Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, so với năm 2005, khi tổ chức festival hoa lần đầu tiên, diện tích trồng hoa của tỉnh đã tăng hơn 10 lần, hiện có khoảng 8.400 ha, riêng TP.Đà Lạt khoảng 5.960 ha, chiếm hơn 70% diện tích toàn tỉnh.
Lan hồ điệp tại Đà Lạt. Ảnh: Lâm Viên
Sản lượng hoa tăng hơn 5 lần, đạt trên 3 tỉ cành/năm, doanh thu trung bình từ 500 - 700 triệu đồng/ha/năm, có những mô hình cho thu nhập từ 2 - 5 tỉ đồng/ha/năm. Thế nhưng, hiện mới chỉ có 5% sản lượng hoa tươi được xuất khẩu trực tiếp ra các nước.
Ông Nguyễn Văn Bảo, Phó tổng giám đốc Công ty Dalat Hasfarm, thông tin: “Muốn xuất khẩu hoa một cách bài bản phải có bản quyền về giống. Phần lớn hoa sản xuất tại Việt Nam nói chung và Đà Lạt nói riêng không vào được thị trường các nước do “tắc” ở khâu này”.
Ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, cho biết những năm qua người trồng hoa Đà Lạt gặp nhiều trở ngại khi nhập khẩu giống hoa, do cơ chế kiểm dịch thực vật trước khi nhập khẩu quá nan giải. Hiệp hội Hoa Đà Lạt đã kiến nghị với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường về vấn đề này. Bộ trưởng hứa trong thời gian tới sẽ cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để nhập nhiều giống hoa mới từ nước ngoài về.
Một nguyên nhân khác khiến hoa Đà Lạt khó thâm nhập thị trường các nước do sản xuất theo từng nông hộ nhỏ lẻ, diện tích canh tác manh mún không đủ đáp ứng các hợp đồng lớn với những yêu cầu nghiêm ngặt về số lượng và chất lượng.
Thực tế cho thấy, tại H.Đức Trọng (Lâm Đồng), có Công ty TNHH Hoa Mặt Trời liên kết với hơn 50 nông hộ sản xuất hoa lan vũ nữ với diện tích 30 ha theo công nghệ cao. Đơn vị này thường xuyên thảo luận rút kinh nghiệm về kỹ thuật sản xuất, thông tin thị trường, nâng cao nhận thức về thương mại quốc tế. Nhờ đó, có số lượng hoa lớn, chất lượng đồng đều được thị trường Nhật Bản, Úc, Nga, Singapore... chấp nhận. Khi hoa tới Nhật Bản được đấu giá, trừ các chi phí vận chuyển, xử lý, đóng gói, bản quyền... sau đó tiền được thanh toán cho từng hộ nông dân và tổ hợp tác, giá cả và chi phí được công khai.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, cho biết mục tiêu của tỉnh đến năm 2020 có thể xuất khẩu khoảng 20% sản lượng hoa ra thị trường thế giới. Do đó, tỉnh đang tập trung hỗ trợ nông dân tiếp cận giống hoa mới, giống có bản quyền từ nước ngoài thông qua các doanh nghiệp.
Lâm Viên (Báo Thanh Niên)
Sưu tầm: Tùng Linh