Nấm cóc

Giới thiệu chung

Bệnh nấm cóc, có nơi nông dân còn gọi là bệnh mụn cóc thường gây hại nặng trên cây hoa cúc đại đóa. Bệnh này rất phổ biến ở các vùng trồng cúc. Bệnh làm giảm giá trị thương phẩm của hoa cúc. Người mua hoa không chỉ chọn hoa đẹp mà chọn cả bộ lá đẹp của cành hoa. Người ta cho rằng bệnh có nguồn gốc từ Trung Quốc và Nhật Bản, sau đó lan dần qua các nước khác theo giống, gió và hoa cắt cành.

1.1. Triệu chứng 

Bệnh gây hại chủ yếu ở mặt dưới của lá, nhưng cũng có trường hợp bệnh gây hại trên cuống lá, đài hoa, cành non và thân cây. Lá bị bệnh ban đầu quan sát thấy mặt trên của lá chuyển mầu vàng, sau chuyển mầu nâu, có nhiều mụn nổi lên ở  mặt dưới lá của lá bị bệnh . Mặt dưới của lá lúc này quan sát thấy các mụn nấm mọc nổi ở lá như da cóc. Các vết bệnh có thể liên kết với nhau làm cho lá nhanh khô và rụng sớm. Trên cây hoa cúc các lá phía dưới thường bị bệnh trước và lan dần lên các lá phía trên. Cây bị bệnh phát triển chậm và làm giảm vẻ đẹp của cành hoa.

Bệnh mụn cóc nâu trên cây hoa cúc, mặt trên và mặt dưới của lá bị bệnh Bệnh mụn cóc trắng trên cây hoa cúc, mặt trên và mặt dưới của lá bị bệnh

 

Bệnh mụn cóc nâu trên cây hoa cúc, mặt dưới của lá bị bệnh

Trên đồng ruộng quan sát thấy có 2 dạng triệu chứng: mụn cóc mầu trắng  và mụn cóc mầu nâu. Do vậy nông dân còn gọi là bệnh mụn cóc trắng (Gỉ trắng) và mụn cóc nâu (Gỉ nâu). Ở nước ta, vùng miền Trung người ta thường trồng cúc đại đóa vào các chậu và bán trong dịp tết âm lịch. Các chậu hoa bị bệnh thường bị ở các lá dưới trước. Vì là hoa chậu cần được giữ cả bộ lá nên bệnh tiếp tục phát triển lên các lá phía trên làm chậu hoa cúc sớm tàn khi gặp điều kiện ẩm độ cao. 

1.2. Nguyên nhân

Người ta đã xác định bệnh mụn cóc trên hoa cúc do nấm gỉ sắt gây ra. Mụn cóc trắng do nấm Puccinia horiana và mụn cóc nâu do nấm Puccinia chrysanthemi Roze gây ra.

Ở nước ta, cả bệnh mụn cóc trắng và mụn cóc nâu thường chỉ quan sát được đông bào tử và ít khi ghi nhận hạ bào tử. Trong khi đó bệnh gỉ sắt trên cà phê lại chỉ xuất hiện hạ bào tử và ít khi quan sát được đông bào tử. Đông bào tử của nấm mụn cóc nâu thường lớn hơn đông bào tử của bệnh mụn cóc trắng. Tuy nhiên chúng giống nhau về hình dạng. 

Đông bào tử nấm mụn cóc mầu nâu (gỉ nâu) trên hoa cúc tại Đăk Lắk. Nguồn Viện BVTV

Đông bào tử của bệnh mụn cóc trắng (Puccinia horiana) hình chùy có hai tế bào (hay đông bào tử có một vách ngăn). Kích thước bào tử 27 - 41 x 11 - 18 µm. Cuống bào tử dài từ 20 - 40 µm.

Đông bào tử nấm mụn cóc trắng  trên hoa cúc (Gỉ trắng), Nguồn J.Hernandez

Đông bào tử của nấm gây mụn cóc nâu Puccinia chrysanthemi cũng dạng hình chùy có một cách ngăn. Kích thước 35 - 57 x 20 - 25 µm; và cuống bào tử của nấm mụn có dài từ 35 - 60 µm.

1.3. Phát sinh gây hại 

Cả bệnh mụn cóc trắng và mụn cóc nâu đều phát triển thuận lợi ở nhiệt độ từ 15 - 22oC, ẩm độ không khí trên 90%. 

Ở các tỉnh phía Bắc bệnh thường gây hại nặng ở vụ cúc trồng trong vụ đông và vụ xuân có điều kiện lạnh và ẩm.

Tại Lâm Đồng bệnh gây hại quanh năm. Các tỉnh duyên hải trung Bộ bệnh gây hại nặng hơn trong vụ đông từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau.

Ở nước ta nấm tồn tại trên tàn dư cây bệnh chủ yếu ở dạng đông bào tử. Trên đồng ruộng bệnh lây lan nhờ gió.

Bệnh lây lan từ vùng này qua vùng khác qua hoa chậu và hoa cắt cành.

Bệnh phát sinh và gây hại nặng trên những ruộng trồng mật độ cao và bón nhiều phân đạm.

Biện pháp canh tác

Không trồng cúc với mật độ qua dầy

Bón phân cân đối, hạn chế bón nhiều phân đạm từ giai đoạn cúc phân hóa mầm hoa.

Khi cúc bị bệnh cần thu gom các lá ở tầng lá dưới và tiêu hủy.

Hạn chế tưới phun khi ruộng cúc hoặc chậu cúc đã bị bệnh.

Biện pháp thuốc BVTV

(Liên hệ với chúng tôi)