Cây na

Tổng quan

Cây na (Annona squamosa), họ Annonaceae được trồng rộng rãi ở các quốc gia nhiệt đới và cận nhiệt đới.1,2,3,4 Nó được cho là có nguồn gốc từ các nước nằm trong thung lũng của dãy Andes (Ecuador, Colombia, Peru,...) và các nước thuộc vùng biển Caribe (Cu Ba, Cộng hòa Dominica, Haiti, Jamaica,...).

Người Tây Ban Nha có thể đã mang hạt giống na từ Châu Mỹ tới Philippines, còn người Bồ Đào Nha được cho là đã mang na tới miền nam Ấn Độ trước 1590. Cây na được phát triển ở Indonesia vào đầu thế kỷ thứ 17.

Mặc dù không phải là xuất xứ của na nhưng Queensland (Úc) là nơi có sản lượng cao nhất thế giới. Tuy nhiên, nhiều người Úc không quen với loại trái cây này cho nên phần lớn sản lượng được xuất khẩu sang châu Á.6 Ấn Độ là nước mà na là một loại quả cực kỳ phổ cập và được coi là cây thoát nghèo. Na cũng là một trong những loại trái cây quan trọng nhất của Brazil và rất phổ biến tại Bahia (một thành phố ở bờ biển đông bắc của Brasil).2

Na được trồng ở Australia, Bangladesh, Bolivia, Brazil, Burma, Burundi, Cambodia, Cameroon, Cave, Colombia, Congo, Cook Islands, Cuba, Cộng hòa Dominican, Đài Loan, Đông Phi, Đông Timor, Ecuador, Fiji, Gabon, Guadeloupe, Guatemala, Guianas, Guyana, Haiti, Hawaii, Ấn Độ, Indonesia, Jamaica, Kenya, Kiribati, Lào, Madagascar, Malawi, Malaysia, Maldives, Martinique, Mexico, Mozambique, Mayanmar, Nauru, Nepal, Niger, Pakistan, Papua New Guinea, Philippines, Reunion, Sao Tome, Saudi Arabia, Solomon Islands, Somalia, Sri Lanka, Sudan, Suriname, Tanzania, Thái Lan, Trung Phi, Các nước Trung Mỹ, Trung Quốc, Tonga, Trinidad-Tobago, Uganda, Mỹ, Vanuatu, Venezuela, Việt Nam, Yemen.


 Bản đồ phân bổ vùng trồng na trên thế giới.

Với lượng calo, đường tự nhiên cao nên na là một món tráng miệng và bổ dưỡng tuyệt vời. Nó cũng được sử dụng trong công thức chế biến các loại nước ép, sorbets, rượu vang và kem.6

Sorbet là một loại kem làm từ trái cây, đường xay nhuyễn rồi làm đông (có thể có thêm cồn.) Loại thức uống này đã thịnh hành nhiều năm ở các nước Âu Mỹ nhưng những năm gần đây mới được phổ biến ở Đông Nam Á.


Thành phần dinh dưỡng trong 100g: Năng lượng 393kJ (94Kcal); Chất xơ 4.4g; Chất béo 0.29g; Protein 2.06g; Vitamin B1 0.11g; B2 0.113g; B3 0.883g; B5 0.226g; B9 14µg; Vitamin C 36.3mg; Canxi 24mg; Sắt 0.6mg; Mangan 0.42mg; Phospho 32mg; Kali 247mg; Natri 9mg; Kẽm 0.1mg (Nguồn: USDA Nutrient Database).1

Hàm lượng của chất béo, cholesterol thấp trong na rất có lợi cho sức khỏe. Ma giê giúp bảo vệ khỏi bệnh tim mạch. Kali giúp kiểm soát huyết áp và chống lại nhược cơ. Hàm lượng đồng rất cao trong quả na đã giúp quá trình tạo hemoglobin trong cơ thể. Do đó nó rất hữu ích cho phụ nữ mang thai vì họ cần khoảng 1.000µg đồng mỗi ngày. Quả na rất giàu vitamin C, giúp cho việc trung hòa các gốc tự do trong cơ thể. Nó cân bằng nước trong cơ thể và giúp cơ thể loại bỏ các axit từ khớp do đó làm giảm các bệnh về khớp,...(tham khảo thêm tác dụng của na qua link: 10 Amazing Health Benefits Of Custard Apple (Sitaphal) - StyleCraze...).7

Trong vỏ cây, lá và hạt na chứa các alkaloid có khả năng gây ngộ độc cho người và động vật, ký sinh trùng. Tại Mexico, lá được cọ xát trên sàn nhà và đưa vào ổ gà  để trừ mạt. Ở nhiều nước người ta dùng bột thu từ hạt để trừ chấy. 

Chất chiết xuất từ hạt cũng được sử dụng chống lại sâu hại trên cây trồng. Tuy nhiên, độc tính của chiết xuất này tồn tại chỉ trong 2 ngày và suy yếu dần cho đến 8 ngày thì hết.2


 Cây na trong hình vẽ của Michał Boym (1655)

2. Đặc tính thực vật: 

Thân:


Cây thân gỗ nhỏ hoặc dạng cây bụi. Chiều cao có thể đạt 6 – 8m. Thân cây nhỏ, không hình thành gốc, phân cành thấp. Tán cây phát triển không theo quy luật nhất định. Cành cây mọc zích zắc. Có rễ cái nhưng bộ rễ phát triển kém (khoảng 1m).


Lá:

Là loại cây rụng lá theo mùa. Cuống lá dài 4 – 22mm. Phiến lá hẹp, elip đến thuôn dài hoặc hình mũi mác. Phần lá sát cuống hình trứng hay tròn, phần đỉnh nhọn hay tù đầu. Bề mặt có màu xám lục như lớp phấn nhạt. Có 8 – 15 gân phụ trên mỗi lá. Phần lá xa gân chính thường có lông tơ. Có mùi thơm nhẹ khi bị vò nát.


Hoa:

Hoa mọc riêng lẻ hay thành từng chùm 2 – 4 hoa. Đài hoa hình tam giác. Hoa có lớp lông măng bao phủ. Có mùi thơm nhẹ.

Hoa có 3 cánh hoa bên ngoài hình mũi mác, màu vàng–xanh và 3 cánh hoa nhỏ bé bên trong có màu tím. Cánh hoa khá dài (2 – 3 cm) nên không thuận tiện cho thụ phấn bởi ong mật (Apis mellifera).

  
Nhị hoa thuôn dài khoảng 1mm, đỉnh cắt vát. Lá noãn thuôn dài, dễ nhận biết vào thời kỳ nở hoa. Đầu nhụy hình trứng nhọn.

Hoa na là hoa lưỡng giới (bisexual) – có cả hai chức năng sinh dục trên cùng một hoa. Tuy nhiên, chức năng sinh dục của các bộ phận hoa đực và cái lại hình thành vào các thời điểm khác nhau trong ngày. Đầu tiên “tính cái” hình thành ngay trước khi cánh hoa tách ra vào buổi sáng. Nếu quá trình thụ phấn không diễn ra thì vài ngày sau, “tính  đực” hình thành khi nhụy hoa bắt đầu tung phấn hoa.8,9 Đó là thời điểm thu hút sự thụ phấn bởi côn trùng thuộc họ Nitidulidae (ảnh dưới) hoặc bọ trĩ.

 

Hoa na phát triển theo tuần tự sau (từ trái qua phải): Hình thành nụ; Các cánh hoa bắt đầu tách rời nhau; Cánh hoa phát triển; Cánh hoa mở ra; Giai đoạn thụ phấn.

Quả:

Quả mọng. Hình trứng, gần tròn hoặc hình nón. Hình dáng bên ngoài giống quả thông. Quả có màu xanh nhạt sau chuyển sang màu vàng nhạt hay cá biệt có màu đỏ. Bao quanh bên ngoài là những núm tròn, tách biệt với nhau bởi những rãnh sâu. Kích thước khác biệt và thường dao động từ 7 cm đến 12 cm.


Quả hình thành các múi có mùi thơm và ngọt, màu trắng kem hay vàng nhạt.  Các múi được sắp xếp xung quanh một lõi hình nón ở giữa quả. Có hạt màu đen bóng. Kích thước quả nói chung là tỷ lệ thuận với số lượng các hạt bên trong.


Tại Philippines, quả thường bị một loại dơi ăn và phát tán hạt từ nơi này sang nơi khác. Nó cũng là một quả rất hợp “khẩu vị” của ấu trùng một loài bướm thuộc họ bướm phượng (Graphium).3 Ở Ấn Độ có một loại sóc 3 vạch (sọc) cũng thích ăn loại quả này.


***
Điều kiện ngoại cảnh:

Nhiệt độ: Cây na đòi hỏi một khí hậu nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới với phạm vi nhiệt độ từ 10 – 34oC. Rất nhậy cảm với nhiệt độ thấp và sương giá, nếu nhiệt độ không khí < 15oC thì bắt đầu rụng lá và chết khi nhiệt độ < 0oC xảy ra trong nhiều ngày liên tiếp. Nhiệt độ tối thích 25 – 28oC. Trên hoặc dưới nhiệt độ tối ưu này sẽ ảnh hưởng đến sự thụ phấn, rụng quả hoặc nụ hoa và làm giảm chất lượng quả sau thu hoạch.

Độ ẩm: Cây na có thể chịu được thiếu nước trong thời gian dài. Tuy nhiên, hạn hán quá mức có thể gây ra rụng lá và quả. Cây đòi hỏi một độ ẩm thích hợp trong đất để thúc đẩy quá trình sinh dưỡng và nở hoa xảy ra trên các cành mới. Đất phải được giữ ẩm vào thời điểm quả hình thành và phát triển (đây là thời điểm rất nhạy cảm).  Độ ẩm cho sự phát triển tối ưu đòi hỏi một lượng mưa hàng năm từ 750 đến 1.200 mm.

Tuy nhiên, na rất nhậy cảm với tình trạng úng ngập. Thậm chỉ chỉ sau 7 – 10 ngày ngập, cây có thể chết.

Địa hình: Na có thể phát triển trên địa hình từ mực nước biển đến độ cao 2.000 mét với khí hậu khô nóng. 

Na có thể trồng trên đất pha cát, đá vôi trầm tích và mùn nặng nhưng với điều kiện thoát nước tốt. Úng là không thể chấp nhận. Do bộ rễ kém phát triển nên na không cần đất có độ sâu lớn.

Hạt na có thể duy trì sức sống trong khoảng 3 đến 4 năm. Chúng thường nảy mầm tốt sau hơn một tuần lấy ra khỏi quả. Nảy mầm có thể mất 30 ngày trở lên nhưng có thể được đẩy nhanh bằng cách ngâm trong nước 3 ngày hoặc làm vỡ vỏ cứng.  

Na có thể trồng bằng hạt hoặc thực hiện ghép mầm, ghép cành, ghép áp (Các phương pháp này làm cho cây mau ra quả và quả đồng đều hơn).

 


3. Kỹ thuật canh tác: 

Chọn đất, chuẩn bị đất:

Cây na không đòi hỏi khắt khe về đất trồng. Mặc dù nó phát triển tốt trong một loạt các loại đất, từ đất cát, đất sét đến đất mùn, nhưng thích hợp nhất và có năng suất cao khi được trồng trong đất màu mỡ, tơi xốp, trung tính hoặc hơi kiềm (pH thích hợp 6.5 – 7.5), hệ thống thoát nước tốt và thoáng khí. Đối với đất pha sét thì có thể làm mô cao 20 – 30cm để thoát nước tốt.  

Na dễ bị tổn thương bởi gió. Gió dễ làm gẫy cành và chảy nhựa ở những vết thương. Thêm vào đó, quả cũng dễ dàng bị hư hỏng do tác động của gió khi các nhánh cọ xát với nhau. Gió khô làm giảm sự thụ phấn. Vì vậy, nên được trồng ở một vị trí (hướng) ít chịu tác động trực tiếp của gió.

Làm sạch cỏ dại trước khi trồng:

Hố trồng có kích thước 50 x 50 x 50cm. Mật độ tùy theo khả năng mà có thể theo khoảng cách 3 – 4 x 3 – 4m hay 5 – 6 x 5 – 6m.

Các lỗ trồng cần chuẩn bị trước trồng khoảng 1 – 2 tháng. Mỗi hố bón lót 20 – 30g phân chuồng hoai mục + 0,2kg supe lân trộn đều với đất, ủ hoai trước 2 – 3 tháng.

Gieo hạt, mật độ:

Na được trồng chủ yếu bằng hạt. Chọn hạt giống từ những quả trên các cây có năng suất cao, chất lượng tốt, đã cho thu 4 – 5 vụ ổn định. Phơi khô. Ngâm trong nước sạch 12 – 24 giờ. Ủ trong cát ẩm. Khi hạt nứt nanh thì gieo vào bầu. Cây con 2 –  3 tháng tuổi cao 20 –  25cm, có 5 –  6 lá thật, thân mập thì có thể đem trồng.

Có thể nhân giống na bằng ghép mắt, ghép cành,...

Miền Bắc trồng vào tháng 3 – 4 và tháng 8 – 10 còn miền Nam thì có thể trồng quanh năm.
Bầu đặt giữa hố, ngang với mặt đất (trồng sâu dễ gây nghẹt rễ, sinh trưởng kém), tưới nước, ấn cho chặt gốc (lưu ý do thân nhỏ, yếu, không hình thành gốc nên cần cắm cọc khi mới trồng bảo đảm cho cây non bám chặt trong thời gian đầu), duy trì độ ẩm 70 –  80%.

Chăm sóc:

Trong 2 – 3 năm đầu cần bón nhiều đạm để cây sinh trưởng thân, lá tốt. Bón NPK tỷ lệ 2:1:1. 

Trong những năm tiếp theo bón làm 3 đợt/năm:  đợt 1 vào tháng 2 –  3 (đón hoa), tỷ lệ NPK 1:1:1; đợt 2 vào tháng 6 – 7 (nuôi cành, quả), tỷ lệ NPK 1:1:2; đợt 3 sau khi thu quả, tỷ lệ NPK 2:1:1. Lượng phân bón ít hay nhiều tùy cây lớn hay nhỏ. Trung bình mỗi cây 0,5 – 1kg urê, 0,5 – 1kg kali, 2 – 4kg supelân, 30 – 50kg phân chuồng/năm. Bón theo tán hoặc 4 hốc đối xứng nhau, độ sâu lấp 3 – 5cm. Chú ý tăng cường các loại vi lượng như magiê, mangan và kẽm bằng cách phun lên lá.

Tưới nhỏ giọt là tuyệt vời bởi vì cây này có hệ thống rễ ăn nông và tiết kiệm nước. Tuy nhiên trong những tháng mùa hè thì tưới phun là thích hợp hơn nhỏ giọt vì có thể làm giảm nhiệt độ và tăng độ ẩm tương đối. Có hai giai đoạn cây na cần nước: hình thành hoa và quả. Tưới trong mùa khô và một lần trong quá trình chín sẽ làm tăng kích thước quả. 

Tiến hành làm cỏ thường xuyên. Có thể vun cỏ theo gốc nhưng không phủ gốc để tránh mối xuất hiện gây hại. Nên trồng xen các loại cây họ đậu dưới tán cây để góp phần hạn chế cỏ và tăng cường dinh dưỡng cho đất.

Sau khi lập xuân khoảng 15 – 20 ngày, dùng kéo cắt sạch đầu cành từ 15 – 20 cm và tiêu hủy. Đồng thời bón phân chuồng và NPK để thúc cây. Khi chăm bón nên xử lý tỉa thưa mầm. Những mầm để lại cắt sâu khoảng 10 – 15cm và vặt sạch lá. Các mầm này sau khoảng 10 – 15 ngày sẽ nhú hoa, cho những quả to và nhanh thu hoạch. Nếu bình thường những quả đầu cành khoảng 125 – 130 ngày cho thu hoạch thì những quả xử lý mầm thân chỉ khoảng 90 – 95 ngày. Sau mỗi vụ thực hiện tỉa cành để loại bỏ các nhánh và các cành bị hại bởi sâu và bệnh. 

Na sau khi cho thu hoạch 3 vụ thì quả nhỏ dần, cây cao khó lấy quả. Để có quả to, mập cần đốn trẻ lại từ năm thứ 5 trở đi, sau đó cứ 3 năm đốn một lần. Lần đốn đầu cách mặt đất 0,5m, những lần sau cách lần trước 0,2 – 0,3m. 

Vì na là cây khó thụ phấn và khả năng thụ phấn nhân tạo cũng như nhờ côn trùng là hạn chế nên cần sử dụng các hoạt chất hóa học để tăng khả năng hình thành hoa, đậu quả, hạn chế rụng hoa – quả,...

Ở Miền Bắc, để có na bán sớm (giá gấp 1,5 lần chính vụ) thì từ đầu tháng 11 tiến hành phun Ethephon (Ethrel) với nồng độ 1000 – 1500 ppm (pha 10 – 15ml với 10 lít nước) lên tán lá, sau 10 – 15 ngày vặt hết lá xanh còn lại, cây sẽ ra hoa vào đầu tháng 4 năm sau.

Thu hoạch: 

Do chín không đều nên na được thu làm nhiều đợt. Phương pháp trực quan dựa trên sự đổi màu của vỏ quả và hình dạng của quả thường được sử dụng để quyết định thời gian thu hoạch. Quả thu hoạch được là quả đã mở mắt và vỏ quả đã chuyển sang màu vàng xanh. 

Nên tiến hành hái quả vào buổi sáng và chừa cuống. Quả có thể rụng nếu không thu kịp thời. 

Ở Miền Bắc, mùa Na chín vào khoảng tháng 6 đến tháng 9. Còn ở Miền Nam thì thu hoạch sớm hơn so với Miền Bắc.

4. Dịch hại chính: 

Trên na có một số sâu, bệnh xuất hiện gây hại. Các bệnh gồm thán thư (Colletotrichum gloeosporiodes), đốm lá (Alternaria alternata), thối rễ (Fusarium solani), Bệnh đốm nâu (Pseudocercospora sp.), nấm bồ hóng (muội đen) do rệp sáp gây ra,...

Các lại sâu hại gồm rệp sáp, sâu non của một loại bướm phượng, sâu đục cành (Ambrosia sp.), kiến, mối hại gốc,...

D.A.M