TIỀN GIANG - Thay vì làm 3 vụ lúa/năm, nông dân Tiền Giang bỏ vụ lúa thu đông chuyển sang cây trồng khác. Với cách làm này, nông dân vừa nhàn, thu nhập lại tăng rất cao.
Tại các khu vực ven biển ở ĐBSCL, việc canh tác lúa phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước ngọt từ thượng nguồn và nước mưa. Vùng ngọt hóa Gò Công (Tiền Giang) gồm các huyện Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công có tổng diện tích gieo sạ lúa đạt hơn 20.000ha/vụ. Thời gian qua, dù khu vực này đã được đầu tư đê bao khép kín, tuy nhiên, những năm hạn mặn gay gắt, vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô.
Mô hình trồng ớt trên đất lúa tại xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang). Ảnh: Minh Đảm.
Để đảm bảo sản xuất hiệu quả, từ năm 2016, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng và triển khai Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía đông tỉnh Tiền Giang đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án). Trọng tâm của Đề án là bố trí mùa vụ hợp lý, tiến tới cắt hoàn toàn vụ lúa thu đông, chỉ sản xuất 2 vụ lúa/năm cùng với xây dựng cơ cấu sản xuất đa canh. Đối với những địa bàn đặc biệt khó khăn, Tiền Giang định hướng chuyển sang trồng rau màu, trồng cỏ chăn nuôi, trồng cây ăn trái đặc sản.
Đến nay, toàn vùng thuộc Đề án đã thực hiện cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ trên tổng diện tích gần 33.000ha, vượt gần 57% so với kế hoạch đề ra. Tại những địa phương khó khăn, đã có trên 6.000ha được chuyển từ trồng lúa độc canh sang các cây trồng kinh tế khác như: Cây ăn trái đặc sản, rau màu, trồng cỏ chăn nuôi… Đồng thời, bắt đầu từ năm 2021 trở đi, các huyện, thị trong vùng Đề án chỉ gieo sạ hai vụ chính trong năm là đông xuân và hè thu.
Mời bạn đọc chi tiết bài viết tại: https://nongnghiep.vn/bo-mot-vu-lua-nong-dan-tien-giang-nhan-ma-thu-nhap-lai-cao-d337771.html