Héo vàng

Giới thiệu chung

Fusarium oxysporum f. sp. lycopersici (Sacc.) W.C. Snyder and H.N. Hans

Nấm F. oxysporum có nhiều chủng khác nhau mà mỗi loại lại chỉ gây hại một loài thực vật cụ thể (Ví dụ: F. oxysporum f.sp. cubense gây bệnh héo dứa; F. oxysporum f.sp. vasinfectum – héo bông; F. oxysporum f.sp. batatas  - héo và thối rễ khoai lang; F. oxysporum f.sp. lycopersici – héo cà chua; F. oxysporum f.sp. asparagi – héo măng tây; F. oxysporum f.sp. melonis – héo dưa bở và  dưa vàng; F. oxysporum f.sp. zingiber – héo gừng); F. oxysporum f. sp. melongenae – héo cà tím; F. oxysporum var. vasinfectum – héo hạt tiêu;...) và hơn nữa các chủng này lại có những týp sinh học khác nhau. Ngay cả Fusarium oxysporum f. sp. lycopersici cũng có đến 3 chủng (1,2,3) cùng gây hại trên cà chua. Do đó, công việc tạo giống kháng bệnh này là rất khó khăn (Armstrong và Armstrong, 1981).

Nấm F. oxysporum còn gây hại trên chuối, đậu, bông, đậu đũa, dưa chuột, đậu bắp, chanh dây, đậu Hà Lan, ớt các loại, đậu triều, bí ngô, vừng, rau chân vịt (spinach), dưa hấu, Yam (các loại củ như củ mỡ, củ mài, sắn, khoai sọ,...).

Fusarium oxysporum f. sp. lycopersici được coi là một trong những tác nhân gây bệnh quan trọng cho cà chua trên toàn thế giới. Phòng chống nó là một thách thức không nhỏ cho những người nông dân. 

Kể từ khi căn bệnh này đã được mô tả lần đầu tiên ở Anh vào năm 1895 thì cho đến nay F. oxysporum f. sp. lycopersici, đã được báo cáo ở ít nhất 32 quốc gia trên toàn thế giới (Jones và cộng sự, 1991), trong đó đặc biệt nghiêm trọng ở các nước có khí hậu ấm áp. Đối với những nước có khí hậu lạnh hơn thì tác hại của bệnh thường bị hạn chế bởi nhiệt độ thấp nhưng cà chua trồng trong nhà kính có thể bị hại nghiêm trọng. 

Thiệt hại từ F. oxysporum f. sp. lycopersici có thể được đưa ra rất cao vì tác hại của nó dễ kết hợp các tác nhân gây bệnh khác (Walker, 1971). Mức độ gây hại của bệnh chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố bao gồm mức độ nhiễm của cây, điều kiện môi trường như nhiệt độ đất và không khí, độ ẩm đất, cây trồng và độ phì của đất. Thiệt hại năng suất lên đến 45% do F. oxysporum f. sp. lycopersici thời gian gần đây đã được báo cáo ở Ấn Độ (Ramyabharathi và cộng sự, 2012). Thiệt hại trên cà chua ở bang Uttar Pradesh do bệnh héo vàng từ 25.14% đến 47.94% (Enespa và Dwivedi, 2014). 

Có hai dạng loài (speciales formae) cùng gây hại trên cà chua: F. oxysporum f.sp. lycopersici (Fol) gây bệnh héo vàng lá và F. oxysporum f.sp. radicis – lycopersici (Forl) gây thối rễ và miền sinh trưởng. 

 

Hình 1: Cánh đồng khoai tây bị hại bởi F. oxysporum f.sp. lycopersici tại Florida (Mỹ). Ảnh của Sở Nông nghiệp và dịch vụ tiêu dùng Florida. Bugwood.org

1.1 Triệu chứng

Bệnh héo vàng do nấm F. oxysporum f.sp. lycopersici gây hại cà chua có thể xuất hiện ở bất kỳ giai đoạn nào của cây và thường xảy ra khi nhiệt độ không khí và đất cao.1

Ở trên cây giống bị nhiễm bệnh thì cây còi cọc, các lá già héo rũ và cuối cùng cây con bị chết. Hình 2. Mức độ thấp còi phụ thuộc vào thời gian bị nhiễm bệnh sớm hay muộn. Cây bị nhiễm khi còn trẻ sẽ còi cọc nặng nề hơn so với các cây bị nhiễm ở giai đoạn sau. 2,3,4

Hình 2: Cây con giống bị nhiễm bệnh (bên phải). 

Triệu chứng nhìn thấy bắt đầu là xuất hiện biểu hiện héo và chuyển màu ở một bên của một trong những lá ở vị trí thấp nhất trong cành (hiện tượng héo thường xảy ra vào thời gian nóng nhất trong ngày nhưng có thể biến mất vào chiều mát và đêm). Khi các triệu chứng tiến triển biểu hiện héo xuất hiện cả phía bên kia của cành và sau đó là toàn bộ cành. Các lá bị héo nhưng vẫn gắn liền với cây. Những lá héo đó nhanh chóng bị khô và rụng. Những cây bị nặng có thể chết trước khi trưởng thành.1,3,5,8,11,12 Hình 3.

 

Hình 3: Cây con bị chết do nhiễm bệnh nặng.

Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh héo vàng cà chua thường thể hiện rõ trên các cây trưởng thành sau khi ra hoa và vào lúc bắt đầu cho trái.4,9,10,12,15

Vào thời kỳ này, các lá phía thấp nhất của một cành có màu vàng trên một nửa phiến lá (được giới hạn bởi gân chính).1,3,7,13 Hình 4 a. Khi có điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển thì màu vàng dần dần xuất hiện trên tất cả các phiến lá trên cành theo hướng từ dưới lên. Nhưng lúc đầu cũng chỉ có ở một bên cành (hình 4 a,b,c). Sau đó lan ra toàn bộ số lá có trên cành. Hình 5.

(a) (b) (c)

Hình 4 a,b,c: Hiện tượng vàng một bên lá (mũi tên 4a) và một bên của cành.

 

Hình 5: Toàn bộ lá trên một cành bị vàng.

Trên những cây bị bệnh, nếu cắt ngang thân thì thấy có một vòng tròn màu nâu đậm chạy quanh chu vi thân cây. Hình 6. Nếu cắt vào mạch gỗ dọc thân từ gốc lên phía trên thì ở lớp biểu bì và mô vỏ cây trên thân chính sẽ có những vệt nâu đậm đến đỏ tía. Hình 7 a,b,c,d.

Hình 6: Vòng tròn màu nâu trên thân cây bị bệnh.

(a) (b) (c) (d)
Hình 7 a,b,c,d: Vệt màu nâu chạy dọc theo thân của cây bị bệnh do F. oxysporum f.sp. lycopersici.

Khi bệnh trở nên trầm trọng hơn, sự đổi màu mạch dẫn có thể phát triển đến các bó mạch của cuống lá (Walker, 1971; Jones và cộng sự, 1991). Hình 8. Các triệu chứng này thường xuất hiện khi kích thước quả cà chua đạt tới giới hạn tối đa.9

Hình 8: Bó mạch ở cuống lá có màu nâu.

Lưu ý là trong khi các mô mạch dẫn chuyển màu thì phần lõi và phần vỏ thân cây vẫn giữ màu xanh4 (hình 7 b,c) và thân cây vẫn vững chắc.1,12,13 

Sự chuyển màu của hệ thống mạch dẫn là đặc trưng của bệnh do héo vàng và thường được sử dụng để nhận dạng bệnh này. 

Trong điều kiện thời tiết ẩm ướt, có một lớp nấm màu trắng, hồng hoặc da cam xuất hiện trên lớp vỏ cành bị chết hoặc trên những vết thương hay sẹo lá (vị trí đính cành hoặc lá) của những cây bị bệnh nặng, chết.2,11 

 

Hình 9: Sẹo lá (ảnh minh họa).

Nếu cây không chết, nhưng sinh trưởng kém, khả năng tạo quả rất thấp.7,8,11,12,14  Bất kỳ quả sản xuất trên cây bị nhiễm bệnh thường có chất lượng kém. Hình 10.

 

Hình 10: Cây cà chua bị bệnh nặng.

Bệnh có thể gây thối quả nhưng không phổ biến. Khi quả được cắt ngang người ta quan sát thấy có sự thay đổi màu của các mô ở thịt quả, có một vòng màu nâu có thể được nhìn thấy xung quanh các cạnh của trái cây và ở các vách phân chia ranh giới. Hình 11a,b.

(a) (b)
Hình 11 a,b: Quả cà chua bị bệnh do F. oxysporum f.sp. lycopersici (chủng 1 – 3, hình 11 a)

Lưu ý: 

Cùng với F. oxysporum f.sp. lycopersici (Fol) thì còn có F. oxysporum f.sp. radicis – lycopersici Jarvis and Shoemaker (Forl) – được phát hiện lần đầu ở Nhật Bản năm 1969 – cũng gây héo vàng. Tuy nhiên, giữa chúng có một số khác biệt. Forl gây thối gốc và rễ (triệu chứng này ở Fol không có); vệt nâu của các mô của bó mạch thường không kéo dài lên trên quá 20 – 30cm; trên phần thân sát gốc hình thành những rễ bất định.16 Hình 12 a,b,c. 

(a) (b) (c)
Hình 12: a – F. oxysporum f.sp. radicis – lycopersici gây loét và thối gốc, rễ. b – Vệt nâu của các mô mạch dẫn không kéo dài. c – hình thành các rễ bất định.

Trên cây cà chua cũng có hiện tượng héo do nấm Verticillium gây ra. Hình 13. Tuy nhiên những vệt màu nâu trên các mô mạch dẫn của nấm Verticillium không kéo dài lên phía trên của thân. Chúng không xuất hiện ở cuống lá. Hiện tượng héo bởi Verticillium thường xảy ra khi cây trồng đang tiến gần đến giai đoạn cuối của quá trình sinh trưởng. Còn héo do Fusarium có thể ảnh hưởng đến cây cà chua tại bất kỳ giai đoạn tăng trưởng nào. Vết bệnh trên lá do Verticillium có màu vàng hình chữ V.

(a) (b) (c)
Hình 13: Cây cà chua bị héo bởi Verticillium.

 

Hình 14: Héo cà chua do Fusarium và Verticillium.

Vi khuẩn cũng gây héo cho cà chua. Để phân biệt dùng phương pháp xác định “dòng vi khuẩn” khi đặt một đầu đoạn thân đã bị cắt trong cốc nước sạch. (Xem các bài về vi khuẩn hại lạc, cà chua, ớt).

Hiện tượng héo còn do thiếu nước, do côn trùng chích hút và hại rễ, bón phân quá cao, thuốc diệt cỏ,...

1.2 Nguyên nhân

Fusarium oxysporum f. sp. lycopersici là một loại nấm truyền bệnh từ đất. Các đặc điểm hình thái mầm bệnh và khuẩn lạc của nó là tương tự như các loại nấm F. oxysporum khác. Trên môi trường PDA và Czapek, sợi nấm trong suốt, phân nhánh. Hình 15. 

 

Hình 15: Các sợi nấm của Fusarium oxysporum.

Khuẩn lạc có màu màu trắng, màu xám hay màu hồng nhạt. Hình 16 a,b.

(a) (b)
Hình 16 a,b: Khuẩn lạc trên môi trương PDA (trái) và Czapek (phải).

Nấm Fusarium oxysporum f. sp. lycopersici  thường dễ dàng phân lập từ mô mạch của những cây có triệu chứng bệnh.18

Các sợi nấm trong suốt (hình 12) được hình thành từ các bào tử đơn bào vô tính: bào tử đính nhỏ (Microconnidia) và bào tử đính lớn (Macrocondia). Hai loại bào tử này thường hình thành từ các sợi nấm trong mọi điều kiện. Chúng cũng là loại bào tử thường xuyên hình thành bên trong các mạch dẫn của cây bị bệnh.

 

Bào tử đính nhỏ đơn bào, hình elip hay hình quả bầu dục, không có vách ngăn, có kích thước 5 – 12 x 2 – 4μm 8,18,19. Hình 17.

 

Hình 17: Bào tử đính nhỏ. Ảnh: Toussoun, T.A., and Nelson, P.E. 1976.

Bào tử đính lớn đơn bào, trong suốt, có hình cong lưỡi liềm, có từ 3 – 6 vách ngăn thậm chí có đến 7 vách ngăn17. Hình 18 a,b,c. Bào tử ba vách ngăn là phổ biến hơn.8,19 Nó thường được tạo ra trên bào tử phân nhánh hoặc trong các cấu trúc được gọi là khối bào tử và hình thành từ khuẩn ty khí sinh (aerial mycelium).18 Phần gốc có cuống nhỏ. Đáng chú ý, bào tử đính lớn có thể tồn tại trong đất mà vẫn giữ được khả năng lây bệnh sau 30 năm.19 

Kích thước bào tử 3 vách ngăn là 27 – 46 x 3 – 5µm, năm vách ngăn 35 – 60 x 3 – 5μm;8 bốn vách ngăn 25 – 45 x 3 – 5μm, sáu vách ngăn 35 – 60 x 3 – 5μm.18 

(a) (b) (c)
Hình 18 a,b,c: Bào tử đính lớn.

Bào tử hậu (Chlamydospore) bên ngoài mịn hoặc bao quanh bằng vách thô. Hình 19 a,b. Chúng thường tồn tại đơn độc, nhưng đôi khi hình thành trong một cặp đôi hoặc chuỗi. Có kích thước 5 – 13 μm.19

(a)  (b)
Hình 19 a,b: Bào tử hậu.

Bào tử hậu phát sinh từ sự biến cải của thành sợi nấm hay tế bào của bào tử vô tính. Thường được hình thành ở giai đoạn sinh trưởng cuối cùng của cây cà chua (khi cây đã cạn kiệt chất dinh dưỡng) và điều kiện môi trường không thuận lợi (Smith, 2007). Trong điều kiện thuận lợi thì lại nảy mầm trở lại do tác động của dịch tiết từ rễ cây cà chua (Kommedahl, 1966). De Cal và công sự (1997) báo cáo rằng lây nhiễm bằng bào tử hậu sẽ gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với bào tử đính nhỏ.10 

1.3 Phát sinh gây hại

F. oxysporum f. sp. lycopersici tồn tại trong tàn dư cà chua hơn 10 năm (Katan, 1971) đến vô thời hạn (Agrios, 2005) mà không mất khả năng gây bệnh của mình. Nó là một loại nấm hoại sinh sống trên các tàn dư thực vật.19

Nấm bệnh gây hại nghiêm trọng nhất trong điều kiện thời tiết nóng, khi nhiệt độ không khí và đất là 25°C – 32°C với ở khoảng tối ưu 27°C – 28°C. Nhiệt độ > 34°C hoặc trong khoảng 17°C – 20°C thì bệnh phát triển chậm. Nếu nhiệt độ đất là tối ưu nhưng nhiệt độ không khí bên dưới tối ưu thì các mầm bệnh sẽ phát triển ở phần dưới của thân cây và khi đó cây sẽ không thể hiện triệu chứng ra bên ngoài.8,11 Ở nền nhiệt độ thấp 14°C nấm bệnh có thể xâm nhiễm vào hạt giống.19

Bệnh có xu hướng nghiêm trọng nhất trong đất cát và thường nhẹ hơn trong các loại đất sét nặng (Larkin và cộng sự 2002). Đất có độ pH thấp (5 – 5,6) rất thích hợp cho nấm bệnh phát triển.

Các loại nấm cũng có thể tồn tại trong hệ thống rễ của nhiều loài thực vật bao gồm cả cỏ dại phổ biến như loài Crabgrass (Cỏ chỉ leo; Cỏ chân nhện – thực vật có hoa trong họ Hòa thảo thuộc chi Digitaria), mallow (cây cẩm quỳ) và pigweed (rau dền dại). 

Quá trình xâm nhiễm bắt đầu thông qua vết thương ở rễ và sau đó lan rộng ra khắp cây nhờ hệ thống mạch dẫn. Các loại nấm tiến hành xâm nhập vào cây hoặc bằng ống mầm hoặc trực tiếp bằng các sợi nấm. Rễ có thể bị nhiễm trực tiếp qua chóp rễ, thông qua vết thương ở rễ hoặc tại điểm hình thành rễ phụ. 

Nấm bệnh có thể được lan truyền qua hạt giống, cấy giống bị nhiễm bệnh, nước, đất bị nhiễm nấm, các vật dụng làm giàn, máy móc và các công cụ chăm sóc,... Các loại côn trùng cũng góp phần vào việc lan truyền bệnh như Scatella stagnalis Diptera Fall. (Corbaz và Fischer, 1994; Matsuda và cộng sự, 2009) hay muỗi nấm – Bradysia spp. Diptera (Gillespie và Menzies, 1993).

Chu kỳ gây hại của F. oxysporum f. sp. lycopersici như hình dưới: 

 

Để quản lý dịch hại cần áp dụng các biện pháp:

Biện pháp canh tác

2. Biện pháp canh tác

Các biện pháp canh tác sử dụng để ngăn ngừa tác hại của bệnh héo vàng cà chua do nấm F. oxysporum f. sp. lycopersici gặp nhiều khó khăn khi nấm bệnh có thể tồn tại trong đất với thời gian dài, có nhiều chủng gây hại khác nhau. Tuy nhiên, việc sử dụng liên hoàn biện pháp này cũng góp phần giảm tác hại của nấm.

Cây trồng sau thu hoạch cần nhanh chóng thu gom và tiêu hủy bằng cách đốt hoặc sử dụng thuốc diệt cỏ. Không nên chôn, ủ thành đống. 

Nếu có thể, cày sâu và bỏ ruộng hoang trong thời gian 2 – 3 tháng. Bón vôi để nâng độ pH của ruộng lên 6.5 – 7.0. 

Nơi nào có điều kiện sử dụng màng phủ theo luống.

Giống (hạt giống, cây con) cần mua ở những cơ sở có uy tín. Hạt giống nhất thiết phải xử lý trước khi gieo.

Không trồng cây con vào những ngày có mưa hoặc đất quá ẩm. Không nên luân canh với những cây trồng họ cà (khoai tây, cà chua, ớt, cà tím,...) hoặc bố trí ruộng cà chua liền kề với những cây trồng này. Ở Cuba, xen canh cà chua với ngô làm tăng năng suất cà chua hàng năm 5 – 6 tấn/ ha (Wolfswinkel, 2010). Ở những nơi bị bệnh nặng có thể luân canh với bắp cải và súp lơ trong ít nhất 4 – 5 năm. 

Bón N – P – K cân đối. Lưu ý sử dụng nguồn nitơ nitrat (ví dụ: canxi nitrat) chứ không phải là nguồn của amoni nitơ (ví dụ: amoni nitrat).

Tưới theo gốc, không tưới tràn. Không tưới quá đẫm, đặc biệt là vào đầu vụ. Sử dụng nguồn nước không bị ô nhiễm bởi nấm bệnh. 

Trong khi chăm sóc (vun xới, buộc giàn,...) hạn chế làm tổn thương cây.

Trong nhà kính các loại nông cụ cần được khử trùng thường xuyên để tránh lây nhiễm từ cây bị bệnh sang cây khỏe. Khử trùng đất ở khu vực gieo giống. Các cấu trúc trong nhà kính: thùng, băng ghế, dụng cụ và toàn bộ diện tích phải được làm sạch thường xuyên sau mỗi vụ. Sử dụng tiệt trùng đất, nếu có thể. 

Ghi chú: Ảnh minh họa từ nguồn Internet.

Biện pháp thuốc BVTV

Sử dụng thuốc BVTV theo 4 đúng.

(Liên hệ với chúng tôi)

 

D.A.M

Tài liệu tham khảo