Cây hành tây

Tổng quan

Một kiểu bán hành tây truyền thống xa xưa ở Anh: “...Mặc áo sơ mi sọc và mũ nồi, cưỡi một chiếc xe đạp có treo hành tây”. Hình thức bán hàng này suy giảm từ 1950 nhưng từ 1990 lại có xu hướng khôi phục.

1. Cây hành tây: 

Từ nền văn minh cổ đại, hành tây đã nhanh chóng trở thành một loại rau tuyệt vời. Nó dễ dàng phát triển trên bất kỳ loại đất, bất kỳ loại hệ sinh thái thời tiết và dễ dàng bảo quản trong suốt mùa đông. Ngày nay, hành tây vẫn được trồng và sử dụng như là một mặt hàng thực phẩm thông dụng trên toàn thế giới. Chúng thường được nấu chín như một loại rau nhưng cũng có thể được ăn sống hoặc dùng để làm dưa chua. 

Nhiều nhà khảo cổ học, nhà thực vật học và nhà sử học thực phẩm tin rằng hành tây có nguồn gốc từ Trung Á và cho rằng nó đã được trồng cách đây 5000 năm trở lên ở Iran và Tây Pakistan. Tuy nhiên, các bằng chứng khảo cổ học và văn học cho thấy việc trồng hành có lẽ đã diễn ra khoảng hai ngàn năm sau đó ở Ai Cập cổ đại.1

Các tài liệu từ thời kỳ sơ khai mô tả hành như một loại thực phẩm (hành tây và củ cải là một phần của chế độ ăn uống của công nhân xây dựng các kim tự tháp). Ngoài việc phục vụ như là một thực phẩm cho cả người nghèo và những người giàu có, hành tây từ xa xưa được người Ai Cập cổ đại đã coi hành như một đối tượng thờ cúng, bởi vì họ tin rằng hình dạng hình cầu và các vòng tròn đồng tâm là một biểu tượng của sự sống vĩnh cửu. Họ đã thể hiện chúng trên các bàn thờ của các vị thần. Tranh của hành tây xuất hiện trên các bức tường bên trong của các kim tự tháp. Người Ai Cập chôn hành cùng với các Pharaoh của họ. Vua Ramses IV, người qua đời năm 1160 trước Công nguyên, đã được “... chôn cùng với hành tây trong hốc mắt của ông”.2

Người La Mã giới thiệu hành tây sang châu Âu. Họ sử dụng chúng làm thức ăn trong các cuộc hành trình đến các công quốc của họ tại Anh và Đức. Vào thời Trung Cổ, ba loại rau chính được châu Âu sử dụng là đậu, bắp cải và hành tây.   

Hành tây đã được giới thiệu vào Mỹ bởi Christopher Columbus trong chuyến đi của ông đến Haiti trong năm 1493.2 Tuy nhiên, họ phát hiện ra rằng chủng hành hoang dã đã phát triển trên khắp Bắc Mỹ. 

Trong suốt thời Trung Cổ, hành tây là vô cùng đáng giá, vì chúng đã được sử dụng để trả tiền thuê nhà và làm quà tặng trong đám cưới.

Trong hơn 4000 năm, hành tây cũng đã được sử dụng cho mục đích y tế.  Theo các tài liệu từ thời kỳ sơ khai thì người Ai Cập đã biết sử dụng hành tây để điều trị giảm đau đầu, rắn cắn và rụng tóc. Tại Ấn Độ sớm nhất là vào thế kỷ thứ sáu trước Công nguyên, các chuyên luận y tế ghi nhận hành tây như một loại thuốc “... là một thuốc lợi tiểu, tốt cho tiêu hóa, tim, mắt và các khớp".2 Ngày này, với những nghiên cứu người ta ghi nhận với công hiệu của hành tây đối với các bệnh khác nhau như: Vị hăng của hành làm tăng lưu thông máu và sự tiết mồ hôi. Đặc biệt trong thời tiết lạnh, hành có tác dụng tránh nhiễm trùng, giảm sốt và phòng ngừa cảm lạnh và cúm rất tốt; Chất Quercetin trong hành tây có tác dụng chống oxy hoá rất mạnh, kết hợp với Selen giúp khử các gốc tự do, nguyên nhân gây ra nếp nhăn và sự chai cứng da nên rất tốt cho da, móng và tóc; Hành tây làm loãng máu, hòa tan cục máu đông và lọc các chất béo không lành mạnh ra khỏi máu. Sắc tố chứa xenton ở vỏ ngoài hành tây có tác dụng điều trị huyết áp; Hành tây là một chất kích thích tình dục mạnh, chỉ đứng thứ hai sau tỏi; v.v... 

Một cách chữa cúm hiệu quả

Hiện nay, có khoảng 170 nước trồng hành tây. Diện tích trồng nhiều hành tây trên thế giới ở một số nước có diện tích lớn (đơn vị tính ha): Trung Quốc 20.507.759; Ấn Độ 13.372.100; Mỹ 3.320.870; Ai cập 2.208.080; Thổ Nhĩ Kỳ 1.900.000; Pakistan 1.701.100; Brazil 1.556.000; Nga 1.536.300; Hàn Quốc 1.411.650, ...(Nguồn: UN Food & Agriculture Organisation – FAO, 2012).3

Giá trị dinh dưỡng trong mỗi 100g được chỉ ra như sau: năng lượng 166kj; Cacbonhydrat 9.34g; Đường 4.24g; Chất xơ: 1.7g; Chất béo 0.1g; Chất đạm 1.1g; Thiamin (B1) 0.046mg; Riboflavin (B2) 0.027mg; Niacin (B3) 0.116mg; Vitamin B6 0.12mg; Folate 19µg; Vitamin C 7.4mg; Vitamin E 0.02mg; Vitamin K 0.4µg; Canxi 23mg; Sắt 0.21mg; Magie 0.129mg; Ph

otspho 29mg; Kali 146mg; Natri 4mg; Kẽm 0.17mg; Nước 89.11g. (Nguồn: USDA Nutrient Database).3

Mùi đặc trưng và gây phản ứng chảy nước mắt khi bóc, cắt hành là sự hình thành một loại khí dễ bay hơi – syn-propanethial-S-oxit – kích thích các dây thần kinh trong mắt để tuyến lệ tiết ra nước mắt nhằm pha loãng và thải nó ra khỏi mắt.

2. Đặc tính thực vật: 

Hành tây thuộc chi hành (Allium), loài Allium cepa. Nó lần đầu tiên được chính thức được mô tả bởi Carl Linnaeus năm 1753. Hành tây theo đặc tính sinh học là loại cây thân thảo hai năm, nhưng với việc trồng và thu hoạch như hiện nay đã trở thành một cây trồng hàng năm.

Hoa: 

Hoa họp thành tán giả nằm ở đầu một cuống hoa hình ống, trơn, phình ở giữa. Hoa đơn, lưỡng tính, màu trắng, có cuống dài 15 – 40 mm. Cụm hoa có dạng hình cầu với những bông hoa màu trắng. Quả hạch có các hạt dày, màu đen bóng và có hình tam giác trong mặt cắt ngang.3 Hạt có cánh dày, đen nhạt, ráp. Có thể nhìn thấy núm nhụy còn tồn tại bên trên. Hoa chỉ hình thành vào đầu năm sau nếu không thu hoạch củ (vì thế theo đúng đặc tính thực vật người ta coi hành tây là cây hai năm mới kết thúc chu kỳ sống của nó).

Lá:

Lá màu xanh, hình trụ rỗng hơi phình ra ở trung tâm với một bên phẳng ở gốc lá, mọc theo hình rẻ quạt và mọc đối nhau. Mỗi cây thường có 6 – 7 lá, mỗi lá dài khoảng 40 – 50 cm. Các lá này thường lụi vào cuối vụ.

Củ: 

Củ hành thực chất là “thân giả” do các bẹ lá ôm lấy nhau xuất phát từ bộ phận có cấu tạo như một đĩa phẳng ở gốc. Củ hành có hình dạng tròn đều (hình cầu) hoặc tròn hơi dẹp hình bầu dục hoặc hình bầu dục dài, thường có màu vàng hay màu tím hoặc màu trắng. Củ được bảo vệ bởi lớp vỏ mỏng. 

 

Kích thước của củ hành phụ thuộc vào số lượng và kích thước của lá tại thời điểm củ hình thành và phát triển. Mỗi một lá sẽ tạo ra một lớp “bẹ” của củ và lá càng lớn thì đường kính của củ càng to. Độ cay của củ trồng ở những vùng có khí hậu ấm thường thấp hơn các nơi có khí hậu lạnh. Củ gần như không có tinh bột nhưng tích lũy carbohydrate hòa tan (chủ yếu là glucose, sucrose, fructose) với số lượng cao (5 – 6 g trên 100g). 

Joe Atherton (Anh) và củ hành nặng gần 7 kg. Ảnh: Oli Scarff.

Hành tây là một cây trồng ôn đới nhưng có thể được trồng trong điều kiện khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Hiệu quả tốt nhất có thể đạt được trong một thời tiết ôn hòa mà không có sự cực đoan về lượng mưa và nhiệt độ (quá lạnh và quá nóng). Tuy nhiên, hành tây có thể chịu được nhiệt độ đóng băng trong giai đoạn mới trồng. Cây hành có thể sống sót ở nhiệt độ - 6oC, nhưng sẽ chết khi nhiệt độ thấp hơn nữa. Nhiệt độ tối ưu cho sinh dưỡng giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng (từ mọc mầm trở đi) là 13 – 24oC còn các giai đoạn về sau là 16 – 25oC. 

Ánh sáng là một yếu tố rất quan trọng với quá trình sinh trưởng và phát triển của hành tây. Tùy theo giống mà thời gian chiếu sáng phải đạt khoảng 10 – 14 giờ/ ngày. Trong giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng, nhiệt độ thấp kết hợp với chu kỳ sáng ngắn là cần thiết, trong khi ở giai đoạn phát triển sau đó và hình thành củ lại cần nhiệt độ tương đối cao cùng với chu kỳ sáng dài. Quá trình hình thành củ về cơ bản được quy định bởi ánh sáng và chỉ xảy ra nếu độ dài ngày vượt quá một ngưỡng nhất định (thay đổi tùy theo giống cây trồng, vùng và thời điểm trồng).

Rễ của hành tây nói chung là ngắn và kém phát triển về số lượng. Do đó, điều quan trọng là duy trì độ ẩm đất trong phạm vi sâu 20 – 25 cm so với mặt đất.

 

Mặc dù có thể tồn tại trong thời gian dài khi có hạn hán, nhưng nguồn nước là rất quan trọng cho sự tăng trưởng, năng suất cũng như chất lượng của hành tây. Hành tây đòi hỏi độ ẩm tương đối khoảng 70% cho sự tăng trưởng. Một nguồn cung cấp dồi dào độ ẩm đất là cần thiết ngay từ đầu vụ để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Hành tây có thể phát triển tốt ở những nơi lượng mưa trung bình hàng năm là 650 – 750 mm và phân phối đều trong thời gian sinh trưởng. Trong điều kiện hạn hán, củ hành thường hình thành củ đôi hoặc nhiều củ bé trên một gốc hành. Tuy vậy, đất khô và độ ẩm thấp lại rất quan trọng cho quá trình thu hoạch. Khoảng thời gian cuối vụ độ ẩm cao có thể trì hoãn quá trình hình thành củ hoặc dẫn đến nứt vỏ.

Hành tây có thể được trồng ở tất cả các loại đất như thịt pha cát, phù sa, bùn sét pha và thậm chí đất sét nặng (lượng lưu huỳnh trong đất sét thường cao hơn các loại đất khác là nguyên nhân làm cho củ hành thường có mùi hăng hơn). Tuy nhiên, đất tốt nhất để trồng hành tây thành công là đất có tầng đế cày sâu, bở và đất phù sa với hệ thống thoát nước tốt, khả năng giữ độ ẩm và chất hữu cơ tốt. Hành tây có thể trồng thành công trên đất nặng với việc sử dụng phân hữu cơ với lượng lớn hơn bình thường cho giai đoạn bón lót trước khi trồng. Nhưng trong đất nặng, củ có thể bị biến dạng.  Khoảng pH tối ưu là 6,0 – 7,5 đối với bất kể loại đất nào, nhưng cũng có thể được trồng trong đất kiềm nhẹ. Hành tây rất nhạy cảm với đất có tính axit cao, đất kiềm, mặn và tình trạng ngập úng. Nó phát triển kém trong đất có độ pH < 6,0 vì thiếu nguyên tố vi lượng và lượng Al hoặc Mn cao thường dễ gây ngộ độc cho cây. Tuy nhiên, trên đất hữu cơ giàu mùn, hành tây có thể trồng với pH 4.

3. Kỹ thuật canh tác: 

Chọn đất, chuẩn bị đất:

Nên chọn đất trồng hành tây là đất pha cát, thịt nhẹ, không quá nhiều xác hữu cơ chưa phân giải, nơi trồng phải chủ động tưới tiêu, thoát nước tốt. 

Đất được cày, bừa kỹ. 

Lượng phân bón tùy theo vùng, chất đất mà có liều lượng cho phù hợp. Có thể tham khảo lượng phân bón như sau cho 1 ha: Phân hữu cơ 20 – 30 tấn. Ure 140 – 200 kg. Super lân 400 – 500kg. Sulfat kali 200 – 260kg. Ngoài ra có thể bón thêm vôi để bảo đảm pH 6 – 7. Tất cả lượng phân hữu cơ, vôi và 1/3 đạm, kali được bón lót trước khi lên luống.

Gieo hạt, mật độ:

Các tỉnh phía Bắc trồng vào vụ đông tiến hành gieo hạt từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 9, trồng từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 11. Các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ vụ chính gieo tháng 9, 10 hoặc vụ trái gieo cuối tháng 3 đầu tháng 4. 

Hành tây có thể trồng trực tiếp bằng củ giống hoặc qua vườn ươm. Trước khi cấy củ giống (hình bên trái) có thể ngâm chúng vào dung dịch chứa 20ppm (20 phần triệu) indoleacetic acid hoặc naphthalenacetic khoảng 12 tiếng để kích thích quá trình mọc mầm.

Vườn ươm: Làm đất kỹ, lên luống cao, rộng 1,2 m. Mỗi mét vuông gieo 3 – 4 hạt, lượng hạt cần để trồng 1 sào hành trung bình 100 g (gieo 25 – 30 m2 vườn ươm). Sau khi gieo dùng rơm rạ băm nhỏ hoặc trấu rắc lên trên và tưới đẫm. Sau 7 – 12 ngày hạt nẩy mầm. Cần giữ đủ ẩm cho cây con. 

Ruộng trồng: Làm đất kỹ, lên luống cao 20 – 30 cm, mặt luống ruộng 1,2 m trồng 4 hàng chạy dọc theo luống với khoảng cách hàng 25 – 30cm. Khoảng cách cây cách cây 15cm. Mật độ tương ứng sẽ là 150.000 – 170.000 cây/ha. Dùng cuốc rạch hàng, rải phân bón lót theo rạch và phủ lên trên lớp đất mỏng rồi trồng cây. 

Chăm sóc:

Trong vườn ươm, khi cây cao 3 – 5 cm cần tỉa bớt những cây yếu, cây xấu là những cây mọc đứng thẳng ngay từ đầu không qua giai đoạn “uốn gối”. Đặc điểm này dễ nhận biết khi cây con ở 15 – 20 ngày tuổi. 

Cây con đem trồng phải đúng tuổi từ 35 – 45 ngày tuổi có 5 – 6 lá thật mới nhổ trồng, nếu trồng sớm hành mau bén rễ và sớm cho thu hoạch nhưng củ nhiều nước khó bảo quản. Không lấp đất trên củ quá 1 – 2cm.

Lượng phân đạm và kali còn lại chia làm 3 lần bón thúc. Lần 1 sau trồng 20 ngày, lần 2 sau lần 1 là 20 ngày. Lần 3 bón khi cây bắt đầu hình thành củ. Chấm dứt bón thúc khi cổ lá bắt đầu héo (khoảng 3 tuần trước khi thu hoạch). Không nên bón thúc sau giai đoạn này với bất kỳ lý do gì.

Hành tây làm cần rất nhiều nước, nhưng đất không nên sũng nước tất cả các thời gian. Tưới theo nguyên tắc “chỉ cần đủ nước” tốt hơn so với “quá nhiều”. Tốt nhất, tưới đẫm mỗi tuần một lần chứ không nên tưới nhẹ mỗi ngày. Không tưới phun vào chiều tối. Dừng tưới khi chuẩn bị thu hoạch.

Thực hiện xới nông và làm cỏ sau mưa và sau tưới. Dừng việc này khi củ bắt đầu lộ trên mặt đất để tránh gây vết thương cơ học làm cho nấm bệnh dễ xâm nhập.

Thu hoạch:

Hành tây có thể thu hoạch khi 80 – 90% cổ áo héo, mềm và ngọn lá trở thành màu vàng và bắt đầu đổ gục xuống (khoảng 100 ngày sau trồng). 

Cần để nguyên cả cây sau khi thu và hong khô một vài ngày trước khi cắt bỏ phần lá và rễ. Tránh làm bong lớp vỏ mỏng ngoài cùng.

4. Dịch hại chính: 

Các loại sâu hại chính gồm: Sâu xanh da láng (Spodoptera), Sâu khoang (Agrostis), Bọ trĩ hại hành (Thrips),...

Các loại bệnh thường gặp gồm: Bệnh thối trắng (Sclerotinia), Bệnh giả sương mai (Peronospora), Bệnh đốm vòng (Alternaria), Bệnh cháy lá (Bostrytis),...

      

D.A.M