Các địa phương cần giám sát chặt chẽ rầy lứa 5 để chỉ đạo phun trừ kịp thời, không để tỷ lệ rầy lưng trắng mang virus lùn sọc đen gia tăng.
Ông Nguyễn Quý Dương (thứ 2 từ trái sang), Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra tình hình sâu bệnh hại lúa mùa tại tỉnh Nam Định. Ảnh: Trung Quân.
Ngày 26/7, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Trung tâm BVTV phía Bắc đã kiểm tra, đánh giá tình hình sâu bệnh gây hại trên lúa vụ mùa 2023 tại tỉnh Nam Định và Thái Bình.
Tại tỉnh Nam Định, theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và BVTV Nam Định và thực tế kiểm tra tại các huyện Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu…, lúa mùa đang sinh trưởng phát triển tốt, nhất là những diện tích lúa cấy. Hiện nay, rầy lứa 4 (chủ yếu rầy lưng trắng - môi giới truyền bệnh lùn sọc đen) đã bắt đầu nở với mật độ phổ biến 50 - 100 con/m2, cao 200 - 300 con/m2, tập trung ở các huyện phía Nam tỉnh.
Rầy lưng trắng lứa 4 sẽ nở rộ từ ngày 28/7 - 5/8, trùng với giai đoạn mẫn cảm nhiễm bệnh lùn sọc đen hại lúa. Theo kết quả phân tích, giám định virus lùn sọc đen từ ngày 1 - 25/7 tại Nam Định, có 30/294 mẫu rầy dương tính với virus lùn sọc đen (hơn 10%) tại các xã Hải Lộc, Hải Sơn, Hải An (Hải Hậu); Xuân Phương, Thọ Nghiệp (Xuân Trường), Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng)..., cao gấp 7 lần so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước 12/771 mẫu dương tính). Vì vậy, nguy cơ rất cao bùng phát bệnh lùn sọc đen hại lúa trong vụ mùa trong thời gian tới.
Mời bạn đọc bài viết chi tiết tại: https://nongnghiep.vn/canh-giac-benh-lun-soc-den-hai-lua-mua-d357574.html