Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Tiếp tục rà soát, loại bỏ thuốc trừ cỏ

Đình Thắng Thứ Năm, ngày 24/05/2018 17:58 PM (GMT+7)

(Dân Việt) Vụ việc cả trăm người dân ở Mộc Châu (Sơn La) bị ngộ độc vì uống nước nhiễm thuốc diệt cỏ từ các mó nước nằm dưới sườn núi, xung quanh là các nương ngô, sắn, đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, thời gian tới cần nhanh chóng loại bỏ các nhóm thuốc hóa học gây độc hại, ảnh hưởng tới môi trường, đặc biệt là các loại thuốc diệt cỏ.   

·Báo động ô nhiễm vì thuốc BVTV: Sẽ tăng 30% lượng thuốc sinh học

·TIN MỚI: Thu giữ 10.000 sản phẩm thuốc BVTV nhập lậu từ Trung Quốc

·Hơn 1.000 sản phẩm thuốc BVTV bị loại bỏ: Liệu đã an toàn?

Tiếp tục rà soát, cắt giảm

Thưa Bộ trưởng, vừa qua ngành nông nghiệp đã loại bỏ trên 1.000 sản phẩm thuốc BVTV độc hại. Thời gian tới, ngành có tiếp tiếp tục rà soát để cắt giảm nhóm thuốc BVTV hóa học độc hại này không?

nong duoc

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường

- Công tác BVTV cũng như sử dụng thuốc BVTV là một trong những nhóm giải pháp quan trọng để chúng ta có được sản lượng, chất lượng nông sản. Tuy nhiên, nếu thuốc BVTV không quản lý đúng sẽ có mặt trái, tạo ra nông sản không sạch, ảnh hưởng đến sức khỏe của đối tượng tham gia sản xuất là người nông dân, ảnh hưởng đến môi trường và làm suy giảm hệ sinh thái.

 Do đó, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc BVTV cần phải tiếp tục siết chặt hơn nữa. Hiện mỗi năm chúng ta sử dụng khoảng 100.000 tấn thuốc BVTV, con số này cần giảm đi trong thời gian tới. Vừa qua, chúng ta đã nỗ lực loại bỏ hơn 1.000 đầu sản phẩm thuốc BVTV, trong thời gian tới sẽ phải tiếp tục rà soát để giảm nhanh các loại thuốc hóa học gây độc hại, đặc biệt là thuốc trừ cỏ. Nhóm thuốc trừ sâu, trừ bệnh cũng giảm mạnh những sản phẩm có tính độc hại cao, không thân thiện với môi trường.

nong duoc

Thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục loại bỏ các loại thuốc hóa học gây độc hại, đặc biệt là thuốc trừ cỏ.  Ảnh: T.L

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, quý I.2018, Việt Nam chi hơn 208 triệu USD để nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu thuốc trừ sâu, hơn 50% giá trị nhập khẩu là từ Trung Quốc. Trung bình Việt Nam chi hơn 52 tỷ đồng/ngày để nhập các mặt hàng thuốc trừ sâu, BVTV.

Bên cạnh đó, phải tổ chức kiểm soát thật chặt chẽ thuốc tự do lưu hành, tự do nhập vào Việt Nam. Khâu này cơ quan chuyên ngành phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan chống buôn lậu hàng giả và các địa phương ở cửa khẩu. Vì hiện nay thuốc BVTV của Việt Nam chủ yếu phải nhập khẩu, do vậy nếu chúng ta làm tốt công tác này sẽ hạn chế những loại thuốc ngoài luồng, hạn chế những thuốc độc vào địa bàn.

Đồng thời, chúng ta cần đẩy mạnh tổ chức truyền thông, thông tin thật tốt để nâng cao ý thức trách nhiệm của người dùng thuốc BVTV. Bên cạnh đó, cần tổ chức truyền thông thật tốt các chuỗi sản xuất tiên tiến. Hiện nay, tại Hà Nội có những địa phương không sử dụng thuốc BVTV nhưng vẫn đảm bảo năng suất, chúng ta cần tuyên truyền để nhân rộng mô hình này.

Không thiếu chế tài

Có nhiều địa phương đang gặp khó khăn trong việc bắt giữ, xử lý thuốc BVTV. Vậy Bộ NNPTNT có những chính sách gì để hỗ trợ địa phương trong công tác quản lý thuốc BVTV, thưa ông?

- Một khi chúng ta có quyết tâm thì không thể nói vướng cái này, tồn tại cái kia được. Năm 2017, Bộ NNPTNT đã phối hợp với lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý hơn 5 tấn thuốc BVTV. Vừa qua, chúng tôi đã kiểm tra và bắt giữ gần 2 tấn thuốc BVTV nhập lậu và sẽ xử lý đúng theo quy trình. Chúng ta không có lý gì để nói không có chế tài xử lý, đây là ý thức trách nhiệm của người thực thi công vụ các cấp, những người liên quan.

Bộ trưởng có thể chia sẻ sâu hơn về những kế hoạch của Bộ NNPTNT để quản lý tốt thuốc BVTV trong thời gian tới?

- Bộ NNPTNT đã đưa ra 7 nhóm giải pháp tổng thể và tới đây phải tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, những việc phải tập trung làm ngay là kiểm soát chặt chẽ tổng thể lượng thuốc BVTV, giảm về cơ học số lượng thuốc BVTV sử dụng hàng năm. Theo đó, cần tập trung đầu tiên vào nhóm thuốc trừ cỏ, đặt ra lộ trình kiểm soát, rà soát những gốc độc để thực hiện giảm ngay.

Thứ hai, phải tập trung giảm nhanh các nhóm thuốc trừ sâu, trừ bệnh, nhóm có độc tố cao không còn phù hợp với sinh thái. Thứ ba, nhóm thuốc sử dụng rất nhiều trên một đối tượng cây trồng cũng cần phải giảm. Các cơ quan liên quan cũng cần kiểm soát chặt thuốc nhập lậu qua biên giới, bởi chúng ta không kiểm soát được chất lượng, quá trình ứng dụng và đưa vào sử dụng của những loại thuốc này.

Bên cạnh đó, phải chấn chỉnh mạng lưới đại lý thuốc BVTV hoạt động công khai minh bạch, Nhà nước phải quản lý thông qua các chi cục BVTV địa phương. Đối với người sản xuất, cần tuyên truyền cho bà con tham gia vào sản xuất chuỗi, hợp tác xã kiểu mới. Khi hình thành vùng sản xuất sẽ có các kỹ sư hướng dẫn nông dân tuân thủ nguyên tắc sử dụng đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng đối tượng. Lượng thuốc BVTV sẽ giảm nhanh nếu các cơ quan chức năng, quản lý làm nghiêm, kiểm soát chặt.

Để thay thế các sản phẩm thuốc BVTV độc hại, chúng ta sẽ hướng các nhà sản xuất, các nhà phân phối, người sử dụng dùng các sản phẩm thân thiện môi trường như sử dụng lá xoan, tỏi, ớt làm thuốc trừ sâu… Tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp khảo nghiệm nghiên cứu, mở rộng sản xuất các nhóm thuốc sinh học này để thay thế dần nhóm thuốc hóa học.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

(Sưu tầm)