Thuốc trừ cỏ "Cầu vồng"

“BẢY SẮC CẦU VỒNG”

 

Ở miền Nam Việt Nam, chất độc màu da cam và các loại thuốc diệt cỏ khác bắt đầu được thử nghiệm bởi quân đội Hoa Kỳ vào năm 1961. Cũng trong năm đó, tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã bật đèn xanh cho cuộc chiến hóa học này, ban đầu được gọi là "operation Trail Dust" sau đổi thành "chiến dịch Ranch Hand". Chiến dịch Ranch Hand kéo dài từ năm 1962 đến năm 1971. Đây là chiến dịch “bắt chước” việc sử dụng 2,4,5–T và 2,4–D của Anh để đối phó với lực lượng nổi dậy có vũ trang ở Malaysia vào những năm 1950. Tuy nhiên nó được nâng cao hơn bằng việc thử nghiệm và thực hiện hàng loạt các hoạt chất từ đơn chất đến hỗn hợp lại với nhau. Hàng loạt chất độc mới được tạo ra mang những mật danh “bảy sắc cầu vồng” bao gồm: chất độc da cam (tiếng Anh: Agent Orange), chất độc màu xanh (Agent Blue), chất độc màu trắng (Agent white), chất độc màu tím (Agent Purple), chất độc màu hồng (Agent Pink) và chất độc màu lục (Agent green). Tên của các chất độc này đặt theo những vạch sơn trên các thùng phuy dùng để vận chuyển chúng.

Theo công bố của một nhóm tác giả trên tạp chí Thiên Nhiên (Nature) thì trong thời gian 10 năm đó, quân đội Mỹ và quân đội Nam Việt Nam đã rải 76,9 triệu lít hóa chất xuống rừng núi và đồng ruộng Việt Nam. Trong số này có 64% là chất độc màu da cam, 27% là chất màu trắng, 8,7% chất màu xanh và 0,6% chất màu tím.1

   

 

Vậy các chất độc “da cam”, “trắng”, “xanh”, “tím”, “hồng” và “lục” là gì?

Chất độc màu da cam

Chất độc màu da cam bao gồm hỗn hợp 2 hoạt chất 2,4–D (2,4-Dichlorophenoxyacetic acid) và 2,4,5–T (Trichlorophenoxyaxetic axit) với tỷ lệ 50:50. Trong hỗn hợp này chỉ có chất 2,4,5–T mới có chứa một chất rất độc là 2,3,7,8–TCDD (2,3,7,8–Tetrachlorodibenzo–p–Dioxin) hay còn gọi là dioxin – là chất sinh ra trong quá trình sản xuất. Dioxin có trong sản phẩm 2,4,5–T với hàm lượng thông thường là 0,5mg/kg. Với công nghệ tổng hợp 2,4,5–T hiện đại, hàm lượng dioxin chỉ chiếm 0,1mg/kg sản phẩm 2,4,5–T.

Dioxin là tên gọi chung của một nhóm gồm hàng trăm (có thể còn nhiều hơn) các hợp chất hóa học tồn tại bền vững trong môi trường. Trong thực tế Dioxin là sản phẩm phụ được tạo ra hàng ngày, hàng giờ thông qua nhiều hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người như quá trình sản xuất chất hóa học công nghiệp liên quan đến clo, các hệ thống đốt chất thải, sản xuất hóa chất và thuốc trừ sâu, dây truyền tẩy trắng trong sản xuất giấy, sản xuất xi măng, khói xe động cơ và thậm chí từ thói quen hút thuốc lá, v.v... Tuy nhiên, trong hàng trăm hợp chất trên chỉ có TCDD là thành phần nguy hiểm nhất. Cho nên cần phải hiểu khái niệm Dioxin trong 2,4,5¬–T là nói về TCDD chứ không phải Dioxin nói chung.

Các báo cáo của Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ (United States Environmental Protection Agency – viết tắt tiếng Anh là EPA) đã công nhận Dioxin là 1 chất gây ung thư cho con người. Năm 1997, Tổ chức quốc tế về nghiên cứu ung thư (IARC) thuộc WHO đã công bố 2,3,7,8–TCDD là chất gây ung thư nhóm 1 (nghĩa là nhóm đã được công nhận là gây ung thư). Đồng thời, tháng 1 năm 2001, chương trình Độc học Quốc gia của Mỹ đã chuyển dioxin vào nhóm “các chất gây ung thư cho người”. Ngoài ung thư, dioxin còn có thể liên quan đến một số bệnh nguy hiểm khác như bệnh rám da (bệnh từng xảy ra trên cơ thể của ứng cử viên Tổng thống Ukrania; bệnh đái tháo đường; bệnh ung thư trực tràng không Hodgkin; thiểu năng sinh dục nam, nữ; sinh con quái thái hoặc thiểu năng trí tuệ; đẻ trứng (ở nữ)...v.v2

Trong một đánh giá về rủi ro và nghiên cứu các vấn đề chính sách được đưa ra trong Hội nghị Quốc tế về Dioxin tổ chức tại Berlin, 2004, nhóm tác giả đến từ Cục Môi trường Liên bang Đức (Federal Environmental Agency) đã đưa ra kiến nghị không có mức phơi nhiễm dioxin tối thiểu nào có độ an toàn cho phép (theo WHO 2002 thì mức phơi nhiễm dioxin cho phép qua thức ăn của mỗi người là 1–10pg đương lượng độc – TEQ/ngày). (pg: picrogram = phần tỷ của miligram).2

Chu kỳ bán phân hủy của Dioxin phụ thuộc vào vị trí của nó. Trong cơ thể người các chu kỳ phân hủy là 11–15 năm, mặc dù nó có thể cao đến 20 năm. Trong môi trường, thời gian bán phân hủy khác nhau tùy thuộc vào loại đất và độ sâu của sự thâm nhập. Ánh sáng mặt trời sẽ phá vỡ cấu trúc Dioxin, bởi vậy trên bề mặt lá và đất thời gian tồn tại của nó nó sẽ kéo dài 1–3 năm, tùy thuộc vào điều kiện. Dioxin trong lớp trầm tích của sông, ngòi và các nơi có chứa nước có chu kỳ bán phân hủy hơn 100 năm.3

Địa điểm quân đội Mỹ phun các loại thuốc diệt cỏ ở Nam Việt Nam trong giai đoạn 1965-1971.

Chất độc màu xanh 

Chất độc màu xanh được Công ty Hóa chất Ansul sản xuất ra năm 1965 với tên thương mại Phytar 560. Đây là một sản phẩm chứa Natri cacodylate 26,4% và axit cacodylic 4,7% ở dạng dung dịch. Sản phẩm này có chứa asen được sử dụng để tiêu diệt cây lá rộng và cây cỏ khác. Đặc biệt sử dụng trên các cánh đồng trồng lúa trong chiến tranh ở miền Nam nhằm cắt nguồn lương thực. Hơn nữa nó còn có thể diệt các loại rau rừng, chuối, sắn, ngô... Đây là lý do tại sao chất độc màu xanh được sử dụng khi những cây trồng trên là nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày của lực lượng vũ trang Giải Phóng Miền nam. 

Hiện nay một lượng lớn chất độc màu xanh vẫn đang được sử dụng rộng rãi trên bãi cỏ (công viên, vườn hoa), từ sân golf tới bãi cỏ trong khu dân cư và các loại cây trồng ở Mỹ. Nó thường được phun trên cánh đồng trồng bông (làm khô lá cây bông trước khi thu hoạch). Chất độc màu xanh và chất độc màu trắng từng được coi là hiệu quả nhất trong các thuốc diệt cỏ.

Tuy nhiên, gần đây nó là một trong số 10 loại thuốc trừ dịch hại bị hạn chế sử dụng trên một số cây trồng do Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) công bố vào tháng Hai năm 2004. Những giới hạn cụ thể về dư lượng chất độc hại trong thịt, sữa, gia cầm và trứng đã được gỡ bỏ (nghĩa là không được sử dụng trên những cây lương thực, thực phẩm).

Khoảng 19,6 triệu lít chất độc màu xanh đã được sử dụng tại Việt Nam trong chiến tranh, phá hủy 500.000 mẫu Anh (2.000 km2) cây trồng.4

 

   Trong hình bên trái: Rừng ngập mặn ở miền Đông Nam bộ bị phá hủy bởi thuốc diệt cỏ.

Chất độc màu trắng

Chất độc màu trắng là hỗn hợp của 2,4–D và picloram theo tỷ lệ 4:1. Không giống như chất độc da cam, chất độc màu trắng không chứa dioxin.  Chất độc màu trắng là một sản phẩm độc quyền của Công ty Hóa chất Dow. 

Chất độc màu trắng trắng thường được sử dụng khi chất độc da cam không có sẵn và khi việc sử dụng chất độc da cam dừng vào tháng 4 năm 1970. Khoảng 5,4 triệu gallon Mỹ (20.000m3) chất màu trắng đã được sử dụng tại Việt Nam từ giữa năm 1966 đến 1971. Quân đội Mỹ đã thử nghiệm chất độc màu trắng với các nồng độ khác nhau tại các địa điểm thử nghiệm ở Mỹ và Puerto Rico trong những năm 1960. 

Dow AgroSciences đã thương mại hóa “chất độc màu trắng” thành một sản phẩm dưới tên TordonTM 101 có chứa một hỗn hợp Picloram: 65 g/l 2 và 2,4–D: 240 g a.e./l (cả hai hoạt chất ở dạng muối của triisopropanolamine).5

Chất độc màu tím

Chất độc màu tím có thành phần hóa học tương tự như các chất màu da cam. Cả hai chất màu da cam và tím đều bao gồm một hỗn hợp của các chất diệt cỏ 2,4–D và 2,4,5–T. Hơn nữa trong cả hai trường hợp, thành phần 2,4–D và 2,4,5–T cũng ngang bằng nhau. Tuy nhiên, có sự khác biệt bởi các dạng của 2,4,5–T. Trong khi 2,4,5–T trong chất độc màu da cam là dạng este n–butyl, thì trong chất màu tím là hỗn hợp của dạng n-butyl và este isobutyl (với tỷ lệ 60:40). Các chất màu tím có các thành phần sau đây: 50% n–butyl ester 2,4–D; 30% n–butyl ester 2,4,5–T và 20% isobutyl ester 2,4,5–T.6

Ngay cả trước khi chiến dịch Ranch Hand được thực hiện người ta đã biết rằng 2,4,5–T và cả các chất độc màu tím, hồng, xanh và da cam đều có chứa trong chúng một lượng lớn TCDD. Hàm lượng chất này trong sản xuất thay đổi đáng kể trong từng mẻ và thậm chí ngay cả trong cùng một lô. Một bài báo năm 2003 trong tạp chí Thiên Nhiên (Nature) của Stellman và cộng sự đã thông báo rằng hàm lượng TCDD trung bình của chất độc da cam chỉ là 3 ppm nhưng Không quân Hoa Kỳ đã báo cáo hàm lượng TCDD là 13 ppm và ước tính rằng chất độc màu tím có thể đã có hàm lượng TCDD trung bình là 32,8 ppm. Người ta kiểm tra một mẫu của chất độc màu tím lưu tại căn cứ Không quân Eglin thì TCDD có hàm lượng là 45 ppm.6

Chất độc màu tím chỉ được sử dụng trong giai đoạn đầu của chiến dịch Ranch Hand (giữa năm 1962 – 1965). Khoảng 500.000 gallon (tương đương 1,9 triệu lít) được phun trong thời kỳ trên. 

Chất độc màu hồng

Thành phần hoạt chất trong chất độc màu hồng chỉ có 2,4,5-T. Hàm lượng chất này khoảng 40% – 60%. Một bài báo năm 2003 trong tạp chí Thiên Nhiên (Nature) của Stellman và cộng sự ước tính rằng chất độc màu hồng có thể đã có hàm lượng TCDD trung bình 65,5 ppm. 

Một lượng khoảng 50.312 lít của chất này được sử dụng được ghi chép lại, nhưng có 413.852 lít được người ta thấy trong hồ sơ của những hợp đồng mua bán.

 

       

 

Chất độc màu lục

Thành phần duy nhất trong chất độc màu lục là 2,4,5–T. Tuy nhiên hàm lượng TCDD cao hơn nhiều lần mức trung bình của 2,4,5–T. Chất độc màu lục được trộn với chất độc màu hồng. Tổng cộng có 20.000 gallon chất độc màu lục được mua sắm.8

***

Viết thêm: 

2,4–D chỉ là một thành phần trong hỗn hợp của chất độc màu da cam. Chính vì điều này mà nhiều người nhầm tưởng 2,4–D là chất độc màu da cam. Hiện nay 2,4–D vẫn được phép sử ở Mỹ, Canada, Liên minh Châu Âu và nhiều quốc gia khác. 

Cho đến cuối năm 2016 chỉ có Na Uy là là quốc gia duy nhất cấm 2,4–D (mặc dù thừa nhận là không có đủ bằng chứng kết luận rằng 2,4–D gây ung thư). Còn ở Australian vào tháng 8/2013 cũng có quyết định hủy bỏ việc sử dụng 2,4–D ở dạng ester (chứ không phải cấm các dạng khác của 2,4–D) với lý do: dạng ester trong không khí rất bền vững, linh hoạt và có khả năng di chuyển xa cùng với độc tính của nó dễ gây hại cho những cây trồng khác ở xa nơi sử dụng. Nguyên nhân bất khả kháng này gây ra những khó khăn trong việc giảm thiểu rủi ro do 2,4–D đem lại. Người ta ước tính rằng hai trong số các este (2,4-D EE và 2,4-D BE) có thể “di chuyển” qua không khí từ nơi sử dụng đến một vị trí khác với khoảng cách 65km.

***

 

B.s Nguyễn Thị Ngọc Phượng cùng với những trẻ em nhiễm chất độc da cam, được chăm sóc tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ.

   

 

D.A.M

Tài liệu tham khả