Không ai nghĩ trồng cây nho sẽ phát triển làm du lịch ở cù lao huyện biên giới Đồng Tháp, hiện vườn nho đang cho trái xum xuê và ăn rất ngon ngọt.
Vườn nho trĩu quả của ông Nguyễn Thanh Tuấn, ở ấp Long Bình, xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Đồng Tháp vùng đất phù sa quanh năm, lần đầu tiên được ông Nguyễn Thanh Tuấn, ở ấp Long Bình, xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự đem giống nho từ vùng ngoài về trồng thử nghiệm ở cù lao vùng biên giới Đồng Tháp.
Ông Tuấn cho biết, sau khi cải tạo 13.000 m2 đất ruộng, ông đã ra tận Ninh Thuận để khảo sát, tìm hiểu thổ nhưỡng, học hỏi kỹ thuật canh tác và mang khoảng 1.400 gốc nho về trồng thử nghiệm. Chi phí đầu tư ban đầu cho việc cải tạo trồng nho khoảng 55 - 60 triệu đồng/1.000m2.
Theo ông Tuấn, đây là giống nho NH01-152 (còn gọi là nho ba màu) có ưu điểm vượt trội về chất lượng quả, trọng lượng. Theo đó, giống nho này có khả năng kháng sâu bệnh tốt ở vùng đất Đồng Tháp, tỷ lệ đậu trái cao, quả to, trọng lượng trung bình đạt từ 0,5 – 1,5kg/chùm.
Tùy theo giai đoạn, quả nho có màu xanh, sau đó chuyển đỏ hồng, khi chín toàn phần quả có màu đỏ vang rất đẹp. Hơn thế, nho NH01-152 có vỏ dày, thịt chắc, giòn, độ ngọt vừa phải, có vị thơm nhẹ rất đặc trưng. Tùy theo chế độ canh tác trồng nho có thể đạt năng suất 2 – 2,5 tấn/1.000m2, sản xuất 2 vụ/năm.
Chủ vườn nho Nguyễn Thanh Tuấn chăm sóc, tỉa trái cho chùm nho. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Sau hơn 5 tháng trồng, vườn nho ông Tuấn bắt đầu trĩu quả, hiện chủ vườn nho đầu tư cơ sở vật chất và dự định sẽ đón khách du lịch tham quan vào giữa tháng 11 âm lịch và kéo dài đến tết. Qua đó giới thiệu về giống cây trồng mới có khả năng thích ứng khí hậu, đất đai của vùng.
Đồng thời, giúp người địa phương và các tỉnh lân cận trải nghiệm cảm giác chụp ảnh, tự tay thu hoạch những chùm nho ưng ý ngay tại miền Tây. Để đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách, ông Tuấn đang nghiên cứu các sản phẩm du lịch đi kèm từ nho như mứt nho, rượu nho... và các dịch vụ ăn uống để phục vụ du khách.
LÊ HOÀNG VŨ