Phát triển cây dược liệu nhằm mục đích bảo tồn và phát triển bền vững loài cây dược liệu quý phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của tỉnh Gia Lai.
UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành quyết định phê duyệt đề án: “Bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo đó, đến năm 2030, phát triển diện tích trồng cây dược liệu của tỉnh đạt khoảng 20.000 ha. Trong đó, diện tích trồng Sâm Ngọc Linh khoảng 800 ha, lan kim tuyến 1.000 ha, thất dịp nhất chi hoa 500 ha, đinh lăng 2.500 ha, mật nhân 2.000 ha, sa nhân tím 1.000 ha, đẳng sâm 1.000 ha, đương quy 1.000 ha, cà gai leo 1.000 ha...
Cây Cà gai leo đang phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Cây dược liệu sẽ được ưu tiên phát triển tại các huyện có tiềm năng, lợi thế trên địa bàn tỉnh như: Kbang, Đak Đoa, Mang Yang, An Khê, Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Ia Pa.
Nhằm hiện thực hóa đề án này, Gia Lai cần hình thành ít nhất 6 cơ sở sản xuất giống dược liệu để cung cấp cây giống chất lượng cao, đảm bảo cung ứng 100% nhu cầu cây giống cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng dược liệu. Ngoài ra, Gia Lai cũng cần xây dựng thương hiệu ít nhất 4 sản phẩm dược liệu và có thêm 10 sản phẩm dược liệu được tạo ra gắn với chương trình OCOP của tỉnh.
Để đạt được mục tiêu của đề án, tổng nhu cầu vốn cần khoảng 5.200 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 là 3.310 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 1.890 tỷ đồng. Theo đó, nguồn vốn được huy động từ ngân sách Nhà nước khoảng 477 tỷ đồng và vốn ngoài ngân sách là 4.723 tỷ đồng.
Việc Gia Lai phê duyệt đề án phát triển cây dược liệu nhằm mục đích bảo tồn và phát triển bền vững một số loài cây dược liệu quý phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của tỉnh.
Khi phát triển cây dược liệu cũng sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, hình thành chuỗi liên kết giá trị bền vững, đưa cây dược liệu trở thành lĩnh vực có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Gia Lai.
Tuấn Anh