ĐBSCL - Sau khi thu hoạch lúa đông xuân, nông dân ĐBSCL cần cho đất nghỉ để vệ sinh đồng ruộng ít nhất từ 2 - 3 tuần trước khi chuẩn bị gieo sạ vụ hè thu.
Sở NN-PTNT An Giang vừa tổ chức tọa đàm về “Giải pháp quản lý các dịch hại quan trọng trên cây lúa hè thu 2023” nhằm tìm ra các giải pháp thông minh trong canh tác, quản lý dịch hại trên cây lúa.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang cho biết: Tính đến nay, toàn tỉnh An Giang đã cơ bản thu hoạch dứt điểm vụ lúa đông xuân 2023. Vụ đông xuân 2023, nông dân An Giang rất phấn khởi vì lúa được mùa, trúng giá. Hiện nay, nông dân An Giang tiếp tục xuống giống vụ hè thu, đạt 95% trên tổng diện tích toàn tỉnh là 230 ngàn ha.
Nông dân thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang chăm sóc lúa hè thu 2023. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Hiện tại, hình hình thời tiết bất thường, nắng nóng đang tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn cổ bông, vàng lá chín sớm, rầy phấn trắng có điều kiện phát triển. Trong khi đó, tỷ lệ sản xuất theo liên kết vẫn còn khá khiêm tốn so với kỳ vọng. Đến nay, các doanh nghiệp tại An Giang đã triển khai ký hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân trong vụ hè thu thông qua các HTX, tổ hợp tác với diện tích trên 40 ngàn ha (đạt 27,8%).
Cùng với đó, tỷ lệ diện tích sản xuất đạt các tiêu chuẩn và có chứng nhận chất lượng vẫn còn khá thấp. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng chưa bền vững, các địa phương vẫn còn chuyển đổi theo phong trào. Riêng diện tích cây ăn trái nhỏ lẻ, chưa đáp ứng đủ điều kiện để cấp mã số vùng trồng và liên kết với doanh nghiệp.
Để đảm bảo nông dân sản xuất lúa có lãi tốt trong vụ lúa hè thu năm nay, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang, ông Nguyễn Văn Hiền lưu ý bà con nông dân, các HTX, tổ hợp tác cần ưu tiên đầu tư phát triển kỹ thuật canh tác, nhất là các biện pháp quản lý dịch hại như IPM, “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” nhằm giảm chi phí và nâng cao chất lượng hạt gạo.
Mời bạn đọc bài viết chi tiết tại: https://nongnghiep.vn/can-cho-dat-nghi-2--3-tuan-truoc-khi-gieo-sa-vu-he-thu-d351156.html