Mặc dù giá cây giống đang giảm sâu, sức tiêu thụ chậm nhưng phong trào đốn bỏ vườn, cây ăn trái để sản xuất cây giống tại H.Chợ Lách (Bến Tre) vẫn diễn ra khiến chính quyền địa phương rất quan ngại.
Một vườn cây giống ở H.Chợ Lách (Bến Tre). Ảnh: Bắc Bình
H.Chợ Lách (Bến Tre) được ví là “vương quốc” trái cây, hoa kiểng và cây giống. Thời điểm này là cuối vụ nên cây giống giảm giá sâu so với đầu vụ. Cụ thể, mít 17.000 đồng/cây, giảm 5.000 đồng/cây so với cùng kỳ 2016 và giảm khoảng 13.000 đồng/cây so với đầu vụ; xoài 15.000 đồng/cây, giảm khoảng 10.000 đồng/cây so với đầu vụ. Đáng chú ý là bưởi da xanh mắt ghép chỉ 10.000 đồng/cây, giảm hơn 20.000 đồng/cây so với cùng kỳ và giảm khoảng 25.000 đồng so với đầu vụ năm nay. Theo nhà vườn, nguyên nhân của tình trạng này là hơn 3 tháng qua, khách hàng tại các tỉnh đông Nam bộ, Tây nguyên và miền Bắc không mua nữa.
Ông Đặng Văn Mi, chủ vườn ươm cây giống Năm Mi (xã Long Thới, H.Chợ Lách), cho hay tuy giá giảm sâu nhưng hầu hết các nhà vườn đều có lãi. Vì vậy, họ sẽ tiếp tục sản xuất để cung ứng cho thị trường trong năm 2018, thậm chí một số nhà vườn còn có kế hoạch tăng về số lượng.
TS Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT H.Chợ Lách, cho biết do giá cây giống hiện nay vẫn còn khá cao so với giá thành sản xuất, nhà vườn có lãi nên việc thực hiện mục tiêu giảm số lượng, tập trung chất lượng, xây dựng thương hiệu sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
“Năm 2017, H.Chợ Lách sản xuất khoảng 38 triệu cây giống, tăng gấp đôi so với năm 2016. Dù chưa ghi nhận trường hợp sản phẩm ùn ứ, nhưng nếu tiếp tục duy trì lượng sản xuất như thế này thì sang năm 2018 có thể sẽ không tiêu thụ được”, TS Liêm nêu thực trạng.
Theo TS Liêm, Phòng NN-PTNT huyện đang rà soát, quy hoạch lại vùng sản xuất cây giống tập trung, bởi nếu sản xuất với lượng quá lớn sẽ khó kiểm soát về chất lượng, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà vườn.
“Giá cây giống lên cao thì nguyên liệu làm cây giống cũng lên. Đơn cử như cây sầu riêng hiện khoảng 100.000 đồng/cây giống thì cùng với đó là giá cây con (làm gốc ghép) đã tăng từ 12.000 đồng/cây lên gần 40.000 đồng/câyvà các nguyên liệu, phân, thuốc cũng tăng. Như vậy, nếu muốn sản xuất vài ngàn cây thì nhà vườn phải đầu tư đến vài tỉ đồng, nhưng nếu không tiêu thụ được thì nhà vườn sạt nghiệp chứ chẳng chơi!”, TS Liêm phân tích.
Bắc Bình (Báo Thanh Niên)