Bảo tồn giống nông nghiệp đặc sản

Phát huy lợi thế sẵn có, Lào Cai đề ra kế hoạch bảo tồn và phát triển giống nông nghiệp đặc sản có giá trị kinh tế cao.

Cây tam thất trồng tại Bắc Hà (Lào Cai). Ảnh: Q.T.

Cây tam thất trồng tại Bắc Hà (Lào Cai). Ảnh: Q.T.

Theo đó, Lào Cai tập trung lưu giữ và phát triển các giống cây trồng như: Lúa Khẩu Nậm Xít, nếp Khẩu Tan Đón, nếp Mường Bo; su hào ngồng, cải mầm xoè, hoa địa lan Trần Mộng Xuân; chè Shan cổ thụ; mận Tả Van, mận hậu, mận Tả Hoàng Ly, lê địa phương.

Ngoài ra, một số loại cây dược liệu cũng cần được phát triển tại địa phương như: Tam thất hoang, thất diệp nhất chi mai, lan kim tuyến, hoàng liên ô zô, hoàng liên chân gà, hoàng liên gai, sâm ngọc linh, sâm vũ điệp.

Ngoài ra, lợn đen bản địa, vịt bầu Nghĩa Đô, cá chiên, cá lăng chấm, cá bỗng, cá hoa, cá chày đất, cá anh vũ cũng là sản phẩm đặc hữu mang lại giá trị kinh tế cao cho Lào Cai.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh, việc bảo tồn, lưu giữ và phát triển nguồn gen của các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản bản địa, đặc hữu có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh Lào Cai giúp tạo được nguồn quỹ gen, chủ động nguồn giống gốc bản địa phục vụ công tác nghiên cứu, sản xuất và phát triển giống.

Việc khai thác, phát triển các nguồn gen cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản bản địa được kết hợp với hoạt động du lịch nông nghiệp; đào tạo, nâng cao năng lực cho học sinh, sinh viên về công tác bảo tồn nguồn gen và bảo vệ môi trường sinh thái góp phần thực hiện thành công Đề án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020 - 2025 mà quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.

Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện chương trình quốc gia về phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030; chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Hải Đăng