trình kiểm định, lấy mẫu và gửi mẫu thử nghiệm. Sau khi công bố và được chấp nhận công bố hợp quy, nhiều đơn vị SXKD quy mô nhỏ không lấy mẫu hoặc thuê người lấy mẫu và gửi mẫu đến các phòng thử nghiệm để kiểm nghiệm chất lượng.

Mặt tồn tại này hiện chưa có cơ chế giám sát việc thực hiện tự công bố hợp quy của các đơn vị SXKD giống lúa, nhằm đảm bảo tính trung thực, khách quan. Trong khi đó các đại lý phân phối giống có ảnh hưởng chi phối đến người mua hạt giống. Có hiện tượng một số tiếp tay cho tổ chức cá nhân SXKD vi phạm bản quyền và cung ứng hạt giống không qua đánh giá chất lượng và công bố hợp quy. Đa số nông hộ SXKD giống chưa được kiểm soát chất lượng theo quy định hiện hành. Hiện cấp giống lúa XN2 không tồn tại trong hệ thống SXKD giống lúa ở Nam Bộ.

Theo ý kiến của nhiều đại biểu, hiện nay vướng mắc chung của một số địa phương là những bất cập trong công tác kiểm tra xử lý vi phạm. Trong đó đáng lo ngại và rắc rối là cơ sở kinh doanh giống nhưng không SX giống. Một số vụ buôn bán lúa giống nhưng đóng bao đựng lúa in trên bao bì là lúa lương thực gọi nên rất khó kiểm tra xử phạt. Nhiều cá nhân, tổ chức tham gia SX và cung ứng giống lại chưa có đủ điều kiện cơ sở vật chất, chưa nắm được quy định cấp giống nông hộ cũng như quy định kinh doanh hạt giống lúa các cấp…

Tiếp thu các ý kiến trên, Cục Trồng trọt đề xuất nhóm giải pháp về quy phạm pháp luật, trong đó cần tăng cường vai trò của các Hiệp hội, Hội giống cây trồng trong việc tổ chức SX, cung ứng đủ nguồn giống cây trồng đảm bảo chất lượng với giá hợp lý.

Đối với nhóm giải pháp về kỹ thuật, các địa phương chú trọng khuyến cáo nông dân áp dụng giảm lượng giống gieo sạ để giảm áp lực khối lượng giống cung cấp cho mỗi vụ SX và cả năm. Xây dựng và củng cố hệ thống nhân giống trong huyện, xã từ những HTX có năng lực, hợp tác với các DN SXKD đúng quy định pháp luật...

Theo Chi hội Thương mại Giống cây trồng ĐBSCL, toàn vùng có khoảng 1.400 cơ sở SX lúa giống, nhưng chỉ có 700 cơ sở có đăng ký quản lý, số cơ sở còn lại đang hoạt động trôi nổi, không quản lý được chất lượng. Trong số các đơn vị có đăng ký hoạt động SX và cung ứng lúa giống thì chỉ có khoảng 1/3 đơn vị đến Viện Lúa ĐBSCL liên hệ tìm mua giống gốc.

HỮU ĐỨC