Sản xuất lúa sạch ở Vĩnh Long: Giá bán và lợi nhuận cao

Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Tiến (huyện Tam Bình) thành lập tháng 5.2016. Hiện hợp tác xã có 105 thành viên là nông dân ở xã Mỹ Lộc, 73,5ha diện tích sản xuất đã đăng ký tham gia sản xuất lúa sạch...

Xã viên hợp tác xã Nông nghiệp Tân Tiến thu hoạch lúa.

Xã viên hợp tác xã Nông nghiệp Tân Tiến áp dụng quy trình canh tác lúa sạch, được quản lý chặt chẽ. Những chế phẩm dùng trong sản xuất (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) là chế phẩm sinh học an toàn đối với sức khỏe con người và thân thiện với môi trường. Năm nào sản phẩm của xã viên hợp tác xã giá bán cũng cao hơn so giá ngoài thị trường vài trăm đồng/kg và dễ tiêu thụ.

Vụ hè thu 2017 canh tác lúa theo mô hình dùng phân hữu cơ, xã viên Nguyễn Đức Hòa là một trong những thành viên sản xuất hiệu quả nhất của hợp tác xã. Ông Hòa cho biết: “Tôi canh tác 2 công theo mô hình lúa sạch. Vụ hè thu vừa rồi tuy năng suất kém hơn vụ đông xuân trước, nhưng nhờ chăm bón tốt, lúa của tôi đạt năng suất 33 giạ/công. Sau khi trừ chi phí, tôi còn lãi gần 2,2 triệu đồng/công, hiệu quả gấp hai lần sản xuất lúa thường”.

Còn hộ bà Ngô Thị Hồng Loan - ngụ ấp 11, xã Mỹ Lộc - tham gia mô hình sản xuất lúa sạch của hợp tác xã với diện tích 12 công, năng suất đạt 21 giạ/công, bằng mức bình quân của toàn mô hình. Theo bà Loan, lợi nhuận đạt 1,8 triệu đồng/công, vẫn cao hơn so với sản xuất lúa thường. 

Cánh đồng sản xuất lúa sạch của hợp tác xã Nông nghiệp Tân Tiến.

Ông Nguyễn Văn Được - xã viên hợp tác xã Tân Tiến - cho biết, làm lúa sạch phân bón sử dụng phân hữu cơ, chia ra làm ba đợt bón (bón lót, bón thúc và bón đón đòng). Thuốc bảo vệ thực vật sử dụng là thuốc dạng sinh học (chủ yếu trị bệnh đốm vằn và một số bệnh thông thường khác), thường phun khoảng 2 - 3 lần/vụ. So với làm lúa thường giảm 2 - 3 lần phun. Sở dĩ số lần phun ít là do bón phân hữu cơ lúa không tốt bằng phân hóa học nên ít thu hút rầy nâu, một số bệnh khác như sâu và đạo ôn cũng ít phát triển.

“Thường thì nông dân sản xuất cả cánh đồng đồng thuận làm thì chúng tôi mới làm, người làm người không làm thì không thể sản xuất lúa sạch được. Chi phí làm lúa sạch cao hơn làm lúa thường khoảng 2 lần trở lên. Tuy nhiên, lúa được Co.op Mart chi nhánh Vĩnh Long bao tiêu giá cố định 11.000 đồng/kg, gấp 2 lần giá lúa thường. Vì vậy, chúng tôi rất an tâm sản xuất vì chi phí “đầu vào” tính toán được, “đầu ra” biết trước giá cả, chỉ cần chăm lo sản xuất để đạt năng suất cao, lợi nhuận tăng thêm…” - ông Được chia sẻ thêm.

Tổng kết 2 vụ đông xuân và hè thu vừa rồi, ông Dương Văn Thành - Giám đốc hợp tác xã Nông nghiệp Tân Tiến - cho biết, so sánh hiệu quả thì làm lúa sạch 2 vụ/năm vẫn lời hơn làm lúa thường 3 vụ/năm. Nông dân làm lúa thường 3 vụ/năm bình quân năng suất đạt 19 tấn/ha, giá bán 5.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lời gần 45 triệu đồng/ha. Trong khi làm 2 vụ lúa sạch, nông dân chỉ thu được 10,5 tấn/ha, nhưng giá bán cao gấp đôi (11.000 đồng/kg), lợi nhuận thu được gần 57 triệu đồng/ha. Sản xuất lúa sạch đòi hỏi nông dân tham gia phải thực hiện canh tác đúng quy trình theo chỉ dẫn mới đạt kết quả tốt, nếu làm không đúng sẽ không đem lại lợi nhuận như kỳ vọng. 

Ông Dương Văn Cảnh - Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Vĩnh Long - cho biết, hợp tác xã Nông nghiệp Tân Tiến là một trong những hợp tác xã kiểu mới hoạt động đạt hiệu quả cao tại tỉnh Vĩnh Long. Hiện tỉnh đang tiến hành liên hiệp các hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh để nâng cao chuỗi giá trị gạo sạch và tiến hành nhân rộng mô hình này để tăng thêm thu nhập cho người trồng lúa bởi sản lượng hiện còn hạn chế, không đủ cung ứng cho người tiêu dùng… 

Vũ Hoàng - Nguyễn Đảm (Báo Lao Động)