Bám sát tình hình, chủ động ứng phó dịch bệnh trên lúa

Từ 19 – 21/2, Đoàn công tác của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã đi kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp tại một số tỉnh của khu vực Bắc Trung Bộ.

Lúa vụ Xuân tại khu vực Bắc Trung Bộ sinh trưởng ổn định.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt nhìn chung cây lúa xuân ở vùng này duy trì tốc độ sinh trương và phát triển ổn định, có được kết quả trên là nhờ các địa phương đã bám sát, tuân thủ đúng theo lịch chỉ đạo sản xuất của Bộ NN-PTNT.

Dựa trên tình hình thực tế, ông Cường nhấn mạnh: “Thời tiết lúc này dễ xuất hiện các loại sâu bệnh gây hại, nhất là ốc bươu vàng. Đề nghị lãnh đạo ngành nông nghiệp của các tỉnh chủ động phương án, chỉ đạo người dân bám sát ruộng đồng để kịp thời triển khai các biện pháp đồng bộ”.

Hiện cây lúa đang bước vào thời kỳ lên đòng, trổ bông, cần có đủ nước tưới để tránh ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng. Với thực trạng khó nhằn thời gian qua, lãnh đạo Cục Trồng trọt lưu ý các địa phương cần chủ động biện pháp để điều tiết nguồn nước phù hợp nhằm mục tiêu tránh hạn cho cây lúa.

Tại Nghệ An, dưới sự chỉ đạo, định hướng sâu sát của Sở NN-PTNT tính đến ngày 20/2 toàn tỉnh đã gieo cấy được 90.598 ha/ KH 90.000 ha, đạt 101 %. Hiện các trà lúa đang trong giai đoạn để nhánh và đẻ nhánh rộ, tổng thể duy trì tốc độ sinh trưởng tốt.

Ngoài ra địa phương còn gieo trồng được hơn 12.569 ha/ KH 17.500 ha ngô; trên 10.620 ha/ KH 12.000 ha lạc…

Cục trưởng Nguyễn Như Cường lưu ý các địa phương chủ động phương án ứng phó dịch bệnh.

Trước tình hình thời tiết không mấy thuận lợi, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã ban hành các văn bản chỉ đạo, đồng thời tham mưu hiệu quả cho UBND tỉnh, Sở NN-PTNT kịp thời triển khai giải pháp tối ưu đến các địa phương.

Đối với cây lúa cần kiểm tra, rà soát, phân trà để tạo đà cho quá trình chăm sóc. Bà con cần tiến hành bón thúc sớm, không bón nhiều lần, đặc biệt là không bón đạm muộn nhằm hạn chế nguy cơ lúa đẻ nhánh lai ra, cũng như ngăn ngừa xuất hiện nhiều nhánh vô hiệu.

Các huyện phải thực hiện tốt công tác thoe dõi, dự tính dự báo và phòng trừ dịch hại cây trồng, điển hình là bệnh đọa ôn lá, ốc bươu vàng, chuột hạo trên cây lúa; sâu keo mùa thu hại ngô; bệnh lở cổ rễ, bệnh mốc xám hại lạc; sâu vẽ bùa, sâu nhớt, rệp muội, bệnh ghẻ trên cây cam…

Theo dõi thực tế, vấn nạn chuột đang gây hại khá nghiêm trọng trên một số vùng của tỉnh Nghệ An. Trước tình hình trên, nhiều địa phương đã tiến hành phát động các phong trào ra quân diệt chuột để hạn chế tối đa mức độ thiệt hại.

Qua công tác dự báo, thời gian tới điều kiện thời tiết sẽ ấm dần lên, dù vậy xen kẽ vẫn xuất hiện các đợt không khí lạnh, điều này kéo theo độ ẩm trong không khí tăng cao, kết hợp với mưa tương đối thường xuyên sẽ là điều kiện rất thuận lợi cho các loài sâu bệnh phát sinh gây hại. Trên tinh thần đó, các huyện cần theo dõi sát sao diễn biến để khuyến cáo và hướng dẫn nông dân xử lý kịp thời, hiệu quả.

Việt Khánh