Gần ¼ diện tích cây ăn trái ĐBSCL có nguy cơ ảnh hưởng bởi hạn mặn

Diện tích cây ăn trái có khả năng bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn mùa vụ 2020-2021 là 80.550ha, tương đương 23,2% tổng diện tích cây ăn trái toàn vùng ĐBSCL.

Trong 10 năm qua, diện tích và sản lượng thanh long tại Việt Nam tăng 20 lần, trong đó Long An và Tiền Giang nằm trong số những địa phương có tốc độ phát triển nhanh nhất cả nước - Ảnh: Trần Mạnh

Thông tin trên được đưa ra tại "Hội nghị triển khai giải pháp phòng chống hạn mặn trên cây ăn quả vùng ĐBSCL 2020-2021" do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 17-9 tại Tiền Giang.

Dự báo tình hình mùa khô năm 2020-2021 có khả năng tương đương mùa khô năm 2015-2016, cần sớm có bước chuẩn bị cho các vườn cây ăn quả.

Việc phát triển quá nhanh một số loại trái cây như thanh long, sầu riêng và mít dẫn đến rủi ro về hạn mặn và thị trường tiêu thụ - Ảnh: Trần Mạnh

Năm 2019-2020, diện tích cây ăn trái vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng khô hạn, xâm nhập mặn khoảng 25.120ha (gồm cây sầu riêng 9.640ha, bưởi 5.740ha, chanh 2.340ha, chôm chôm 4.610ha...).

Theo Cục Trồng trọt, năm 2020 Việt Nam có 1,067 triệu ha cây ăn trái, trong đó ĐBSCL là vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực chiếm 39% tổng diện tích cây ăn quả cả nước. Nhưng đây cũng là khu vực trồng cây ăn trái chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hạn mặn những năm qua.

ĐBSCL là vùng trồng cây ăn quả chủ lực (chiếm khoảng 58% diện tích cây ăn quả toàn miền Nam), tiếp đến là vùng Đông Nam bộ (17%), vùng duyên hải Nam trung bộ (15%) và vùng Tây Nguyên (10%).

Năm 2019 giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 3,747 tỉ USD trong khi nhập khẩu 1,778 tỉ USD, xuất siêu ngành đạt gẩn 2 tỉ USD.

Trần Mạnh (Báo Tuổi Trẻ)