28/12/2018
Năm 2018 là năm thành công trong chiến lược phát triển cam sạch của huyện Hàm Yên (Tuyên Quang). Trong năm huyện đã vận động nhân dân xây dựng được gần 300 ha cam tham gia mô hình VietGAP, nâng tổng diện tích cam VietGAP của huyện lên gần 500 ha.
Nhiều nhà vườn ở Hàm Yên ước thu lãi từ 200 đến 1 tỷ đồng từ cam sạch |
Đến thời điểm này, cây cam sành ở huyện Hàm Yên đã vào vụ thu hoạch. So với mô hình trồng cam thông thường, quả cam ở những mô hình trồng theo chuẩn VietGAP có giá chênh lệch từ 2.000 – 5.000 đồng/kg. Không những thế, đến vụ thu hoạch, những doanh nghiệp và thương lái luôn ưu tiên thu mua tại các nhà vườn trồng cam sạch.
Thôn 5 Thuốc Hạ, xã Tân Thành là địa phương trồng cam sạch nổi bật của huyện Hàm Yên. Toàn thôn có 50 hộ trồng cam thì có 20 hộ tham gia mô hình trồng cam VietGAP với tổng diện tích 35 ha. Tham gia mô hình người nông dân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng, chăm sóc theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách.
Anh Nguyễn Văn Lự, Trưởng thôn 5 Thuốc Hạ cho biết, trồng mô hình sạch, tuy vất vả hơn nhưng khi được thu hoạch cam cho năng suất tương đồng với mô hình trồng thông thường, giá lại cao hơn. Riêng gia đình anh có 5 ha cam, thì có 2 ha tham gia mô hình VietGAP. Từ trồng cam sạch, trung bình mỗi năm gia đình anh thu lãi hơn 300 triệu đồng.
Vụ năm nay, cam Hàm Yên cho tổng sản lượng khoảng 80.000 tấn |
Gia đình chị Đoàn Thị Thơm, tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên tham gia mô hình trồng cam VietGAP từ năm 2016. Trồng cam sạch, chị luôn tuân thủ những nguyên tắc, trình tự, thủ tục sản xuất, thu hoạch, sơ chế đảm bảo sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trồng cam theo hướng này vừa đảm bảo sức khoẻ người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. Chị Thơm cho biết, vụ năm nay, vườn cam của gia đình chị dự kiến cho thu hoạch hơn 60 tấn cam. Với giá từ 10.000 – 15.000/kg, trừ chi phí gia đình chị sẽ thu lãi gần 500 triệu.
Khi thị trường cây có múi đang phát triển ồ ạt dẫn đến cây cam mất dần giá trị tại nhiều địa phương thì việc mở rộng diện tích trồng cam sạch đang là hướng đi được tỉnh Tuyên Quang lựa chọn để phát triển bền vững.
Gia đình anh Nguyễn Văn Lự thu lãi hơn 300 triệu đồng/năm từ cam |
Ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Tuyên Quang cho biết, trong năm Chi cục đã mở 5 tập huấn quy trình sản xuất sạch cho khoảng 200 nông dân huyện Hàm Yên. Chính quyền địa phương cũng hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khoảng 10.000 tem truy xuất nguồn gốc cho quả cam. Cam có nguồn gốc sản xuất, khách hàng sử dụng sẽ yên tâm hơn về chất lượng sản phẩm, từ đó góp phần nâng cao thương hiệu và giá trị của cây cam.
Nguồn: nongnghiep.vn