Cả trăm ngàn tấn thuốc BVTV đổ xuống ruộng đồng mỗi năm.

Đáng nói là trong lượng tiêu thụ trên có nhiều sản phẩm giả, không rõ nguồn gốc… gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Trong khi đó, cơ quan chức năng vẫn đưa ra nhiều khó khăn trong quản lý.

nong duoc

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở ĐBSCL - Ảnh: C.Quốc

Thông tin trên được đưa ra ngày 6-7 tại Hội thảo công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật do Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức.

Bao bì nước ngoài xịn nhưng ruột "dỏm"

Theo ông Đàm Thanh Thế - chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thống kê mới đây của Bộ NN&PTNT cho thấy mỗi năm Việt Nam cần 11 triệu tấn phân bón các loại. Với thuốc bảo vệ thực vật, mức tiêu thụ là khoảng 100.000 tấn/năm. 

Theo ông Thế, có tình trạng các loại phân bón vô cơ, hữu cơ dán nhãn hiệu nổi tiếng, có nguồn gốc nước ngoài nhưng thực chất là các sản phẩm phân bón kém chất lượng. 

Tương tự, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật cũng có hình thức bao bì xịn nhưng ruột "dỏm" với chủ đích lợi dụng tâm lý ham hàng giá rẻ của người dân.

Ông Huỳnh Văn Thòn - chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) - cảnh báo nếu không xử lý kịp thời thì doanh nghiệp trong nước sẽ từ từ "chết"... 

"Thủ tục hành chính xử lý hàng hóa khi bị bắt còn rất lâu nên đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp vi phạm né tránh, thậm chí họ chấp nhận bị xử phạt vì mức phạt quá nhẹ... Họ không ngán ngại nữa và đã lờn thuốc rồi" - ông Thòn bức xúc.

Vẫn gặp khó vì thủ tục

Ông Nguyễn Văn Sanh - chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ - cho rằng hiện nay chỉ có một cơ quan giám định hàng hóa nhưng lại quy định cơ quan này không chịu trách nhiệm, mà lại bắt buộc cơ quan xử lý chịu trách nhiệm khi xử lý sai.

"Đúng lý ai giám định hàng thật hay giả thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm, chứ không thể yêu cầu cơ quan xử lý chịu trách nhiệm hết được. Cái này tôi cho rằng nên điều chỉnh lại quy định cho chặt chẽ, phù hợp, mang tính răn đe cao hơn mới ngăn chặn được thuốc giả, thuốc nhái" - ông Sanh đề xuất.

Bà Chu Thị Thu Hương - cục phó Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) - cho rằng lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, TP hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn trong quản lý, kiểm tra, thanh tra hàng hóa về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật như xử lý tang vật và tạm giữ tang vật phải chờ sở NN&PTNT...

Ông Lê Văn Nưng, phó chủ tịch UBND tỉnh kiêm trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, cho rằng tình trạng sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, phân bón kém chất lượng, nhái nhãn hiệu nổi tiếng... đang ảnh hưởng xấu đến nguồn nước, đất trồng trọt, gây thiệt hại lớn cho nông dân và cả nền sản xuất nông nghiệp.

"Việc này không xử lý triệt để sẽ gây tác hại không nhỏ đến sức khỏe người dân và cộng đồng. Hội thảo lần này mong những ý kiến của các tỉnh thành được Ban Chỉ đạo 389 quốc gia kiến nghị đến Chính phủ và các bộ, ngành để khẩn trương ngăn chặn, xử lý; giúp người tiêu dùng và nông dân trong sản xuất kinh doanh an toàn hơn" - ông Nưng nói.

Phát hiện 306 vụ vi phạm

Từ đầu năm 2018 đến nay, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã thanh tra, kiểm tra 1.420 vụ, xử lý 306vụ vi phạm trong lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 2,7 tỉ đồng.

Bửu Đấu (Báo Tuổi Trẻ)

(Tùng Linh APC -sưu tầm)