Nhiều năm trồng lúa chỉ đủ ăn, một nông dân ở xã Thạnh Trị (Kiến Tường, Long An), đã chuyển sang trồng chanh, tắc và đổi đời nhờ 2 loại cây mới này.
Trồng chanh, tắc cho gia đình anh Bằng lợi nhuận cao gấp nhiều lần lúa. Ảnh: Sơn Trang.
Gia đình anh Nguyễn Công Bằng ở ấp 1, xã Thạnh Trị có 3 ha đất ruộng. Trước đây, toàn bộ diện tích này đều được sản xuất lúa.
Đất Thạnh Trị chỉ sản xuất được 2 vụ lúa mỗi năm. Tính ra, trên 1 ha, với 2 vụ lúa, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được mỗi năm chỉ khoảng 25 triệu đồng.
Thấy chỉ làm lúa không thể khá lên được, mà mấy năm gần đây, thu nhập lại bấp bênh, anh Bằng đã bỏ thời gian, công sức tìm cách chuyển đổi sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Sau một thời gian tìm hiểu kỹ càng về thổ nhưỡng, thị trường, anh quyết định chuyển sang trồng chanh và tắc.
Để đạt được hiệu quả kinh tế tốt với những loại cây này, anh đã mày mò tìm kiếm tài liệu kỹ thuật trên mạng, đồng thời lặn lội tới vùng trồng chanh, tắc ở Bến Tre và ở lại suốt 3 tháng trời để học hỏi kỹ thuật trực tiếp từ các chủ vườn ở đây.
Khi đã nắm vững được kỹ thuật và bắt được mối tiêu thụ, anh Bằng mới quyết định cắt 1 ha đất ruộng ra để chuyển từ lúa sang chanh và tắc. 2 ha còn lại, do chưa có vốn, gia đình anh tiếp tục sản xuất lúa 2 vụ.
Để chuyển từ lúa sang chanh và tắc trên 1 ha đất ruộng ấy, anh Tắc đã đầu tư tới 200 triệu đồng từ nguồn vốn sẵn có và vốn vay ngân hàng.
Trong đó, riêng việc thuê người đào mương, lên liếp trên ruộng đã mất khoảng 60 triệu đồng. Ngoài ra là chi phí mua cây giống và các chi phí ban đầu khác.
Nhờ chuẩn bị tốt mọi khâu ngay từ đầu và nắm vững kỹ thuật, nên vườn chanh và tắc của gia đình anh Bằng phát triển thuận lợi, nhanh chóng ra hoa kết trái.
Trong năm đầu tiên, 1 ha chanh và tắc ấy đã cho ra đình anh khoản lợi nhuận tới 100 triệu đồng, gấp 4 lần so với làm lúa trước đó. Toàn bộ chanh và tắc sau khi thu hoạch, đều được một chủ vựa ở Bến Tre tiêu thụ hết.
Do nhu cầu thu mua của chủ vựa khá lớn, trong khi bản thân mình chưa đủ tiềm lực để mở rộng diện tích, anh Bằng đã liên kết với 4 hộ nông dân khác trong vùng, cùng chuyển từ lúa sang chanh và tắc. Nhờ vậy, tổng diện tích trồng chanh và tắc của tổ liên kết đã lên tới 12 ha.
Do đều nắm vững kỹ thuật, nên trong năm đầu tiên, năng suất bình quân của tổ đạt 30-40 tấn/ha, những năm sau lên tới 40-70 tấn/ha. Tất cả sản phẩm của tổ đều được liên kết tiêu thụ với đại lý ở Bến Tre.
Do cây chanh và cây tắc cho thu hoạch đều đặn hàng tháng, lại trồng trên một diện tích không nhỏ, nên để tiêu thụ thuận lợi hơn và giảm chi phí trung gian, anh Bằng đã vay thêm tiền ngân hàng, mua hẳn một chiếc xe tải nhỏ để chuyên chở chanh, tắc của vườn nhà và của các hộ liên kết từ Thạnh Trị tới đại lý ở Bến Tre.
Đưa chúng tôi ra thăm vườn chanh, vườn tắc xanh mướt, đang chuẩn bị bước vào lứa thu hái mới, anh Bằng chia sẻ, cây chanh, cây tắc có nhiều tiềm năng phát triển ở đất Thạnh Trị vì phù hợp thổ nhưỡng.
Thị trường tiêu thụ 2 loại trái cây này đang tốt do có nhu cầu cao, khi chanh và tắc được sử dụng ngày càng nhiều để làm đồ uống giải khát như trà chanh, trà tắc, dùng trong nhiều món ăn.
Do đó, giá chanh, giá tắc lâu nay nhìn chung luôn ở mức giúp nông dân sống tốt. Chẳng hạn, giống chanh núm hiện đang có giá bán tại vườn từ 13.000-18.000 đồng/kg.
"Để chuyển lúa sang chanh, tắc hay loại cây nào khác được thành công, cần phải nắm thật vững kỹ thuật và có liên kết tiêu thụ với một đại lý thu mua. Khi chuyển từ lúa sang một loại cây trồng mới, không nên chạy theo những loại cây đang có giá cao, hút hàng trong khi chưa có đầu mối tiêu thụ ổn định", anh Bằng chia sẻ.
Sơn Trang