Chuyến kiểm tra cây cam ở Quỳ Hợp

(Nông Dược. Thứ sáu 26/01/2018) Từ phán ánh về một số triệu chứng trên cây cam ở Quỳ Hợp (Nghệ An) được phán ánh từ đại lý, Công ty đã cử một đoàn đi xác minh. Triệu chứng trên cây cam được mô tả theo biểu hiện bên ngoài là “cây ngơ” và “quả đơ”.

“CÂY NGƠ”

Cây cam hai tuổi được trồng trên đất đồi có độ dốc khoảng 20 – 30o. Xung quanh mỗi gốc cam đều có gờ để giữ nước tưới. (mũi tên màu lam trong ảnh1). Lượng phân bón đầy đủ theo quy trình.

Ảnh 1.

Triệu chứng của “cây ngơ” là bản lá nhỏ, màu vàng nhạt, thẳng đứng, tán lá thưa. (Ảnh 2).


Ảnh 2.

Bộ rễ kém phát triển. Đặc biệt các rễ con – rễ tơ (mũi tên đỏ) chết nhiều và thưa thớt. Rễ chính (mũi tên trắng) vẫn tươi. (Ảnh 3).

Ảnh 3.

Sau khi kiểm tra chi tiết từng cây và từng khoảng vườn có nhiều “cây đơ”, Tiến sỹ, Phó Giáo sư, Ngô Vĩnh Viễn, cũng là thành viên Ban Cố vấn của Công ty đã giải thích với chủ vườn:

Bệnh do nấm Pythium gây chết các rễ con (rễ tơ). Hậu quả là quá trình vận chuyển nước và dinh dưỡng từ dưới lên nuôi cây bị ảnh hưởng rất lớn. Mặc dù không chết (do hệ thống rễ chính vẫn hoạt động) nhưng cây còi cọc, bộ lá kém phát triển.

Dù đã xác định nguyên nhân căn bản là do Pythium gây ra. Nhưng vấn đề chủ yếu do cách chăm sóc của chủ vườn lại là nhân tố để cho nấm Pythium phát triển gây hại. Để giữ nước ở vùng nắng, hạn chủ vườn đã vun đất quanh gốc để giữ nước tưới (ảnh1). Đây lại là sai lầm tai hại. Vì khi giữ nước tưới thì với độ ẩm cao trong nhiều ngày, Pythium cùng các loại nấm đất khác như: Phytophthora, Rhizoctonia, Fusarium,...phát triển rất nhanh và có thể lan truyền trong phạm vi rộng trong thời gian ngắn để gây hại rễ con của nhiều cây ở các vị trí khác nhau. Và một khi đã xuất hiện thì Pythium sẽ theo dòng nước ngầm chảy từ trên cao xuống phía dưới góp phần lan truyền nấm bệnh nhanh hơn

Theo TS, PGS Ngô Vĩnh Viễn thì đến nay chưa có thuốc đặc hiệu để trừ bệnh. Biện pháp phòng là chủ yếu. Theo ông, thì trước mùa mưa sử dụng các các chế phẩm sinh học chứa nấm đối kháng Trichoderma bón cho cây nhằm bảo vệ hệ thống rễ con, hạn chế sự phát triển và lây lan của các loại nấm đất gây hại ngay từ đầu.

“QUẢ ĐƠ”

Cây cam trồng trên đất bằng, đổ ẩm bảo đảm đủ cho cây sinh trưởng tốt, phân các loại được bón đầy đủ. Cây cam sinh trưởng tốt, nhưng số lượng quả trên cây rất ít.

Quả nhỏ và cứng nên người dân gọi là “đơ”.

Quả “đơ” còn xuất hiện trên những cây bị bệnh Greening với triệu chứng những lá bị vàng (mũi tên trắng trong ảnh).

Theo TS, PGS Viễn thì ngoài loại “quả đơ” trên cây bị bệnh Greening (là hiển nhiên) thì ở các cây khác hiện tượng “quả đơ” lại do chế độ bón phân không hợp lý. Chủ vườn quá tập trung bón các loại N.P.K mà không quan tâm đến các loại phân vi lượng. Việc thay đổi cơ cấu phân, chủng loại và thời gian bón phù hợp với các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây là giải pháp hữu hiệu khắc phục hiện tượng “quả đơ”.

D.A.M