Giá phân bón thế giới cao kỷ lục hơn một thập kỷ do khủng hoảng năng lượng

Giá phân bón thế giới cao kỷ lục hơn một thập kỷ do khủng hoảng năng lượng

Khủng hoảng năng lượng, đặc biệt là giá khí tự nhiên tăng cao trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị đứt gãy đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường phân bón thế giới, buộc nhiều nhà máy sản xuất phân bón phải đóng cửa.

Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục do mức dự trữ của các quốc gia thấp nhất trong vòng nhiều năm và lo ngại về nguồn cung. Xu hướng giá tương tự cũng diễn ra ở châu Á, đảo ngược xu hướng giảm trong mấy tháng trước tháng 8/2021.

Khí tự nhiên là nguyên liệu chính để sản xuất phân bón nitơ như Amoniac, Urea và Nitrat. Khủng hoảng khí đốt tác động lây lan gây thiếu điện, ảnh hưởng tới khả năng vận hành của các nhà máy sản xuất phân bón.

Gần như tất cả các loại phân bón đều dang tăng giá mạnh, với mức tăng hàng tuần từ đầu tháng 10 đến nay lên đến trung bình 5% trở lên. Kali và Urea dẫn đầu mức tăng, hiện cao hơn gần 20% so với một tháng trước đây, với Kali giá 675 USD/tấn, còn Urea 635 USD/tấn, đều tăng khoảng 100 USD/tấn chỉ trong vòng một tháng.

Hàng loạt nhà máy sản xuất phân bón tại châu Âu phải đóng cửa do giá thành sản xuất tăng cao vì thiếu khí đốt. Công ty Yara – Na Uy tuyên bố giảm công suất 40% trên toàn châu Âu còn Công ty BASF của Đức đã đóng cửa Nhà máy NH3 tại Antewerp và Ludwigshafen vì với mức giá khí mới, giá thành sản xuất NH3 tại châu Âu đã gần chạm ngưỡng 950 USD/tấn trong khi giá nhập khẩu về châu Âu là 670-700 USD/tấn CFR (giá bao gồm cước phí). NH3 là nguyên liệu chính để sản xuất ra các loại phân bón chứa Nitơ như Urea, DAP, NPK..., do vậy đã ảnh hưởng trực tiếp tới giá phân bón, đặc biệt là Urea.

Giá phân bón thế giới cao kỷ lục hơn một thập kỷ do khủng hoảng năng lượng - Ảnh 1.

Giá phân bón thế giới đồng loạt tăng mạnh.

Phân POTASH (Kali) nằm trong số những loại phân bón có mức tăng giá mạnh nhất ở tất cả các khu vực trên thế giới do nguồn cung bị thắt chặt. Phân Kali MOP tại phương Tây tăng 30% trong vòng 4 tháng qua, từ 440 USD/tấn lên 680 USD/tấn hiện nay, trong khi tại Đông Nam Á tăng gấp đôi trong khoảng thời gian này, từ 285 USD/tấn tháng 5/2021 lên trên 600 USD/tấn hiện nay.

Việc không chắn chắn về các lệnh trừng phạt với Belarus, nguồn cung khí đốt eo hẹp tiếp tục chi phối các giao dịch và giá trên thị trường trong bối cảnh nhu cầu tăng mạnh tại tất cả các thị trường do chuẩn bị bước vào vụ chính có thể khiến giá Kali dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong quý 4/2021, có thể sớm chạm mốc 800 USD/tấn.

Giá UREA cũng tăng mạnh trong thời gian qua, hiện đạt trên 650 USD/tấn do giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. So với cùng kỳ năm ngoái, giá Urea hiện đắt hơn khoảng 70%.

Mời bạn xem thông tin bài viết tại: https://cafef.vn/gia-phan-bon-the-gioi-cao-ky-luc-hon-mot-thap-ky-do-khung-hoang-nang-luong-20211016162825072.chn