Ớt chaparita đã được nhân giống ở Việt Nam và bán thử nghiệm với giá 50 triệu đồng một kg khô, rẻ hơn chục lần hàng nhập khẩu.
Được mệnh danh là gia vị đắt nhất thế giới, và ít được trồng đại trà nên ớt charapita càng trở nên quý hiếm. Nông sản này liên tục tạo “cơn sốt” ở Việt Nam khi được nhiều nhà hàng cao cấp và giới nhà giàu săn đón. Ở một số quốc gia, giá của loại này được bán cho các nhà hàng cao cấp tới 25.000 USD một kg, tức hơn nửa tỷ đồng.
Nắm bắt được nhu cầu, cách đây 2 năm, ông Cường, ở Đăk Nông đã nhập khẩu giống ớt charapita từ châu Âu về trồng thành công tại khu vườn của mình và nhân rộng chúng lên được hơn 20.000 cây. Hiện khu vườn ớt nhà ông Cường cho trái đợt đầu với số lượng vài chục kg.
Ớt charapita có vị cay hơn hẳn các loại ớt khác.
“Vì ra bói đợt đầu nên tôi mới chỉ mở bán cho các nhà hàng hoặc người dân có nhu cầu với giá 10 triệu đồng một kg tươi và 50 triệu đồng một kg khô để theo dõi xu hướng tiêu dùng. Ngoài mục đích bán trong nước, tôi cũng đang tìm thị trường nước ngoài để xuất khẩu”, ông Cường nói và cho biết, loại cây này không quá khó trồng, chỉ cần biết kỹ thuật là cây cho trái đều.
Theo chị Thảo, người phân phối sản phẩm này, ớt charapita vốn dĩ đắt đỏ vì có các thành phần tốt cho sức khỏe, có thể giúp giảm đau, hỗ trợ tiêu hóa và chống viêm nhiễm tốt. Lượng vitamin C trong mỗi quả ớt lên đến 76,4 mg (tương đương với một quả cam trọng lượng trung bình), đây là chất chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa quá trình lão hóa lên các tế bào. Ngoài ra, hàm lượng cao vitamin A có trong ớt charapita còn giúp sáng mắt, ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng của mắt.
Giống ớt charapita có nguồn gốc từ Peru, đa phần mọc hoang dại. Chúng là loại cây trung hạn, có độ cao 40 – 55 cm, tán rộng 35 – 45 cm, sinh trưởng tốt khi ở nhiệt độ 16 – 45 độ C, cho thu hoạch quả sau 90 ngày. Mỗi cây có hàng trăm quả nhỏ tròn, màu đỏ hoặc vàng, nhưng màu vàng phổ biến hơn cả.
Độ cay của ớt charapita lên tới 30.000 đến 50.000 độ cay Scolville, thậm chí còn cao gấp 4-20 lần ớt jalapeño nổi tiếng. Theo mô tả, độ cay này thậm chí có thể “làm thủng” lưỡi, được khuyến cáo không nên ăn tươi.
Loại ớt này chủ yếu được dùng dưới dạng bột và được các đầu bếp đẳng cấp thế giới đánh giá cao. Ớt charapita thường được cho vào các món súp, thêm vào món salad, thịt…
Hồng Châu (Vnexpress)