ĐẮT NGANG VÀNG RÒNG: TRÀ ĐINH “NGẬM” SƯƠNG NÚI GIÁ 6 TRIỆU ĐỒNG/KG

Trà đinh được mệnh danh là vua của các loại trà khi sở hữu hương thơm, vị ngọt, độ xanh trong hấp dẫn. Hiện giá cho mỗi cân trà đinh thượng hạng, uống Tết dao động từ 2 triệu – 6 triệu đồng.

Để sở hữu 1 kg trà đinh thượng hạng uống Tết, thượng khách phải bỏ ra 6 triệu đồng. Vào dịp Tết Nguyên đán, thứ “vàng ròng” đắt đỏ này luôn nằm trong diện cháy hàng, hút khách.

Chị Minh, chủ một cơ sở sản xuất trà ở Tân Cương (Thái Nguyên) cho biết, trà đinh chính là phần búp nhỏ nhất trên cây trà. Thông thường, trà sẽ được hái theo phương thức 1 tôm 2 lá thì trà đinh chỉ lấy 1 phần trong nõn tôm, bé như hạt gạo. Để sao sấy và chế biến loại trà này, người thợ phải dùng tới các loại máy móc, chảo rang đặc biệt để không làm nát búp trà.

Bởi khi màn đêm xuống, búp trà sẽ “ngậm” sương núi, dẫn đến cánh sẽ khá mềm, dễ bị dập, gãy.

“Trà sau khi hái về không mang đi sao ngay mà để hong khô trên nong, nia từ 30 phút – 45 phút. Cách thức này sẽ giúp trà loại bỏ được sương đêm hay nước còn đọng trên lá. Và trà ngon nhất phải được sao sấy trên củi lửa theo phương pháp truyền thống” – chị kể.

Theo chị Minh, trà đinh nổi tiếng đắt đỏ như vàng ròng là bởi chúng có hương vị thơm ngon khó cưỡng. Nước pha sẽ cho màu xanh trong vắt, không gợn đục dù để nhiều tiếng đồng hồ. Khi nhấp môi, thượng khách sẽ cảm thấy vị hơi đắng, chát nhưng càng uống thì càng thấy vị ngọt lan tỏa dần.

Nếu trà thường được hái theo kiểu 1 tôm 2 lá thì trà đinh chỉ hái phần đinh duy nhất ở đoạn tôm nõn

Tương tự, anh Lâm (Tân Cương, Thái Nguyên) chia sẻ, vào dịp Tết Nguyên đán, trà đinh luôn là mặt hàng bán chạy nhất nhà anh. Đây là dòng trà quý nên khách phải đặt trước 1 – 2 tháng để xưởng sản xuất và cung ứng. Để bảo quản tốt, trà sẽ được hút chân không, để trong phòng lạnh.

“Như Tết năm nay, tôi dự kiến đưa ra thị trường khoảng 20 kg – 30kg trà đinh thượng hạng với giá khoảng 6 triệu đồng/kg” – anh chia sẻ.

Theo anh Lâm, sở dĩ trà đinh có giá đắt hơn hẳn so với các loại trà thông thường còn bởi quá trình để làm ra 1 kg trà đinh vô cùng vất vả. Thời gian và công sức để làm ra 1kg trà đinh sẽ bằng với 20 kg – 30 kg trà thường. Từ lúc hái cho đến chế biến, lượng người cũng cần tăng cường gấp 3 – 4 lần. Không những thế, trong lúc sấy khô trà, chỉ cần nhiệt độ vượt quá khung cho phép là cả mẻ trà trị giá hàng chục triệu đồng phải lập tức đổ bỏ.

“Ngoài độ kỳ công, tỉ mỉ thì cái khác biệt lớn nhất tạo nên thương hiệu của trà đinh là nằm ở khâu sao sấy. Người non kinh nghiệm, ít thông thạo về trà không thể làm nổi. Bởi quá trình xử lý nhiệt độ, tạo hương hoàn toàn là thủ công” – anh nói.

Giá cho mỗi cân trà đinh trên thị trường hiện dao động từ 2 – 6 triệu đồng

Đồng quan điểm, anh Vũ Trung, một tín đồ của trà đinh ở Đống Đa (Hà Nội) cho biết, trà ngon hay không là phụ thuộc lớn ở người thợ. Như để non lửa trà sẽ có mùi ngái, nước đục còn để già lửa sẽ dẫn đến hiện tượng nước đỏ. Trà ngon phải là trà để 3 – 4 ngày nước không đổi màu, biến sắc, vị vẫn tươi mới như lúc mới pha.

“Để yên tâm, Tết năm nào tôi cũng đánh xe đến tận nơi mua trà chính gốc. Bởi hiện nay trên thị trường có nhiều hàng giả, hàng nhái trà trộn. Hơn nữa, bỏ ra 5 triệu – 6 triệu đồng để mua 1kg trà đinh không phải là số tiền nhỏ nên phải lựa chọn kỹ một chút” – anh cho biết.

Anh Trung tiết lộ, anh vừa mua 2 kg trà đinh mộc với giá 10 triệu đồng. Trong đó, 1kg anh để nhà uống, số còn lại thì anh biếu 2 bên nội ngoại, bạn bè mỗi người một ít. Thay vì đóng túi to, anh chia đều trà ra từng túi nhỏ loại 50g để uống tới đâu bóc ra tới đấy mà không làm mất mùi hương.

Theo Hoàng Dung (Dân trí)