TP HCM bảo tồn được hơn 380 giống hoa lan quý hiếm

Trong lĩnh vực công nghệ sinh học thực vật, TP HCM đã xây dựng bộ sưu tập, bảo tồn 381 giống hoa lan, trong đó 145 loài lan rừng quý hiếm, hơn 120 giống kiểng lá.

Tại hội nghị Công nghệ sinh học toàn quốc năm 2019 do Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM tổ chức hôm qua (1-11), PGS - TS Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM, cho biết qua 15 năm hình thành và phát triển, trung tâm đạt nhiều thành tựu nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học  thành công trong các lĩnh vực thực vật, xử lý môi trường, thực phẩm, y dược và động vật…

Hoa lan Mokara. Ảnh minh họa

Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu khoa học, trung tâm đã chế tạo và đăng ký thành công một số sản phẩm khoa học công nghệ mới, như Chế phẩm sinh học BIMX xử lý mùi hôi trong chăn nuôi, các sản phẩm phân bón vi sinh BIMA và phân bón lá NPK sinh học Bio trùn quế; nghiên cứu thành công  nhiều sản phẩm sinh học như các dòng hoa lan lai, dưa lưới, rễ tóc sâm Ngọc Linh; sản phẩm sinh học phục vụ trồng trọt - chăn nuôi - thủy sản, phòng trị bệnh virus gia cầm và heo, vắc-xin phòng bệnh gan thận mủ ở cá tra…

Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghệ sinh học thực vật, Trung tâm đã xây dựng bộ sưu tập, bảo tồn 381 giống hoa lan trong đó có 145 loài lan rừng quý hiếm, hơn 120 giống kiểng lá, trên 100 giống dược liệu quý; xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, hoa và chuyển giao thành công cho người sản xuất. Cụ thể là quy trình kỹ thuật trồng rau, hoa, dưa lưới trong nhà màng ứng dụng hệ thống điều khiển tự động, trồng rau theo mô hình sản xuất công nghệ Nhật Bản…

Thy Thơ (Báo NLĐ)