Atiso không bán được, người trồng lao đao

Nhiều nhà vườn ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng đang gặp cảnh khó khăn do mô hình trồng Atiso không mang lại hiệu quả, khiến người trồng lao đao.

Vụ Atiso năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Phương ở xã Lát, huyện Lạc Dương đã phải nhổ bỏ hơn 3 sào để chuyển sang các loại cây trồng khác. Chị Phương cho biết, năm 2018 gia đình tham gia vào mô hình liên kết sản xuất Atiso với Công ty Ladopha. Thời gian đầu mô hình mang lại hiệu quả khá, giúp người trồng có thu nhập ổn định. Nhưng từ đầu năm 2020 đến nay, cây Atiso thường xuyên bị sâu bệnh, sản lượng thấp, sản phẩm làm ra doanh nghiệp không thu mua khiến gia đình không có nguồn thu.

“Chắc sau vụ này không riêng gì tôi, các hộ khác không dám làm vì không có lời. Công bỏ ra rất nhiều nhưng không thu được bao nhiêu hết” - chị Nguyễn Thị Phương nói.

Tương tự anh K’Rang, ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương cho biết, giai đoạn đầu, trung bình một sào Atiso mang lại cho người trồng vài chục triệu đồng mỗi năm. Nhưng sau này phía Công ty Ladopha đưa ra rất nhiều lý do như ngưng sản xuất để sửa chữa nhà máy hay sản phẩm có dư lượng thuốc trừ sâu... nên người trồng không bán được Atiso.

Vườn Atiso của gia đình chị Phương bỏ không, bị sâu bệnh phải nhổ bỏ.

“Năm trước bán bông Atiso còn bán được 250.000 đồng/kg, năm nay tôi phơi khô để ở nhà không ai mua. Còn lá thì nhiều bà con bỏ từ đầu năm đến giờ không ai lấy. Công ty thì hẹn lúc thì tuần này đi lấy, lúc thì đến tuần sau cũng không thấy lấy. Đến vừa rồi tôi bán cho bên ngoài được 15.000 đồng/kg” - anh K’Rang nói.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Lạc Dương, từ năm 2018 tới nay, toàn huyện có gần 100 nông hộ tham gia vào mô hình liên kết sản xuất Atiso với Công ty Ladopha. Tuy nhiên đến nay, hầu hết các sản phẩm Atiso người trồng đều không bán được, nhiều gia đình chuyển sang các loại cây trồng khác.

Ông Hoàng Xuân Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương thừa nhận, chuỗi liên kết trồng Atiso giữa bà con và Công ty Ladopha không mang lại hiệu quả như mong đợi. Thời gian tới, ngoài hỗ trợ về kỹ thuật, huyện sẽ kêu gọi thêm những công ty, doanh nghiệp có kinh nghiệm và uy tín về địa phương tham gia chuỗi liên kết trồng Atiso.

“Chúng tôi đã làm việc trực tiếp với các hộ dân và công ty Ladopha để thống nhất biện pháp cũng như quy trình sản xuất chung và các loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng. Tuy nhiên để tránh tình trạng người dân bị động trong liên kết sản xuất hoặc bị ảnh hưởng trực tiếp từ tác động ngoại cảnh. Huyện đã tiếp tục thu hút thêm một số doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến Atiso như là Công ty Vĩnh Tiến, Công ty Ngọc Duy để có nhiều người, nhiều doanh nghiệp thu mua trên địa bàn huyện tránh tình trạng độc quyền, tránh người dân bị động trong vấn đề tiêu thụ nông sản” - ông Hải cho biết./.

Tuấn Anh/VOV-Tây Nguyên