02/08/2018, 08:19 (GMT+7)
Từ sau cơn bão số 3 đến nay, mật độ rầy lưng trắng trên lúa mùa tại các tỉnh phía Bắc đã tăng đột biến, trong đó tỉ lệ mẫu rầy mang virus lùn sọc đen (LSĐ) có nơi lên tới trên 50%.
Nguy cơ bùng phát dịch LSĐ trên lúa mùa tại các tỉnh phía Bắc đang ở mức rất nguy hiểm.
Nguy cơ bùng phát dịch LSĐ tại các tỉnh phía Bắc đang ở mức rất nguy hiểm |
Tại Hải Phòng, thông tin từ Chi cục Trồng trọt - BVTV cho thấy từ sau ngày 23/7 đến nay (sau cơn bão số 3), trên các trà lúa cấy mạ dược từ 7 ngày trở lên và trà lúa mạ sân từ 10 ngày trở lên, mật độ rầy lưng trắng đã gia tăng đột biến với mật độ phổ biến từ 15 - 20 con/m2, nơi cao từ 60 - 80 con/m2, cá biệt có nơi 300 - 400 con/m2. Hiện tại, tổng diện tích lúa bị nhiễm rầy lưng trắng tại Hải Phòng đã lên tới khoảng 15.000ha.
Trong đó, tỉ lệ rầy lưng trắng cái trưởng thành (bụng chửa) chiếm tới 60%. Điều này đang có nguy cơ bùng phát dịch rầy lưng trắng với mức độ rất nghiêm trọng trên diện rộng. Nguyên nhân của tình trạng rầy lưng trắng bùng phát rất mạnh thời gian qua là do rầy lưng trắng đang trong giai đoạn di trú từ ký chủ phụ sang các trà lúa đã xanh tốt. Đặc biệt do ảnh hưởng của cơn bão số 3 từ ngày 18 - 19/7 đã tạo điều kiện cho rầy lưng trắng di trú từ nơi khác tới.
Theo dự báo của Chi cục Trồng trọt - BVTV Hải Phòng, thời gian tới, rầy lưng trắng sẽ tiếp tục gia tăng mạnh về mật độ và gây hại trên các trà lúa mùa (mật độ rầy lứa 5 sẽ tương đương năm 2017). Trong khi đó, tỉ lệ rầy lưng trắng mang virus lùn sọc đen lại đang rất cao. Cụ thể, theo kết quả giám định mẫu rầy thời gian qua tại Viện BVTV và Trung tâm BVTV phía Bắc (Cục BVTV) cho thấy, tỉ lệ mẫu rầy lưng trắng mang virus LSĐ đã tăng cao đột biến, chiếm tới gần 54%. Hiện Sở NN-PTNT TP Hải Phòng đã có công điện gửi UBND các huyện, thị trên địa bàn triển khai ngay các giải pháp cấp bách phòng chống dịch LSĐ.
Mật độ rầy lưng trắng đang tăng rất cao tại các tỉnh phía Bắc sau bão số 3 |
Trước nguy cơ và diễn biến phức tạp của dịch rầy lưng trắng và bệnh LSĐ, Cục BVTV đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp phòng chống bệnh LSĐ hại lúa với sự tham gia của lãnh đạo Trung tâm BVTV phía Bắc, Khu 4 và lãnh đạo 9 Chi cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh nơi bệnh có nguy cơ cao phát sinh, bùng phát (Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh và Hà Nam), đại diện Viện BVTV, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Các đại biểu đã thảo luận và thống nhất, vụ hè thu, mùa 2018, điều kiện SX, thời tiết có nhiều điểm tương đồng với vụ hè thu, mùa 2017 nên dịch bệnh LSĐ có nguy cơ bùng phát rất cao.
Cục BVTV yêu cầu các tỉnh cử cán bộ kỹ thuật theo dõi chặt diễn biến rầy lưng trắng trên đồng ruộng, tiếp tục lấy mẫu rầy lưng trắng kiểm tra tỷ lệ nhiễm virus LSĐ. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn nông dân thực hiện nghiêm quy trình phòng chống rầy lưng trắng và bệnh LSĐ theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT. Thường xuyên báo cáo kết quả về Cục BVTV để phối hợp xử lý.
Bệnh lùn sọc đen hại lúa do tác nhân là virus lùn sọc đen phương Nam (Southern Rice Black Streaked Dwarf Virus - SRBSDV) và rầy lưng trắng (Sogatella furcifera) là môi giới lây truyền virus. Bệnh xuất hiện và gây hại lần đầu trên lúa tại các tỉnh phía Bắc vào năm 2009. Sau gần 10 năm được khống chế, năm 2017, bệnh đã bùng phát trở lại gây hại trên 60 ngàn ha lúa tại các tỉnh phía Bắc.
Khi phát hiện lúa có triệu chứng bệnh LSĐ, cần tiêu hủy, khử trùng đồng ruộng |
Theo Cục BVTV, từ đầu vụ hè thu, vụ mùa năm 2018 đến nay, bệnh đã xuất hiện và gây hại tại các tỉnh Bắc Trung bộ và một số tỉnh Bắc bộ trên diện tích 122ha lúa. Sau bão số 3, ngành BVTV xác định mật độ rầy lưng trắng tăng nhanh, trong đó tỷ lệ rầy mang virus LSĐ đặc biệt tăng cao, dự báo nguy cơ bùng phát dịch. Mặt khác, do ảnh hưởng của mưa bão nhiều diện tích lúa mùa chưa thể gieo cấy hoặc sẽ phải gieo cấy lại cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh.
Đối với các diện tích lúa mùa chuẩn đang gieo cấy, Cục BVTV khuyến cáo các địa phương cần tăng cường cán bộ giám sát theo dõi, hướng dẫn nông dân xử lí hạt giống và phun thuốc trừ rầy cho toàn bộ diện tích mạ trước khi nhổ cấy 2 - 3 ngày. Trên mạ dược từ 2,5 lá trở lên, nếu phát hiện có rầy lưng trắng, cần phải phun thuốc trừ rầy ngay bằng các loại thuốc hóa học theo hướng dẫn. Đối với các diện tích lúa đã gieo cấy, nếu phát hiện các khóm lúa bị bệnh LSĐ, phải tiêu hủy ngay (nhổ bỏ, vùi sâu)... Các đơn vị vận hành thủy lợi cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan BVTV trong điều tiết, tiêu thoát nước nhằm đảm bảo việc phun trừ rầy đạt hiệu quả. |
LÊ BỀN
***