Chuyển đổi cây trồng - hướng đi chiến lược của Lào Cai

Chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng không đơn thuần là thay thế giống cũ bằng giống mới mà là quá trình mang tính chiến lược của Lào Cai.

Giai đoạn 2021–2025, Lào Cai tích cực triển khai kế hoạch chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng nhằm nâng cao chất lượng nông sản, tăng năng suất, sản lượng và cải thiện hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Mục tiêu lớn hơn là hướng tới nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, bền vững, có khả năng cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến và đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong và ngoài nước.

Thay thế những cây nông nghiệp kém hiệu quả bằng những cây trồng cho giá trị kinh tế cao, ngành nông nghiệp Lào Cai đang dần khẳng định vị thế trong phát triển kinh tế địa phương. Ảnh: Bích Hợp.

Thay thế những cây nông nghiệp kém hiệu quả bằng những cây trồng cho giá trị kinh tế cao, ngành nông nghiệp Lào Cai đang dần khẳng định vị thế trong phát triển kinh tế địa phương. Ảnh: Bích Hợp.

Chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng không đơn thuần là thay thế giống cũ bằng giống mới mà là quá trình mang tính chiến lược, gắn liền với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng và xu hướng tiêu dùng nông sản. Tỉnh Lào Cai đã có những bước đi rõ ràng trong việc xác định các cây trồng chủ lực cần ưu tiên chuyển đổi giống, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và mở rộng hợp tác với doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản.

Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Lào Cai là bước đi chiến lược, không chỉ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng nông sản mà còn góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, tạo nền tảng cho phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Chè – cây chủ lực ưu tiên chuyển đổi giống

Trong các cây trồng chủ lực, cây chè được Lào Cai xác định cần ưu tiên cao trong quá trình chuyển đổi giống. Chè không chỉ là cây trồng truyền thống của nhiều địa phương tại Lào Cai mà còn là mặt hàng nông sản có tiềm năng lớn để xuất khẩu nếu được đầu tư đúng mức về giống, kỹ thuật canh tác và chế biến sau.

Tại xã Lùng Vai (huyện Mường Khương) - một trong những vùng chè trọng điểm của tỉnh Lào Cai, gia đình chị Vàng Thị Phương là ví dụ điển hình cho quá trình chuyển đổi giống. Gia đình chị hiện có gần 1 ha chè được chia thành ba khoảnh với các giống khác nhau: Khoảng 3.000m² chè trung du, 3.000m² chè shan cổ thụ trồng khoảng 40 năm và hơn 3.000m² chè shan trồng được 10 năm. Theo chị Phương, chè trung du tuy nhiều búp nhưng chất lượng không cao do lá mỏng, búp nhỏ. Ngược lại chè shan có búp to, lá dày, cho năng suất cao hơn và được thị trường ưa chuộng hơn.

Nông dân Bát Xát (Lào Cai) chuyển đổi cây lúa sang trồng hoa hồng cho thu nhập cao. Ảnh: Bích Hợp.

Nông dân Bát Xát (Lào Cai) chuyển đổi cây lúa sang trồng hoa hồng cho thu nhập cao. Ảnh: Bích Hợp.

Đặc biệt, diện tích chè shan mới trồng cho năng suất vượt trội so với phần chè đã trồng hàng chục năm do già cỗi cũng như hạn chế về kỹ thuật trồng lạc hậu trước đây. Với diện tích chè đã già cỗi, cây mọc thưa, nhiều cây chết, tán cây cao và không còn khả năng phục hồi tốt, gia đình chị Phương đang có kế hoạch chuyển đổi dần sang các giống mới có năng suất và chất lượng tốt hơn.

Năm 2025, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu trồng mới thêm 1.924 ha chè, nâng tổng diện tích chè toàn tỉnh lên 8.420 ha. Trong đó, khoảng 1.200 ha sẽ được trồng dặm, bổ sung mật độ bằng các giống chè shan chọn lọc và chè chất lượng cao khác. Đồng thời, Lào Cai cũng sẽ tiến hành cải tạo khoảng 30% diện tích chè đã mất do sử dụng giống cũ và năng suất thấp.

Cơ cấu giống chè định hướng đến năm 2025 gồm: 72% là chè shan, 19% là các giống chè chất lượng cao như bát tiên, kim tuyên và 9% là chè lai hoặc chè trung du. Việc chuyển đổi giống như vậy không chỉ nhằm cải thiện năng suất mà còn hướng đến nâng cao giá trị sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Phát triển cây ăn quả - tập trung vào chuối và dứa

Bên cạnh chè, nhóm cây ăn quả cũng là lĩnh vực được Lào Cai quan tâm đặc biệt trong chiến lược chuyển đổi giống cây trồng. Trong đó, chuối và dứa là hai cây trồng chủ lực đang có bước chuyển mình rõ nét.

Những mùa quả ngọt đã được thu hoạch sau nỗ lực chuyển đổi cây trồng của ngành nông nghiệp Lào Cai. Ảnh: Quốc Hồng.

Những mùa quả ngọt đã được thu hoạch sau nỗ lực chuyển đổi cây trồng của ngành nông nghiệp Lào Cai. Ảnh: Quốc Hồng.

Với cây chuối, Lào Cai đang từng bước thay thế các giống cũ bằng giống chuối tiêu xanh được nhân giống bằng phương pháp cấy mô, phù hợp với mục tiêu xuất khẩu. Do hiện nay chưa có giống kháng được bệnh Panama - bệnh gây hại nghiêm trọng cho cây chuối nên việc nhân giống sạch bệnh là giải pháp chủ yếu để đảm bảo sự phát triển ổn định. Ngành nông nghiệp Lào Cai cũng đang tích cực khảo nghiệm và lựa chọn các giống chuối mới như chuối tiêu hồng, chuối tiêu lùn… nhằm đa dạng hóa sản phẩm và phù hợp hơn với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng cũng như nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa và quốc tế.

Với cây dứa, hiện giống dứa Queen là giống truyền thống với đặc điểm quả nhỏ, vị ngọt vẫn đang được người dân trồng phổ biến, nhất là để phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh có doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản tại vùng dứa nguyên liệu, giống Queen bộc lộ nhiều hạn chế như năng suất thấp, không phù hợp với quy trình chế biến công nghiệp hiện đại. Vì vậy, Lào Cai đang triển khai kế hoạch chuyển đổi khoảng 500 ha trồng dứa sang các giống mới như MD2 và H180. Đây là các giống cho năng suất cao hơn, quả to, vỏ dày, phù hợp với bảo quản, vận chuyển và chế biến.

Quế là cây cho thu nhập cao tại Lào Cai. Ảnh: Viết Vinh.

Quế là cây cho thu nhập cao tại Lào Cai. Ảnh: Viết Vinh.

Ngoài các cây trồng chủ lực, Lào Cai cũng đang mở rộng kế hoạch chuyển đổi giống đối với một số cây trồng khác như cây dược liệu, cây ăn quả ôn đới (hồng, mận, lê…) và cây dâu tằm phục vụ nghề nuôi tằm truyền thống. Việc lựa chọn các giống mới đều dựa trên nghiên cứu kỹ lưỡng về điều kiện khí hậu, đất đai cũng như khả năng tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Trần Minh Sáng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lào Cai, tính đến hiện tại, Lào Cai đã có diện tích chè đạt 8.600 ha, sản lượng trên 42.000 tấn, giá trị hơn 300 tỷ đồng; diện tích quế đạt trên 59.000 ha, giá trị ngành hàng quế đạt 900 tỷ đồng. Diện tích dược liệu gần 4.300 ha, sản lượng 18.161 tấn, giá trị 390 tỷ đồng; diện tích chuối đạt 3.174 ha, giá trị mang lại 184 tỷ đồng…

Quá trình chuyển đổi giống cây trồng trong những năm qua tại Lào Cai đã bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và cải thiện thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, để việc chuyển đổi thực sự đạt hiệu quả cao, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, đặc biệt là người dân.

Cây thanh long đã dần bén dễ với vùng đất Bảo Yên (Lào Cai). Ảnh: Bích Hợp.

Cây thanh long đã dần bén dễ với vùng đất Bảo Yên (Lào Cai). Ảnh: Bích Hợp.

Việc huy động sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã vào quá trình sản xuất, đầu tư chế biến và tiêu thụ sản phẩm là yếu tố then chốt. Do đó thời gian tới Lào Cai sẽ nghiên cứu và có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân, cung cấp giống, phân bón, chuyển giao kỹ thuật canh tác cũng như hỗ trợ bao tiêu sản phẩm để người dân yên tâm sản xuất.

Bích Hợp