Sau gần 3 tháng gieo trồng, mô hình dưa lưới đã chính thức bước vào vụ thu hoạch đầu tiên với chất lượng đảm bảo trên từng quả.
Sản phẩm dưa lưới của anh Tiến có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Từ năm 2018 trở lại nay, Hà Tĩnh đã xuất hiện khá nhiều mô hình dưa lưới trồng trong nhà màng ở các huyện như Nghi Xuân, Thạch Hà, Can Lộc… mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
Qua tìm hiểu kỹ thuật cũng như đi tham quan thực tế, anh Hoàng Văn Tiến ở xã Thạch Châu (huyện Lộc Hà), nhận thấy dưa lưới là loại quả được ưa chuộng, giá cả khá ổn định nên đã quyết định đầu tư nhà màng gần 550 triệu đồng trên tổng diện tích 3.000 m2 đất vườn.
Trong đó, phần diện tích làm nhà màng trồng dưa lưới trên giá thể là 1.000 m2, còn lại là thâm canh các loại rau củ bằng phương pháp hữu cơ.
Anh Tiến cho biết, để cho ra đời được mô hình này, trước đó Hội Nông dân xã Thạch Châu và ngành nông nghiệp huyện Lộc Hà đã tạo điều kiện cho hội viên nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các mô hình trồng dưa lưới ở một số địa phương.
Đặc biệt anh được chính quyền địa phương tạo điều kiện về đất đai, mặt bằng. Từ đó đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình và trở thành một trong những mô hình tiên phong của huyện Lộc Hà về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Dưa lưới là loại cây thuộc họ bầu bí, có thời gian sinh trưởng ngắn và trồng được nhiều vụ trong năm với năng suất khá cao. Trồng dưa lưới trong nhà màng sẽ giúp bảo vệ cây dưa trước tác động của thời tiết, điều kiện ngoại cảnh, tạo môi trường cho cây sinh trưởng và đạt năng suất cao.
Chăm sóc dưa lưới tại vườn của anh Tiến.
Trong suốt quá trình chăm sóc anh Tiến sử dụng hệ thống tưới tự động và phải đảm bảo hệ thống thoát nước tốt để không ảnh hưởng tới quá trình hấp thu phân bón của cây và tránh ngập úng; nắm chắc kỹ thuật để bón phân vào từng thời điểm thích hợp, thời kỳ cây bắt đầu ra hoa không sử dụng phân bón lá.
Dưa lưới trồng trong nhà màng sẽ có chất lượng cao, đảm bảo an toàn vì nhà màng được anh Tiến làm có hai lớp cửa và trước khi trồng anh đã làm sạch nhà màng để tránh côn trùng gây bệnh. Khi cắt tỉa cành anh dùng kéo, không dùng tay để tránh lây lan mầm bệnh từ cây này sang cây khác.
Để đảm bảo những quả dưa lưới có chất lượng cao nhất, anh Tiến tự mình tiến hành thụ phấn cho cây. Vào lúc sáng sớm khoảng từ 6 - 7h30 phút, anh chọn những cây có cả hoa đực và hoa cái đã nở, chọn những hoa cái ở đốt thứ 9 - 12 rồi cứ 1 hoa đực thụ phấn cho 1 hoa cái.
Sau khi cây đậu quả, anh Tiến cho tỉa bớt, chỉ để lại 1 - 2 quả/cây để tập trung dinh dưỡng nuôi quả phát triển đạt chất lượng tốt nhất.
Vườn dưa lưới của anh Tiến.
Nhờ cần cù, chăm chỉ và dồn hết tâm huyết vào cây dưa lưới mà đến nay, sau gần 3 tháng chăm sóc giờ đây gia đình anh Tiến đã chính thức bước vào vụ thu hoạch đầu tiên. Dự tính anh sẽ thu hoạch được gần 5 tấn quả. Với giá bán 50.000 – 60.000 đồng/kg, vụ dưa lưới này gia đình anh sẽ đạt doanh thu 250 – 300 triệu đồng.
Chị Phan Thị Hương, cán bộ kỹ thuật Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Lộc Hà, cho biết: “Dưa lưới là giống cây trồng tương đối khó tính, hiện tại đang ít người làm, bởi thế nếu làm thành công sẽ cho giá trị cao. Gia đình anh Tiến thực hiện đúng các theo quy trình kỹ thuật chăm sóc cây nên đến nay đã thành công, cho thu hoạch lứa quả dưa lưới đầu tiên đạt chất lượng cao.
Bên cạnh đó, lợi ích của việc trồng dưa lưới trong nhà màng là không bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết nên mỗi năm người nông dân có thể làm được nhiều vụ".
Thanh Hoàng