Tuyên Quang xử lý nghiêm việc tranh mua, tranh bán nguyên liệu mía

Ngành mía đường tỉnh Tuyên Quang đã bước vào vụ ép mới nhưng thời gian gần đây, tại một số địa phương liên tiếp xảy ra tình trạng người trồng mía tự ý chặt mía có hợp đồng với doanh nghiệp để bán cho thương lái, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi của người trồng mía.

Người dân xã Tam Đa (Sơn Dương, Tuyên Quang) thu hoạch mía. Ảnh minh họa: Quang Cường/TTXVN

Để đảm bảo nguyên liệu phục vụ cho vụ ép 2020 - 2021, của doanh nghiệp sản xuất mía đường trên địa bàn, tỉnh Tuyên Quang đang triển khai nhiều giải pháp.

Theo đó, tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo và giao trách nhiệm cho UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, vận động người dân trong vùng quy hoạch nguyên liệu mía của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương (doanh nghiệp duy nhất trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang sản xuất, kinh doanh mía đường) thực hiện đúng cam kết theo hợp đồng đầu tư cung ứng nguyên liệu đã ký, không tự ý bán mía nguyên liệu đã được đầu tư cho các đối tượng khác; đồng thời phối hợp với Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ vùng nguyên liệu đã được công ty đầu tư và xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp cố tình tranh mua, tranh bán nguyên liệu mía đã ký kết hợp đồng đầu tư với các hộ dân; kiểm tra, yêu cầu các lò mật thủ công trên địa bàn cam kết không tranh mua nguyên liệu mía trong vùng quy hoạch nguyên liệu của công ty, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, tỉnh Tuyên Quang cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký với Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương nhằm đảm bảo phát triển vùng nguyên liệu gắn với cơ sở chế biến ổn định, bền vững.

Cùng với đó, tỉnh Tuyên Quang cũng chỉ đạo Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương, thực hiện đúng các cam kết với các hộ trồng mía theo hợp đồng đã ký; có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, giám sát chủ các phương tiện vận chuyển mía nguyên liệu cho công ty, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định hiện hành của Luật Giao thông đường bộ; chủ động bố trí cán bộ, phối hợp với chính quyền địa phương trong vùng quy hoạch nguyên liệu mía kiểm tra, giám sát các hộ gia đình thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi theo đúng hợp đồng đầu tư cung ứng nguyên liệu đã ký để thu hút được tối đa nguyên liệu phục vụ sản xuất của nhà máy chế biến…

Theo thống kê của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương, thời gian qua, đã có ít nhất 52 ha mía nguyên liệu (diện tích công ty đã ký kết với người dân) bị người dân đốn chặt để bán cho tiểu thương. Trong số đó, nhiều nhất là huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) với khoảng 40 ha, tương đương với trên 2.000 tấn mía cây.

Những năm qua, phát triển cây mía nguyên liệu gắn với chế biến đường đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn tỉnh Tuyên Quang. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, giá bán đường thấp, sản lượng đường tồn kho lớn, tiêu thụ chậm, cây mía cho thu nhập thấp hơn so với một số cây trồng khác… nên người dân chuyển diện tích trồng mía trồng sang các cây khác. Từ đó, dẫn đến diện tích mía nguyên liệu của tỉnh Tuyên Quang giảm mạnh. Hiện, diện tích mía nguyên liệu của tỉnh chỉ còn gần 3.000 ha, giảm hơn 5.000 ha so với năm 2018.

Vũ Quang (TTXVN)