Bệnh ghẻ

Giới thiệu chung

1.1 Triệu chứng 

Bệnh gây hại chủ yếu trên quả non, màu xanh lá cây và hãn hữu xuất hiện trên lá.

Ban đầu xuất hiện những vết đốm nhỏ mầu nâu đen, nhẵn, không có hình dạng rõ ràng. Đường kính vết bệnh thường nhỏ hơn 4 mm. Các vết bệnh có thể liên kết với nhau tạo thành các đốm lớn hơn. Khi bệnh phát triển, trên bề mặt của vết bệnh dần dần nổi lên những u nhỏ và nứt ra (hình thành bào tử). Đấy là các túi bào tử phấn (Pycnidia). Vỏ quả ổi bị bệnh trở nên sần sùi như bị ghẻ, bề mặt xuất hiện những vùng hoại tử làm cho vết bệnh có hình tròn, lõm xuống (giống như miệng núi lửa) nhưng không thâm nhập sâu vào phần thịt quả. Trong điều kiện mưa,ẩm đôi khi trên vết loét có những sợi nấm mầu trắng xuất hiện. Bệnh nặng, quả ổi nứt đôi, lộ rõ hạt ở bên trong. Các quả bị bệnh kém phát triển, trở nên cứng, hình dáng xấu hoặc khô đét. Nhưng quả này thường bị rụng sớm. Các vết bệnh đóng vẩy cứng làm giảm phẩm cấp của quả.

Vết bệnh ghẻ ban đầu trên quả ổi non Triệu chứng ghẻ rõ ràng trên bề mặt quả ổi xanh

Trên lá đôi khi cũng có những vết bệnh màu xám với đường viền nâu hay nâu tím bao quanh. Vết bệnh không có hình dạng nhất định, rất dễ nhầm lẫn với các đốm bệnh khác. Các biểu hiện loét như trên quả thường không xuất hiện trên lá. Lây nhiễm nhân tạo trên lá nói chung là không thành công. 

Vết bệnh từ từ vỡ ra trên quả ổi xanh Quả ổi xanh bị nứt đôi do nấm gây bệnh ghẻ gây ra

1.2 Nguyên nhân

Chibber (1911) đặt tên nấm ghẻ trên quả ổi là Pestalotia psidii Pat. Narsirnhan (1940) và Venkatakrishniah (1952) cho rằng Colletotrichum psidii Curzi, Glomerella psidii (Del). Sheld. và Pestalotia psidii Pat. liên quan với bệnh ghẻ quả ổi. Theo Venkatakrishniah (1952) Colletotrichum psidii là một nấm ký sinh thông thường còn Pestalotia psidii là nấm chuyên hại trên ổi. Cả hai loài có mặt trên quả non còn xanh và giai đoạn phát triển liền kề. Tuy nhiên, Pestalotia psidii được coi là nguyên nhân thực sự của bệnh ghẻ trên quả ổi (Patel và cộng sự., 1950). 

Nấm gây bệnh ghẻ trên quả ổi cũng đã được biết đến với tên gọi là Pestalozzia psidii Pat. Tuy nhiên, những năm gần đây trong các tài liệu về bệnh hại ổi người ta thường dùng tên Pestalotia psidii Pat.

Sợi nấm không màu, sản sinh các bào tử đính (acervulus). Bào tử được giải phóng ra từ đây. Bào tử nấm bệnh có 5 tế bào, thuôn dài, đứng thẳng, giữa các vách ngăn bị co thắt lại. Kích thước 13 – 31 x 5 – 10 mm. Các tế bào ở giữa có mầu nâu đậm so với các tế bào ở đỉnh và đáy, có dạng như giọt nước, màng dày và phình ra. Các tế bào còn lại trong suốt. Tế bào trên đỉnh hình trụ, có 2 – 3 roi dài, mảnh. Tế bào đáy tù, có một cuống nhỏ (mũi tên).

 

 Bào tử nấm Pestalotia psidii Pat gây bệnh ghẻ trên quả ổi

Sự hình thành bào tử trên vết bệnh. Túi bào tử phấn (Pycnidia) có thể được nhìn thấy bằng mắt thường như một khối bào tử màu đen hoặc nâu với số lượng conidia dồi dào. 

1.3 Phát sinh gây hại 

Bệnh gây hại quanh năm ở giai đoạn mang quả, nhất là khi quả còn xanh. Nấm bệnh dễ xâm nhập thông qua các vết thương cơ học. Các mầm bệnh ban đầu với triệu chứng điển hình thường xuất hiện từ những vết thương, còn trong điều kiện không xây xát thì phải mất nhiều thời gian hơn (Patel et al., 1950).

Nấm gây bệnh phát triển thuận lợi ở nhiệt độ từ 26 – 30oC. Nhiệt độ dưới 15oC và trên 40oC bào tử nấm không thể nảy mầm. Sợi nấm tăng trưởng tốt nhất và hình thành bào tử nhìn thấy được ở 26°C. 

Ẩm độ cao trên 96 % thuận lợi cho bệnh phát triển và gây hại.

Nấm tồn tại dưới dạng bào tử trên tàn dư bị bệnh: quả non bị bệnh rụng, lá bị bệnh,… Những mầm bệnh sống sót trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt sẽ là nguồn gây bệnh ban đầu. Đối với những vùng có nhiệt độ cao (có thể thu hoạch nhiều vụ trong năm) thì nguy cơ gây hại của bệnh càng cao.

Vườn ổi ít đốn tỉa, thu gom tàn dư bị bệnh thường bị gây hại nặng hơn. 

Biện pháp canh tác

Thu gom quả ổi xanh và lá bị bệnh đem tiêu hủy. 

Cắt tỉa cành khô tạo tán ổi thông thoáng.

Tăng cường bón phân ka ly trước khi ra hoa đậu quả.

Biện pháp thuốc BVTV

Thường xuyên thăm vườn, khi thấy bệnh xuất hiện trên quả xanh thì dùng thuốc trừ bệnh gốc đồng: Boóc đô 1%, Nano đồng oxyclorua…. phun 7 – 10 ngày/ lần. Phun theo hướng dẫn trên bao bì.

(Liên hệ với chúng tôi).

Ngô Vĩnh Viễn.