Nông dân phấp phỏng vào vụ hồ tiêu mới

Nếu như những năm trước, nông dân thường hồ hởi bước vào vụ thu hoạch hồ tiêu bởi đồng nghĩa họ sẽ có hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng trong tay thì hiện nay, họ đang phải lo sốt vó với nhiều yếu tố bất lợi.

Năng suất thấp và nấm bệnh

Hồ tiêu mất mùa, rớt giá, lại bị chết hàng loạt vì nấm bệnh đã khiến nông dân không có được niềm vui của mùa thu hoạch.

Khi được hỏi về tình hình thu hoạch hồ tiêu, ông Phạm Văn Hòa, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước thở dài và kêu “chán lắm!”. Dẫn khách ra thăm vườn, ông Hòa đưa tay vạch những cành lá tươi tốt nhưng chỉ lưa thưa vài chuỗi trái rồi ngán ngẩm cho biết, những năm trước, khu vườn hơn 1.700 trụ tiêu này bình quân mỗi trụ thu được hơn 3 kg hạt tiêu khô/ vụ. Với tình hình hiện nay, việc chỉ thu được 0,5kg/ trụ xem ra còn khó.

Cùng thời điểm này mùa vụ trước, nhà ông Hòa đã thuê đến 5 nhân công hái tiêu. Nhưng hiện nay, việc thu hái chỉ do vợ và cô con gái ông đảm nhiệm. “Tiêu chín không hái thì không được nhưng hái thì chẳng bõ công”, ông Hòa nói.

Hàng xóm của ông Hòa là ông Lâm Văn Tiến cho biết, vườn tiêu gần 2.000 trụ của gia đình ông cũng trong tình trạng tương tự. Người nông dân này nói rằng đó là tình hình chung của mùa vụ hiện nay. Mặc dù vậy, ông Tiến bảo rằng dù sao mình vẫn còn có thể hy vọng vào vụ mùa sau, còn với những nông dân có vườn tiêu bị chết do nấm bệnh hoành hành thì đó mới là thê thảm nhất khi công sức lẫn chi phí bỏ ra đầu tư bao năm đã mất trắng.

Không riêng gì Bình Phước, ở các tỉnh khác như Đồng Nai, Đăk Nông, Đăk Lăk và Gia Lai, các vườn tiêu cũng bị sụt giảm năng suất mạnh. Theo các nông dân, do năm 2017 lượng mưa quá nhiều, họ không thể tiến hành cắt nước nhằm kích hoa cho hồ tiêu. Vì vậy, ngoại trừ những vườn tiêu tơ vừa cho trái năm đầu tiên ít bị ảnh hưởng, những vườn đã cho thu hoạch nhiều năm thì gần như đều bết bát.

Mức sụt giảm phổ biến 45-85%. Những vườn trồng bằng giống tiêu Ấn Độ năng suất bị tác động ít hơn. Tuy nhiên, đây là loại giống mà nông dân không chuộng do nhẹ zem (trọng lượng hạt) và hàm lượng nước trong hạt cao khiến việc phơi phóng lâu hơn nên diện tích cũng không nhiều.

Về việc tiêu chết do nấm bệnh, đây chính là nỗi lo thường trực của người trồng loại cây này trong ba năm trở lại đây. Không ít trường hợp vay mượn ngân hàng để đầu tư trồng tiêu. Tuy nhiên, khi cây chỉ vừa cho trái bói thì cũng bắt đầu rũ chết hàng loạt vì nấm bệnh. Trắng tay vì nợ nần đến nỗi phải tha hương kiếm sống là chuyện cũng không phải hiếm.

Giá dò đáy

Nhiều nông dân đang chật vật với mảnh vườn của mình, và trong những ngày này, diễn biến trên thị trường cứ làm phồng thêm nỗi lo lắng của họ. Mới đầu vụ, giá hồ tiêu đã chao đảo trong khoảng 64.000-66.000 đồng/kg(mức đầu giá, sẽ cộng thêm hay trừ bớt tùy vào chất lượng tiêu). Đây là mức giá thấp nhất trong vòng bảy năm qua, chỉ gần bằng phân nửa so với đầu niên vụ 2016-2017 và chỉ bằng 1/3 mức kỷ lục của niên vụ 2014-2015.

Không chỉ vậy, mức giá này thậm chí còn thấp hơn giá thành sản xuất của nông dân. Do đó, nếu như những năm trước người ta lo lắng việc thiếu nhân công thu hoạch, thì năm nay mối lo là thuê nhân công thế nào để bớt lỗ lã.

Thông thường khi tiêu được mùa, một nhân công sẽ thu hái được 9-10 kg (tiêu quy khô)/ngày. Với tiêu chỉ thưa thớt trái hiện nay, lượng thu hái của nhân công chắc chắn sẽ thấp hơn nhiều. Trong khi đó, với giá thuê nhân công tùy từng vùng, dao động từ 150.000-200.000 đồng/người/ngày thì xem như chủ vườn đã mất khoảng 2,5kg tiêu. “Khi tiêu được giá thì công làm cũng đòi tăng giá thuê.

Tuy nhiên, lúc tiêu rớt giá thì mình lại không thể hạ giá thuê xuống, vì như vậy không ai người ta chịu làm”, ông Tiến cho biết.

Mức “khởi điểm” không tốt của giá tiêu hiện nay thật ra là sự tiếp nối chuỗi lao dốc liên tục của loại nông sản này sau khi để mất mốc 100.000 đồng/kg khi niên vụ 2016-2017 chỉ mới tiến hành khoảng 1,5 tháng. Đó cũng là niên vụ mà hồ tiêu được mùa. Không chỉ Việt Nam mà tại các nước khác, sản lượng thu được đều tăng cao. Chính điều này đã tạo áp lực khiến giá giảm.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2017 Việt Nam xuất khẩu khoảng 214.000 tấn hồ tiêu và thu được 1,12 tỉ đô la Mỹ, tăng 20,5% về khối lượng nhưng giảm 21,9% về giá trị so với 2016. Bộ này cũng cho rằng xu hướng giá thấp sẽ còn duy trì trong năm 2018 do sản lượng tiêu ngày càng tăng cao trên toàn cầu.

Không phải ngẫu nhiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có dự báo như vậy. Chẳng nói đâu xa, nước láng giềng Campuchia nếu như hồi 2014 chỉ có 2.653 ha hồ tiêu thì đến 2017, diện tích là 6.663 ha, với sản lượng 20.253 tấn. Còn tại Brazil, bên cạnh cà phê thì những năm gần đây cũng đã có sự gia tăng đáng kể về diện tích hồ tiêu, hiện có khoảng 40.000 ha. Đáng chú ý, giá tiêu xuất khẩu của nước này còn rẻ hơn cả Việt Nam.

Giá tiêu bết bát hiện nay là điều tuy không đến nỗi quá bất ngờ với nông dân sau những cảnh báo về việc phát triển diện tích ồ ạt trước đây, nhưng nó trùng ngay khởi đầu của một mùa vụ mà năng suất sụt giảm khá nhiều, cộng nấm bệnh khiến tiêu bị chết xơ xác đã gia tăng đáng kể sự điêu đứng cho những ai có nhiều kỳ vọng vào loại cây này.

Có thể nói, chưa khi nào nông dân bước vào vụ thu hoạch hồ tiêu với sự chán nản đến vậy. Những loại cây khác như bơ hay sầu riêng đã được trồng xen trong vườn tiêu, sắp tới đây có thể sẽ vươn lên trở thành cây trồng chính nếu như giá tiêu vẫn còn không được cải thiện.

Phú Li (thesaigontimes.vn)

(Tùng Linh APC - sưu tầm)