Đốm nâu

Giới thiệu chung

Bệnh đốm nâu trên cây thanh long hay còn gọi là bệnh đốm trắng, tắc kè, bệnh ma, bệnh ung thư…được thông báo gây hại tại Đài Loan năm 2012 với tên gọi bệnh “ung thư”, cũng năm 2012 bệnh được công bố xuất hiện tại Quảng Đông, Trung Quốc với tên gọi bệnh “đốm nâu”. Tuy nhiên chắc chắn rằng bệnh đã xuất hiện trước đó, để năm 2012 đã có các công trình nghiên cứu bước đầu về bệnh này. Ở nước ta bệnh gây hại trên diện rộng vào năm 2012 tại các tỉnh:  Bình Thuận, Tiền Giang và Long An Bệnh  gây thiệt hại nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng quả thanh long và có xu hướng ngày càng phát triển. Đây là loại bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến sản xuất thanh long bền vững, phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

1.1 Triệu chứng  

Bệnh gây hại tất cả các bộ phận trên cây thanh long, nhưng thiệt hại rõ ràng nhất là trên cành và quả thanh long.

Ban đầu vết bệnh lõm xuống Vết bệnh sau đó chuyển mầu trắng và có đốm mầu nâu ở trung tâm vết bệnh

 

Vết bệnh chuyển mầu nâu và nổi lên trên mặt cành thanh long  Vết bệnh liên kết như da tắc kè

Trên cành: Ban đầu vết bệnh là những chấm li ti (như vết kim châm) nhỏ hơi lõm xuống trên mặt cành thanh long và chuyển sang màu trắng sau khoảng 3-4 ngày vì thế người ta gọi là bệnh “đốm trắng”. Về sau vết bệnh xuất hiện những chấm nhỏ màu vàng cam ở vị trí trung tâm được bao bọc bởi vòng tròn màu vàng. Vết bệnh dần dần nổi lên trên mặt cành thành đốm tròn màu nâu và có tên gọi bệnh “đốm nâu”. Điều kiện thuận lợi, các vết bệnh lan rộng ra, liên kết nhau thành từng mãng lớn làm sần sùi bề mặt cành, loang lổ giống như da tắc kè và lúc này người ta gọi là bệnh “tắc kè”. 

Trên quả: Bệnh cũng có triệu chứng giống như trên trên cành thanh long. Bệnh  gây hại ở tất cả các giai đoạn phát triển của quả, Nhưng ở giai đoạn quả lớn nhanh và giai đoạn chuẩn bị chín thì triệu chứng là rõ ràng nhất. 

Trên cành thanh long có nhiều dạng vết bệnh khác nhau

Vườn thanh long bị bệnh thì năng suất và chất lượng quả đều bị giảm. Khi quả bị bệnh làm mã quả xấu, chất lượng kém không thể đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

1.2 Nguyên nhân 

Bệnh đốm nâu trên thanh long do nấm Neoscytalidium dimidiatum gây ra. Nấm này cũng được ghi nhận gây bệnh trên cây xoài, cam, nho…. Nấm Neoscytalidium dimidiatum thuộc lớp nấm túi Ascomycetes. Sợi nấm phát triển trong mô cây bệnh, thường có mầu nâu tối, nhiều vách ngăn. 

Bào tử đốt (Arthroconidia) hình thành theo chỗi từ một sợi nấm bất kỳ của nấm gây bệnh trong mô bệnh hay trên môi trường nuôi cấy nhân tạo. Bào tử nấm hình trụ tròn hoặc ôvan, có từ  0 – 2 vách ngăn. Kích thước 4-6 X 7-12 µm. Trên vết bệnh bào tử được giải phóng từ các vết nứt của vết bệnh.

Bào tử nấm Neoscytalidium dimidiatum trên thanh long Sợi nấm và bào tử đốt của nấm Neoscytalidium dimidiatum

1.3 Phát sinh gây hại 

Nhiệt độ thích hợp cho nấm phát triển từ 28-350C và ẩm độ  cao thuận lợi cho nấm phát sinh và gây hại.

Nấm bệnh lây lan trên đồng ruộng qua gió, nước mưa, dụng cụ đốn tỉa…

Vết thương cơ giới trên cành do đốn tỉa, gai của cành thanh long gây ra thuận lợi cho nấm xâm nhập và gây bệnh.

Ở các tỉnh phía Nam, mùa mưa bệnh thường lây lan nhanh và gây hại nặng hơn so với mùa mùa khô.

Tưới phun hay tưới chùm thuận lợi cho bệnh gây hại nặng hơn so với tưới gốc hặc tưới nhỏ giọt.

Trụ thanh long không được đốn tỉa bệnh thường nặng hơn.

Biện pháp canh tác

Trồng mới bằng giống sạch bệnh.

Thăm vườn thường xuyên, tỉa bỏ và tiêu huỷ triệt để bằng cách cắt và chôn sâu hoặc đốt các bộ phận cây, quả bị nhiễm bệnh. Nên sử dụng máy băm cành thanh long để băm nhỏ cành bị nhiễm bệnh và ủ hoai sử dụng làm phân hữu cơ. Sau  mỗi vụ thu hoạch cần cắt tỉa để loại bỏ bớt những cành vô hiệu, cành bị bệnh, cành nằm sâu bên trong tán để tạo điều kiện thông thoáng cho trụ thanh long và cả vườn thanh long.

Bón phân N-P-K, trung vi lượng cân đối, đầy đủ và hợp lý theo quy trình kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn khuyến cáo. Chú ý không nên bón quá nhiều phân đạm (hoặc phân bón lá) để thúc cây ra đọt non.

Bón bổ sung nhiều phân hữu cơ hoai mục kết hợp với nấm đối kháng Trichoderma cho cây sau mỗi kỳ thu hoạch. 

Xây dựng hệ thống thoát nước trên ruộng.  Chú ý thoát nước đọng trên vườn trong mùa mưa.

Điều chỉnh số lần xử lý ra hoa trái vụ phù hợp với sinh trưởng của vườn cây, tránh khai thác quá mức dẫn đến cây suy kiệt và dễ bị nhiễm bệnh.

Biện pháp thuốc BVTV

Sau khi thu hoạch quả cuối vụ, cắt tỉa cành nhiễm bệnh, cành vô hiệu để tạo điều kiện thông thoáng… cần phun thuốc trừ nấm phổ rộng để trừ bệnh và khử trùng các vết cắt nhằm hạn chế nấm bệnh xâm nhiễm, gây hại.

Khi bệnh mới xuất hiện, tiến hành phun thuốc càng sớm càng tốt, chú ý phun luân phiên các loại thuốc chứa hoạt chất Mancozeb, Propiconazole …7-10 ngày/lần tuỳ vào điều kiện thời tiết.              

Lưu ý: Cần phun ướt đều toàn tán cây, kể cả những cành phía bên trong tán theo nguyên tắc  4 đúng và đảm bảo thời gian cách ly thuốc an toàn đối với vườn thanh long chuẩn bị thu hoạch. Nấm gây bệnh đốm nâu lây lan theo gió, do vậy cần tiến hành phòng chống mang tính cộng đồng, trên diện rộng.

Tài liệu tham khảo