5 - 6 năm trước, đã có trào lưu bỏ dong trồng cây ăn quả. Nhưng khoảng 2 năm nay, nhiều gia đình ở Tràng Cát bắt đầu phục hồi lại nghề truyền thống.
Từ rằm đến 27-28 tháng Chạp là mùa cao điểm thu hoạch, buôn bán phục vụ Tết nguyên đán của làng lá dong Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Làng Tràng Cát nổi tiếng với nghề trồng lá dong từ hàng trăm năm nay. Lá dong của làng phục vụ nhu cầu gói bánh chưng trong dịp tết và gói bánh, gói xôi quanh năm cho khu vực Hà Nội. Ở Tràng Cát, gần như nhà nào cũng trồng dong, nhà ít vài thước, nhà nhiều cả mẫu. Cận tết, màu xanh lá dong tràn ngập đường làng.
Lá dong Tràng Cát được biết đến vì lá bầu, rộng bề ngang, xanh, mỏng và dẻo hơn cả lá dong rừng bởi được thừa hưởng sự màu mỡ của phù sa ven sông Đáy. Bánh chưng được gói bằng lá dong Tràng Cát có màu xanh đẹp mắt và vị thơm tự nhiên.
Khác với trồng lúa, trồng màu, trồng lá dong không yêu cầu nông dân phải một nắng hai sương. Chỉ cần chăm chỉ tưới nước, bón phân, làm cỏ, cắt lá sâu thì lá cây sẽ đẹp và tươi tốt, cho thu hoạch quanh năm. Do ưa ẩm, mát nên người dân Tràng Cát thường xen canh dong với nhiều loại cây tán cao trong vườn chứ không trồng tập trung thành ruộng lớn.
Ở làng Tràng Cát đi đâu cũng thấy lá dong. Ảnh: Tùng Đinh.
Trồng dong có 2 kiểu, một là dồn hết cho vụ tết, kéo dài trong khoảng nửa cuối tháng chạp. Nếu trồng theo cách này, trong năm người dân chỉ tỉa lá xấu, bé bán cho người có nhu cầu gói xôi, gói quà bánh. Loại lá này có giá rất rẻ, 100 lá chỉ khoảng 30.000 – 50.000 đồng.
Đến cuối năm, những cây dong cao quá đầu người chỉ còn lại những lá to, đẹp để phục vụ tết nên giá rất cao. Mỗi bó 50 tàu, nếu bán buôn cho thương lái ngay tại nhà có giá giao động từ 70.000 – 150.000 đồng, tùy theo chất lượng lá.
ông Trịnh Văn Liễu (58 tuổi) với kinh nghiệm hơn 20 năm trồng dong chia sẻ: Dong được đồng từ đầu năm, tỉa dần lá xấu rồi đến tết sẽ thu hoạch rộ. Lá dong đẹp bán tết có chiều dài khoảng 70-80 cm, rộng 25-30 cm. Lá dong của chúng tôi là lá nếp, xanh tươi nên nấu bánh không bị đen như lá dong miền núi.
Kiểu còn lại là cứ 3 tháng thu hoạch một lần, cây chỉ cao ở mức ngang hông, lá không quá to và giá bán cũng rẻ hơn so với loại lá đẹp nói trên.
Người dân Tràng Cát thường trồng theo cách đầu tiên vì muốn tập trung nguồn thu từ lá dong cho dịp Tết. Tính trung bình, mỗi sào (Bắc Bộ) lá dong, có thể cho thu nhập từ khoảng 15 - 20 triệu đồng, đủ cho các gia đình có một cái tết tươm tất.
Trước đây, người ta từng ví làng Tràng Cát như một biển lá dong, vì là cây chủ đạo của địa phương. Tuy nhiên, cách đây 5 - 6 năm, trào lưu bỏ dong trồng cây ăn quả xuất hiện, hàng mẫu dong bị bỏ đi để trồng cam Canh, bưởi Diễn. Nhưng vì thiếu kiến thức, chạy theo thị hiếu nên nhiều người dân phải chịu cảnh thua lỗ vì mất mùa, giá rẻ.
Nông dân tươi cười khi thu hoạch lá dong Tràng Cát phục vụ Tết Tân Sửu. Ảnh: Tùng Đinh.
Nhận thấy chẳng có gì thay được dong, khoảng 2 năm trở lại, nhiều gia đình ở Tràng Cát bắt đầu phục hồi lại nghề truyền thống. Nhưng vấn đề đặt ra là do phá dong hàng loạt nên không còn giống để phục hồi. Vì vậy, những ai có tầm nhìn xa, biết cách làm giống lại kiếm được bộn tiền từ gốc cây, ông Trịnh Văn Thủy là một người như vậy.
“5-6 năm trước, thấy người dân thuê máy múc về phá dong, trồng cây ăn quả tôi tiếc quá nên xin hết gốc về trồng trong vườn. Khi đó chỉ nghĩ là trồng dày lên rồi bán lá chứ kiên quyết không bỏ dong làm cam, bưởi”, ông Thủy kể.
Đến nay, gia đình ông đã có kinh nghiệm 5 năm làm và bán giống dong Tràng Cát, chủ yếu bán cho các tỉnh ngoài. Trước đây, ông Thủy bán giống dong cho các nhà vườn ở Thanh Hóa, Ninh Bình rồi Quảng Ninh, Hải Phòng... Có người mua về trồng lấy lá, có người trồng làm cảnh. Mấy năm gần đây, dân làng Tràng Cát quay lại làm dong thì tôi bán thêm cho người làng.
Cũng theo ông Thủy, mỗi khóm dong giống sẽ gồm 3 cây mẹ và 3 chồi non, tính cả đất vào khoảng 3kg và bán với giá 10.000 đồng. Với người làng, ông bán rẻ hơn, chỉ 7.000 đồng/khóm. Hiện nay, mỗi năm ông bán trung bình vào khoảng 10.000 khóm dong giống, thu khoảng 100 triệu đồng.
Trong tương lai, ông dự định tiếp tục đẩy mạnh làm giống dong. Khi làng Tràng Cát khôi phục được nghề, nhu cầu giống ít đi thì sẽ chuyển sang bán cho các địa phương khác.
Tùng Đinh - Nhật Quang