Hội thảo góp ý cho dự thảo về Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Việt Nam – Vietnam Rice” sẽ diễn ra vào sáng 30/11 tới tại Hà Nội.
Gạo Việt Nam sẽ có thương hiệu rõ ràng
Đây là lần thứ 4, Dự thảo được lấy ý kiến và hoàn thiện theo tinh thần Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Đề án phát triển Thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo dự thảo quy chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận quốc gia “Gạo Việt Nam/Vietnam Rice”. Gạo được đề cập trong quy chế là các loại gạo trắng, gạo thơm trắng và gạo nếp trắng của các giống lúa thuộc loài Oryza sativa L. Sản phẩm gạo mang nhãn hiệu chứng nhận có đặc tính phù hợp với các chỉ tiêu chất lượng trong các tiêu chuẩn quốc gia: TCVN 11888:2017 gạo trắng, TCVN 11889:2017gạo thơm trắng và TCVN 8369:2010 gạo nếp trắng.
Ngoài ra, doanh nghiệp được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia “GẠO VIỆT NAM/VIETNAM RICE” cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện như: là doanh nghiệp, tổ chức hợp pháp tại Việt Nam có hoạt động sản xuất, chế biến và kinh doanh gạo trên lãnh thổ Việt Nam để phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Đồng thời, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hoặc tiêu chuẩn tương đương trong suốt quá trình sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng ổn định, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Việc xay xát gạo phải tiêu chuẩn TCVN 11890:2017 Quy phạm thực hành đối với xay xát, bảo quản và đóng gói trong điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, cấp giấy chứng nhận...
Quy chế cũng nêu rõ thời hạn của Giấy Chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia “GẠO VIỆT NAM/VIETNAM RICE” là 3 năm và được cấp lại nếu doanh nghiệp có yêu cầu…
Việc tìm kiếm và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam ấn định trên bản đồ thế giới được cho là cấp bách và được đề cập từ năm 2015. Tại thời điểm bấy giờ, báo chí cũng như dư luận đề cập nhiều việc gạo Campuchia đang được thế giới ưa chuộng, đã qua mặt Việt Nam trong việc xuất khẩu gạo thơm cạnh tranh với Thái Lan. Và tiếp theo đó, gạo thơm của Myanmar cũng đang được nổi tiếng. Nhiều người lo lắng cho mệnh hệ gạo Việt Nam sẽ ra sao trong tình thế này.
Từ năm 2015 đến nay, nhiều câu hỏi đã được giới chuyên gia đặt ra là: Tại sao gạo Việt Nam không được khách hàng ưa chuộng? Tại sao có những lô hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam đã bị trả về vì không đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Những lô hàng này không có tông tích vì không ai có thể truy nguyên nguồn gốc lấy từ ruộng lúa nào. Tại sao trước năm 1968, chúng ta có “Gạo Sài Gòn” nổi tiếng khắp thế giới, mà sau khi đất nước được hòa bình thống nhất thì gạo Việt Nam bị tụt hạng như thế? Gạo thơm ngon của Việt Nam đâu mất rồi? Các nhà khoa học Việt Nam ở đâu mà để cho tình trạng gạo Việt Nam xuống cấp như thế? Đây là những câu hỏi cứ được lặp đi lặp lại mãi mà đến nay vẫn chưa có câu trả lời
Theo giới chuyên gia, xây dựng lại thương hiệu gạo Việt Nam trong bối cảnh thị trường bát nháo hiện nay với quá nhiều giống lúa cho nông dân tự chọn và do hàng ngàn thương lái mua bán, quả thật là một thách thức lớn, càng khó hơn nữa nếu thực hiện theo lộ trình nêu trong QĐ 706/TTg. “Khó và vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn nhưng chúng ta vẫn phải làm, 90 triệu người dân Việt Nam cần chung tay để tìm chỗ đứng, khắc dấu ấn cho hạt gạo Việt trên bản đồ thế giới”, một chuyên gia bày tỏ.
Hà Anh (Dân Trí)